Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 họp phiên thứ nhất

Thứ Hai, 19/09/2016, 16:00 [GMT+7]
    Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 vừa tổ chức Phiên họp lần thứ nhất. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp. 
 
    Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021; nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020. Theo Quyết định số 343-QĐNS/TW của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 được kiện toàn gồm 19 thành viên.
 
    Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với Quy chế làm việc nhiệm kỳ 2016-2021; nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020 công tác cải cách tư pháp. Chủ tịch Nước mong muốn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục phát huy kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo các nhiệm kỳ trước đây; đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp theo đúng chủ trương, đường lối do Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra và các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
 
Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp
    Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo Quy chế làm việc và những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn sắp tới; đề nghị cân nhắc, bổ sung, sửa đổi một số nội dung cụ thể để bảo đảm tính thiết thực, khả thi của các nhiệm vụ cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW.
 
    Kết luận phiên họp, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang yêu cầu: (1) các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Ban Chỉ đạo, việc triển khai tổ chức thực hiện tại cơ quan, tổ chức được phân công phụ trách; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo và cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp; (2) Căn cứ những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2020, định kỳ 6 tháng, hằng năm Ban Chỉ đạo có sơ kết, tổng kết và đề ra các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo. Trước mắt, cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần trỉển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2017. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản: Tích cực chỉ đạo việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật, luật về tố tụng tư pháp mới được Quốc hội thông qua; khẩn trương hoàn thành việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp; thực hiện tốt sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; tích cực lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp và thừa phát lại.
 
    Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo bám sát những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai cơ chế giám sát, hợp tác quốc tế, bảo đảm cơ sở vật chất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động cải cách tư pháp. Chủ tịch Nước cũng lưu ý phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề đối với từng chức danh tư pháp; khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp đã được Ban Chỉ đạo cho ý kiến. Vào cuối năm 2017, Ban Chỉ đạo tiến hành sơ kết, đề ra phương hướng, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong những năm tiếp theo.
                                                                                Hương Thủy
                                                                                    (TTXVN)
;
.