Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng

Thứ Tư, 04/12/2013, 14:57 [GMT+7]

Ngày 3-12-2013, tại Hà Nội, Cục Bồi thường nhà nước thuộc Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng”.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực ngày 01-01-2010. Tố tụng là một trong ba lĩnh vực hoạt động của Nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó bao gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Theo quy định của Luật, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng chủ yếu áp dụng đối với các ngành: Tòa án nhân dân, Kiểm sát nhân dân và Công an nhân dân.

Hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng
Hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong
hoạt động tố tụng

Sau 3 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (2010-2013), các cơ quan tố tụng đã thụ lý là 100 vụ việc, trong đó đã giải quyết 86 vụ việc với tổng số tiền bồi thường là hơn 8,3 tỷ đồng. Như vậy, theo kết quả này thì trong 3 năm thi hành Luật, trung bình mỗi năm các cơ quan tố tụng thụ lý khoảng 33 vụ việc, giải quyết khoảng 28 vụ việc và số tiền bồi thường là khoảng 2,6 tỷ đồng. Riêng trong năm 2013, tổng số vụ việc mà các cơ quan tố tụng đã thụ lý là 42 vụ việc, trong đó đã giải quyết 11 vụ việc với tổng số tiền là 1,89 tỷ đồng. Nhìn chung trong hoạt động tố tụng, các yêu cầu bồi thường chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính có phát sinh nhưng chưa nhiều. Cụ thể, trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trong 3 năm thi hành Luật, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 08 vụ việc yêu cầu bồi thường, trong đó giải quyết xong 07 vụ việc.
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho rằng, thời gian qua đã phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, kết quả trên chưa phản ánh đúng thực tiễn tình hình yêu cầu và giải quyết bồi thường. Trong đó, chỉ ra quy định về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường còn rườm rà, phức tạp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các nội dung về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường cụ thể trong ngành Tòa án nhân dân, Kiểm sát nhân dân; khó khăn, vướng mắc và giải pháp kiến nghị để khắc phục các bất cập hiện hành và hoàn thiện pháp luật liên quan đến lĩnh vực bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng. Hội nghị tập trung đánh giá những sai phạm, sai sót chủ yếu dẫn tới làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước; đánh giá thực chất tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường; dự báo tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong bối cảnh ngành Tòa án đang tiến hành rà soát lại tất cả các bản án hình sự có kiến nghị, có đơn kêu oan, có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có ý kiến của các đoàn thể, cơ quan báo chí, của các đại biểu Quốc hội…
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu có ý kiến đề xuất, Luật cần quy định cụ thể hơn về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường, nhằm tạo điều kiện cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ giữa nhà nước và công dân. Bổ sung quy định cụ thể thời gian cơ quan Nhà nước phải ban hành văn bản xác định hành vi của cán bộ, công chức trái pháp luật khi nhận được yêu cầu của công dân; cũng như bổ sung chế tài đối với các hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu để yêu cầu bồi thường...

P.V

;
.