Ban Nội chính Trung ương: Hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra

Thứ Sáu, 06/01/2017, 17:55 [GMT+7]
    Ngày 05-01-2017, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì và kết luận Hội nghị. Trang Thông tin điện tử tổng hợp trân trọng giới thiệu nội dung quan trọng trong bài phát biểu kết luận của đồng chí Phan Đình Trạc tại Hội nghị này.
 
        Thưa các đồng chí!
 
    Hôm nay, chúng ta tổ chức Hội nghị tổng kết năm đúng vào ngày kỷ niệm 51 năm ngày truyền thống Ngành Nội chính Đảng và cũng là những ngày đầu của năm mới 2017. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi xin gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên Ngành Nội chính Đảng và các đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
 
    Thưa các đồng chí!
 
    Có thể khẳng định, năm 2016 khối lượng công việc của chúng ta rất lớn, nhiều nội dung công việc phức tạp, nhạy cảm, đột xuất; lại diễn ra trong điều kiện lãnh đạo Ban còn thiếu. Nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực rất lớn của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTW) về phòng, chống tham nhũng (PCTN); sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các ban, ngành Trung ương, địa phương, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra; công tác xây dựng Đảng, hoạt động công đoàn, xây dựng cơ quan, đơn vị đạt nhiều kết quả. Trong đó nổi bật là:
 
    1. Thứ nhất: Chủ động, sáng tạo, nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong tham mưu, đề xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực của BCĐ TW về PCTN:
 
    1.1. Chủ động xây dựng Chương trình công tác; tham mưu kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo. 
 
    1.2. Chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu, đổi mới chương trình và phương pháp báo cáo các tài liệu, phục vụ tốt các Phiên họp Ban Chỉ đạo và các Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. 
 
    1.3. Chủ động, kiên trì xây dựng, tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương trong xét xử các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.
 
    1.4. Xây dựng, tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành và đôn đốc thực hiện Kế hoạch số 19- KH/BCĐ về triển khai thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng
 
    1.5. Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện tốt 07 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng của Ban Chỉ đạo năm 2016. Chủ động đề xuất, tham mưu, phối hợp UBKT Trung ương kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan.
 
    1.6- Công tác theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ) đạt nhiều kết quả:
 
     - Chủ trì, tổ chức và tham gia 17 cuộc họp liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương; ban hành 60 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ) và một số vụ án, vụ việc khác theo kiến nghị của địa phương và cơ quan tố tụng Trung ương. 
 
    - Tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức 02 Cuộc họp để chỉ đạo xử lý một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; chỉ đạo đưa 06 vụ án ra xét xử sơ thẩm và 07 vụ án ra xét xử phúc thẩm trong năm 2016 và quý I năm 2017; tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Bí thư về đường lối xử lý một số vụ án về kinh tế, tham nhũng phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương.
 
    Điểm mới là: Chúng ta vừa tham mưu đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo về định hướng chủ trương xử lý; vừa tham mưu chỉ đạo cụ thể từng nội dung công việc, gắn với trách nhiệm của các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền; vừa tham mưu theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đến cùng của các cơ quan chức năng (thể hiện rất rõ trong Thông báo 11 và Thông báo 30 của Thường trực Ban Chỉ đạo). 
 
    Kết quả là: Trong năm 2016 các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã truy tố, xét xử sơ thẩm 08 vụ/121 bị cáo; xét xử phúc thẩm 06 vụ/55 bị cáo. Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã truy tố, xét xử sơ thẩm 03 vụ/10 bị cáo; xét xử phúc thẩm 02 vụ/03 bị cáo. Trong đó nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc đã được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo, như: Vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Lê Dũng; vụ án Phạm Ngọc Ngoạn; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (phần điều tra lại) v.v… .
 
    1.7- Chủ trì xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã có Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị; Đề án bổ sung, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị
    2- Thứ hai: Làm tốt công tác nghiên cứu, đề xuất về công tác xây dựng pháp luật; chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính và PCTN:
 
    2.1- Hoàn thành nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”; phối hợp Thanh tra Chính phủ tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN; chủ động nghiên cứu một số chuyên đề, đề tài về công tác nội chính và PCTN.
 
