Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức họp bàn về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (Sửa đổi)

Thứ Năm, 20/02/2014, 13:41 [GMT+7]
Ngày 19-02-2014, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 của Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức cuộc họp về Dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đồng chí Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên thường trực Ban Soạn thảo chủ trì cuộc họp. 
Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp
Luật tổ chức Quốc hội được Quốc hội khóa X thông qua ngày 25-12-2001, được Quốc hội khóa XI sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 02-4-2007. Sau 12 năm thi hành, Luật tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn. Hoạt động lập pháp có nhiều tiến bộ; quy trình lập pháp được đổi mới mạnh mẽ; số lượng luật, pháp lệnh được thông qua ngày càng nhiều; chất lượng văn bản được nâng lên và đã bao quát mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế. Công tác giám sát được tăng cường. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Hoạt động đối ngoại đạt kết quả tích cực góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật tổ chức Quốc hội cũng bộc lộ những vấn đề bất cập cần phải sửa đổi. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn chung chung, trùng lắp hoặc chưa thống nhất với các luật khác. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan này còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Một số đổi mới, cải tiến trong quá trình hoạt động của Quốc hội chưa được ghi nhận trong Luật. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 có những quy định mới về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải cụ thể hóa trong Luật tổ chức Quốc hội.
Để góp phần củng cố và kiện toàn tổ chức của Quốc hội, cuộc họp tập trung bàn luận về các vấn đề sau: 1. Về mức độ sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh của Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); 2. Về việc có nên quy định cụ thể vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; 3. Về phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; 4. Về việc nâng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội; 5. Về Đoàn Thư ký kỳ họp.
Nguyễn Hà Thanh
(Ban Nội chính Trung ương)
;
.