Khai mạc Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Tư, 17/08/2016, 16:58 [GMT+7]
    Ngày 15-8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ hai. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp.
 
    Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung thảo luận những nội dung, như: Đánh giá kết quả bước đầu việc tổ chức Kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; Cho ý kiến về dự án Luật cảnh vệ; dự án Luật công an xã.
 
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016; cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp
    Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật cảnh vệ.
 
    Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo giải trình của Bộ trưởng Tô Lâm, quy định này nhằm phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ vì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao. Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn.
 
    Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật cảnh vệ nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí với việc nâng Pháp lệnh Cảnh vệ thành Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đặc biệt các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại và các mục tiêu trọng yếu của quốc gia, các sự kiện quan trọng, trước tình hình trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt. Cùng quan điểm, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, xây dựng Luật cảnh vệ chính là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự của lực lượng cảnh vệ được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về lực lượng cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng cảnh vệ; chế độ, chính sách với lực lượng cảnh vệ...
                                                                                         Tấn Tuân
                                                                                        (Báo QĐND)
;
.