    2.2- Tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị một số vấn đề lớn trong Đề án về an ninh, xây dựng Đảng, các dự án luật và tham gia biên tập, thẩm định các dự án luật trình Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 1, 2 Quốc hội khoá XIV, nhất là tham mưu xử lý một số vướng mắc của Bộ luật hình sự năm 2015, Luật về Hội, Luật tín ngưỡng, tôn giáo,…; tham gia có hiệu quả vào hoạt động của BCĐ cải cách Tư pháp Trung ương.
 
    3- Thứ ba: Chủ động nghiên cứu, nắm tình hình về một số vấn đề về an ninh quốc gia; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác nội chính và PCTN; tham gia tiếp dân, sửa đổi Quy định 02 về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; tham gia ý kiến kịp thời về việc bổ nhiệm, phong hàm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; bổ nhiệm các chức danh tư pháp. 
 
    4- Thứ tư: Công tác theo dõi, hướng dẫn, tập huấn, đôn đốc công tác nội chính và PCTN ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương có chuyển biến tốt hơn. Tổ chức tốt các Hội nghị giao ban Cụm 6 tháng và cả năm các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ; biên soạn tài liệu và tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác nội chính và PCTN ở địa phương; phối hợp, chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Nhất là xử lý các khó khăn, vướng mắc trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, các vụ việc, vụ án có biểu hiện oan, sai (phát hiện, chỉ đạo xử lý 11 vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, oan sai, có khó khăn, vướng mắc tại địa phương).
 
    5- Thứ năm: Xây dựng, ký kết 05 Quy chế phối hợp (với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp; Đài truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam). Tổ chức sơ kết, ban hành Kế hoạch để thực hiện tốt hơn các Quy chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, UBKT Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam. Sự phối hợp giữa Ban với các cơ quan, đơn vị được nâng lên. 
 
    6- Thứ sáu: Thực hiện tốt các nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Nhất là chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo Ban Bí thư về việc kiểm điểm các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để xẩy ra sai sót trong nội dung Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
    7- Thứ bảy: Công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được quan tâm, đảm bảo chặt chẽ, công tâm, khách quan. Trưởng Ban trực tiếp làm việc, chấn chỉnh kỷ cương, lề lối làm việc và chất lượng công tác ở các đơn vị. Công tác thi đua, khen thưởng thiết thực và hiệu quả hơn. Các hoạt động hợp tác quốc tế, đối ngoại về công tác nội chính và PCTN được thực hiện tích cực. Tạp chí và hoạt động của Văn phòng có nhiều cố gắng, phục vụ tốt hoạt động của Ban. Tổ chức tốt Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Ngành Nội chính Đảng, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, thiết thực. Xây dựng, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. 
 
    8- Thứ tám: Công tác xây dựng Đảng có chuyển biến tích cực, nền nếp và đạt nhiều kết quả. Việc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương và Đảng ủy khối được thực hiện nghiêm túc; công tác chính trị, tư tưởng được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng được thực hiện bài bản, đúng quy định; duy trì thường xuyên, nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng; phối hợp tốt với lãnh đạo ban trong công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; tham gia góp ý, kiểm điểm lãnh đạo Ban cuối năm.
 
    9- Thứ chín: Hoạt động Công đoàn, Đoàn Thanh niên có nhiều khởi sắc hơn; quy chế dân chủ ở cơ quan thực hiện tốt; nội bộ đoàn kết; quan tâm hơn đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên và chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
 
    Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi biểu dương các Vụ, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác năm 2016.
 
    Thưa các đồng chí!
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý, đó là:
 
    - Phối hợp giữa các vụ, đơn vị trong một số công việc chưa tốt, có việc còn chậm.
 
