Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội

Thứ Tư, 20/09/2017, 15:20 [GMT+7]
    Chiều ngày 18/9, tại Hà Nội, tiếp tục Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết trong năm 2017. 
 
    Năm 2017, Chính phủ đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu tập huấn về nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp; trong đó đáng chú ý là cơ bản đã hoàn thành việc biên soạn các tài liệu, giáo trình, bài giảng chuyên đề về Hiến pháp và đưa vào giảng dạy trong các trường đại học và sau đại học. Tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Tổ chức xây dựng các dự án luật, pháp lệnh để thi hành Hiến pháp năm 2013, gồm 13/14 dự án luật, nghị quyết đã được thông qua, cho ý kiến 5 dự án luật, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng như: Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Luật cạnh tranh, Luật quốc phòng… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 225 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trong thời gian qua đã được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác kiểm soát chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được quan tâm.
 
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
    Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến tập huấn về Hiến pháp năm 2013 với hoạt động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp 2013 còn thiếu sự kết nối; vẫn còn dự án luật phải rút ra khỏi chương trình hoặc lùi thời hạn trình. Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết cơ bản đã được khắc phục nhưng chưa triệt để, số văn bản nợ ban hành đến nay vẫn còn 13 văn bản. Nguyên nhân cơ bản là do một số dự án luật có những vấn đề mới, phức tạp, cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá toàn diện và có thêm thời gian để thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục. Số lượng văn bản quy định chi tiết cần ban hành lớn, trong khi các bộ, các cơ quan ngang bộ phải tập trung nguồn lực cho công tác chỉ đạo, điều hành. Việc đầu tư thời gian, nguồn lực, kinh phí còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật chưa thực sự chuyên nghiệp, phải đảm nhiệm nhiều công việc.
 
    Tại Phiên họp, một số ý kiến đề nghị Báo cáo cần phân tích rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chưa bảo đảm đúng tiến độ trình văn bản, chậm xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Cần làm rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và trong công tác ban hành văn bản. Trong công tác thi hành pháp luật, Báo cáo cần làm rõ thực trạng về tình hình vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí… đang diễn ra, gây nhiều bức xúc trong xã hội, đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật phải khẩn trương có những biện pháp ứng phó kịp thời, xử lý nghiêm minh… Do vậy, cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động này, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng pháp luật. Bố trí đủ nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. 
    
    Một số ý kiến cũng đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan hữu quan nghiên cứu, chủ động dự kiến hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, quy định các điều kiện, biện pháp cần thiết bảo đảm tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh. Đề nghị Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, xem xét, quyết định về nội dung, chất lượng, hồ sơ của từng dự án luật để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không đảm bảo chất lượng và tiến độ; tập trung sớm xử lý dứt điểm các văn bản còn nợ chưa ban hành thời gian qua.
Nguyễn Phương Thảo
;
.