Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri

Thứ Năm, 06/10/2016, 17:10 [GMT+7]
    Chiều 5-10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII; Báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Quốc hội năm 2016.
 
    Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 10 đến Kỳ họp thứ 11 (Quốc hội khóa XIII), Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân loại, xử lý các kiến nghị trùng lặp, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, kiến nghị không rõ nội dung, xuống còn 914 kiến nghị. Trong đó, có 49 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội; 856 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành; 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị - xã hội và 4 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao. Các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận 49 kiến nghị của cử tri; đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời bằng văn bản tới cử tri, đạt 100%.
 
Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp
    Báo cáo cũng nêu rõ, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những kiến nghị của cử tri để hoàn thiện các dự án luật nhằm khắc phục tình trạng luật “khung”, luật “ống”; tích cực đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật nhằm bảo đảm đến thời điểm luật có hiệu lực sẽ thi hành được ngay mà không cần chờ các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, trong công tác lập pháp vẫn còn hiện tượng nể nang, châm chước trong xử lý đối với một số dự án luật mà Chính phủ trình chậm, chất lượng còn chưa như mong muốn, đôi khi chưa tuân thủ đúng quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
    Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc tập hợp, tổng hợp giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, Ban Dân nguyện đề nghị, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt quy trình lập pháp, trong đó, xác định rõ trách nhiệm các cơ quan trong việc trình, thẩm tra dự án luật, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
 
    Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần quan tâm hơn nữa đến việc tiếp thu, nghiên cứu, đặc biệt là giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri. Tổ chức đánh giá chất lượng và hiệu quả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua để bảo đảm tiến độ, chất lượng cũng như tính thực tiễn, khả thi đối với các văn bản sẽ được ban hành mới, hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Có kế hoạch và lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri gửi tới từ các Kỳ họp thứ 9, thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Chính phủ cần nghiên cứu để có hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức thuộc các ngành, lĩnh vực trong trường hợp không giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, để cử tri kiến nghị triền miên qua nhiều kỳ họp…
 
    Theo Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội từ ngày 16-8-2015 đến 15-8-2016, công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội được tổ chức, thực hiện từng bước có hiệu quả. Số lượng công dân đến với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng nhiều. Thông qua hoạt động tiếp công dân, các cơ quan của Quốc hội đã hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giải thích, vận động công dân chấp hành những nội dung giải quyết đã đúng quy định của pháp luật. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan của Quốc hội đã có những chuyển biến tích cực. Việc trả lời công dân ngày càng được chú trọng hơn, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như giữ ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, công tác xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ yếu là xem xét, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, chưa có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu sâu nội dung vụ việc, chưa chú trọng nhiều đến việc đánh giá kết quả giải quyết, trả lời để yêu cầu giải quyết lại hoặc tiến hành giám sát theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng chuyển đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc vụ việc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết có căn cứ và đúng pháp luật, nhưng vẫn chuyển đơn đề nghị xem xét, giải quyết lại vụ việc…
 
    Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá các Báo cáo đã phản ánh được kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII cũng như kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Quốc hội năm 2016.
 
    Một số ý kiến cho rằng, đây là một lĩnh vực xã hội rộng, đòi hỏi đội ngũ làm công việc này phải có bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử. Tuy nhiên, bên cạnh những người làm tốt thì cũng còn một số cán bộ có thái độ chưa đúng mực khi tiếp xúc với dân. Đây là những hạn chế cần được nghiêm túc khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân. Cùng với đó, cần cương quyết hơn, áp dụng chế tài xử lý đối với những cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng tự do, dân chủ để gây rối trật tự công cộng. Đặc biệt, Ban Dân nguyện cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan thực thi nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư của công dân, tránh tình trạng đơn thư của công dân bị tồn đọng, kéo dài.
 
    Cùng với đó, nên đưa chất lượng trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri của các bộ trưởng, trưởng ngành là một trong những tiêu chí để đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
                                                                                    Hương Thủy
;
.