    - Một số đồng chí lãnh đạo cấp vụ quán xuyến, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công việc có lúc, có nơi vẫn còn hạn chế; thiếu chủ động, sáng tạo; chất lượng một số nội dung công việc chưa cao.
 
    - Tính chuyên nghiệp và sự nỗ lực, cố gắng trong công tác của một số cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế; có lúc chấp hành kỷ luật lao động chưa nghiêm.
 
    - Vai trò của một số cấp ủy chi bộ trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị có lúc, có nơi chưa rõ nét; hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên chưa thật sự sôi nổi, vai trò giám sát của công đoàn còn hạn chế.
 
    Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2017: Ngoài các nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo, tôi lưu ý một số nội dung sau đây:
 
     1. Tham mưu, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí.
 
    2. Theo dõi, đôn đốc, phối hợp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài để sớm kết thúc việc xử lý:
 
    - Ráo riết theo dõi, tham mưu đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành xét xử sơ thẩm 06 vụ án, xét xử phúc thẩm 07 vụ án theo đúng kế hoạch tại Thông báo số 30-TB/BCĐTW, bảo đảm việc xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.
 
    - Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo chỉ đạo: Kết thúc xác minh, xử lý 04 vụ việc; điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 01 vụ việc, 04 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc trong năm 2017. Trọng tâm là 05 vụ án, 03 vụ việc, 10 kiến nghị thuộc giai đoạn II vụ án Pham Công Danh; giai đoạn II của các vụ án Hà Văn Thắm, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo… và các vụ việc, vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
 
    3. Phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan chọn một số vụ án, vụ việc điển hình để tổng kết, rút kinh nghiệm; tiếp tục lựa chọn đưa một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
 
    4. Tham mưu BCĐ chỉ đạo thanh tra, điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được dư luận xã hội quan tâm: (1) Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; (2) Dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ; (3) Dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất; (4) Dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước; (5) Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; (6) Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc; (7) Dự án đạm DAP số 1 Hải Phòng; (8) Dự án đạm DAP số 2 Lào Cai; (9) Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; (10) Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên, giai đoạn 2; (11) Dự án đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Sa; (12) Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất. 
 
    5. Chủ trì, phối hợp xây dựng Kế hoạch, triển khai thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng của BCĐ năm 2017; sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ này của BCĐ.
 
    6. Chủ trì, phối hợp Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại một số bộ, ngành, địa phương.
 
    7. Chủ trì, phối hợp xây dựng Kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, theo Kế hoạch số 04-KH/TW, ngày 16-11-2016 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
 
    8. Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm và tính độc lập cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ; nghiên cứu, đề xuất quy định thống nhất đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác PCTN cho cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương.
 
    9. Xây dựng Đề án về sửa đổi bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Ban Nội chính Trung ương; Đề án bỏ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy ban nội chính các tỉnh uỷ, thành uỷ.
 
    10. Chủ trì, tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị. 
 
    11. Tập trung nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo: Sửa đổi, bổ sung Luật PCTN, Bộ Luật hình sự, Luật tố cáo, Luật giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản pháp luật do các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo kiến nghị để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN.
Tiếp tục nghiên cứu các đề tài khoa học về công tác nội chính và PCTN, tham gia có hiệu quả về công tác cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
 
    12. Tăng cường nắm tình hình và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác nội chính và PCTN ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương, nhất là các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Hoàn thiện, trình Ban Bí thư ký Quy chế phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy về công tác nội chính và PCTN.
 
    13. Kiện toàn lãnh đạo Ban, các vụ, đơn vị; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về công tác cán bộ, đảm bảo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước, chặt chẽ, khoa học và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Ban. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng (chú trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến; cải tiến bình xét thi đua theo hướng bảo đảm bình đẳng giữa các nhóm đối tượng thi đua; cải tiến công tác xét công nhận sáng kiến hàng năm, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, công bằng, tránh hình thức)
 
    14- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm, tâm huyết và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, nhân viên của Ban. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức của Ban thực sự “Trung thành - Liêm chính - Bản lĩnh - Sáng tạo”.
 
;
.