Bộ Tài chính: Thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dựng khoa học công nghệ để phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan

Thứ Năm, 24/08/2017, 13:35 [GMT+7]
    Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực với số lượng cán bộ, công chức lớn với nhiều đơn vị có hệ thống từ Trung ương đến địa phương như thuế, hải quan, kho bạc, dự trữ… nhiều bộ phận cán bộ, công chức trong công việc thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp; hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, quản lý tài sản công, tiền vốn là những lĩnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực. Từ tình hình đó, Bộ Tài chính luôn chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành bằng việc thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan đã thu được nhiều kết quả tốt, góp phần phòng ngừa, hạn chế hành vi tham nhũng, tiêu cực.  
 
Tổng cục Hải quan  họp bàn với 36 ngân hàng thương mại về đề án  “Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7”
Tổng cục Hải quan họp bàn với 36 ngân hàng thương mại về đề án “Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7”
    Bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến 933 thủ tục hành chính; tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng kê khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký kê khai qua mạng là 589.756 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99,7%; đến nay đã tiếp nhận 41,3 triệu hồ sơ khai thuế điện tử; tiếp tục phối hợp với 45 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 Cục thuế của 63 tỉnh, thành; số tiền các doanh nghiệp đóng góp nghĩa vụ vào ngân sách nhà nước qua cổng thông tin nộp thuế điện tử trên 233.294 tỷ đồng, 1.407.739 giao dịch nộp thuế điện tử; đã triển khai thí điểm về hoàn thuế điện tử tại 13 Cục Thuế đăng ký cho 1.675 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử, đã giải quyết 351 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT với số tiền thuế được hoàn là 2.516 tỷ đồng.
 
    Về cơ chế một cửa quốc gia: Đã có 11/14 Bộ, ngành tham gia kết nối 38 thủ tục hành chính và có trên 11,4 nghìn doanh nghiệp tham gia. Hiện nay đã sẵn sàng kết nối chính thức với Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư về khung pháp lý để thực hiện cơ chế được đủ 10 nước thành viên phê chuẩn; 100% Chi cục Hải quan trong cả nước thực hiện Hệ thống thong quan tự động VNACCS/VCIS, đã có 59.530 doanh nghiệp tham gia; tổng số tờ khai với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thông quan trên hệ thống VNACCS/VCIS là 141,87 tỷ USD. 
 
    Bộ Tài chính đã chỉ đạo ký thoả thuận hợp tác thu thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử trên cơ sở kết nối hệ thống công nghệ thông tin giữa Hải quan với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế. Đã ký kết với 37 ngân hàng thương mại, số thu chiếm 91% thu ngân sách nhà nước của hệ thống cơ quan hải quan, giảm thời gian nộp thuế từ 02 ngày xuống còn 15 phút.
 
    Hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy trình kiểm soát “một cửa”. Hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách đã được triển khai thành công trên diện rộng với 04 ngân hàng thương mại và 21 ngân hàng thương mại cổ phần cho hơn 700 kho bạc nhà nước cấp huyện, 45 đơn vị kho bạc nhà nước cấp tỉnh, thay thế hoàn toàn phương thức thanh toán thủ công bằng chứng từ giấy trước đây; đơn giản hoá thủ tục, hồ sơ chứng từ trong kiểm soát chi thường xuyên với các khoản mua sắm nhỏ lẻ của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, giảm được thủ tục của 70% tổng số các khoản mua sắm.
 
    Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BTC, ngày 15-02-2017 quy định về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Theo đó, đã bổ sung, hoàn thiện một số nội dung về quản lý thanh toán bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước như: Hoàn thiện quy định về chi trả cá nhân qua ATM; thanh toán chi trả ngân sách nhà nước bằng thẻ tín dụng; bổ sung quy định đối với các khoản chi bằng tiền mặt có giá trị trên 01 tỷ đồng thì đơn vị phải thực hiện lĩnh tiền mặt tại ngân hàng thương mại, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Cù Tất Dũng
;
.