Lào Cai: Một số kết quả công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2019

Thứ Năm, 18/07/2019, 16:06 [GMT+7]
    Tỉnh ủy Lào Cai vừa tổ chức Hội nghị giao ban công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng (PCTN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị còn có thường trực Ủy ban MTTQ, HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thường trực các huyện ủy, thành ủy, lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan nội chính tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2019, các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTN; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính và PCTN đảm bảo kịp thời, phù hợp với tình hình địa phương.
 
    Cơ quan điều tra các cấp thụ lý điều tra: 282 vụ/415 bị can. Cơ quan điều tra đã giải quyết 235 vụ/322  bị can (đạt 83%).
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Viện kiểm sát đã thụ lý kiểm sát 325 tố giác, tin báo về tội phạm. Cơ quan chức năng đã giải quyết 307 tin báo (đạt 94%); khởi tố 236 tin, không khởi tố 71 tin; đang giải quyết 18 tin báo (trong đó tạm đình chỉ 08 tin); trực tiếp kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm 15 cuộc tại Cơ quan điều tra, Biên phòng, Hạt Kiểm lâm, Hải quan. Qua kiểm sát, phát hiện một số vi phạm. Viện kiểm sát giải quyết 221 vụ/314 bị can, đã giải quyết 212 vụ/296 bị can (đạt 96%,). Đang giải quyết 09 vụ/18 bị can. Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục đề ra nhiều biện pháp như: 100% bị can trong các vụ án hình sự đều được kiểm sát viên tiến hành trực tiếp hoặc tham gia hỏi cung trước khi ban hành các quyết định tố tụng; trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra; kịp thời đề ra yêu cầu điều tra trong tất cả các vụ án... Do đó, 100% quyết định truy tố đảm bảo đúng thời hạn; tỷ lệ truy tố bị can đúng tội đạt 99,5%; đã phối hợp xây dựng 29 vụ án trọng điểm (đạt 12,2%) để điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
 
    Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 1.977 vụ, việc các loại; đã giải quyết 1.523 vụ, việc. Còn 454 vụ, việc đều trong hạn luật định, đang nghiên cứu giải quyết, không có vụ, việc nào tồn đọng kéo dài quá thời hạn quy định của pháp luật.
 
    Cơ quan thanh tra các cấp đã thực hiện 66 cuộc thanh tra hành chính, với 178 đơn vị được thanh tra; thanh tra chuyên ngành 106 cuộc đối với 427 tổ chức và 632 cá nhân;  phát hiện 413 tổ chức, cá nhân có vi phạm, đã ban hành 530 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền vi phạm là 4,05 tỷ đồng. Toàn tỉnh tiếp 1.231 lượt/1.564 người đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại và tố cáo; tiếp nhận xử lý xử lý1.655 đơn các loại, các cơ quan chức năng đã phân loại xử lý giải quyết theo quy định.
 
    Tỉnh ủy Lào Cai tiếp tục lãnh đao, chỉ đạo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCĐ ngày 14-2-2019 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh triển khai công tác năm 2019; ban hành Thông báo số 12-TB/CCTP ngày 14-2-2019 về phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Lào Cai; chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy triển phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh cùng các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt các nội dung cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các cơ quan tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan và các huyện ủy, thành ủy đã triển khai, thực hiện tốt các chỉ đạo của Tỉnh ủy về thực hiện công tác cải cách tư pháp.
 
    Các cơ quan nội chính tỉnh đã chủ động ký kết 10 quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giúp cho công tác cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến rõ rệt về mọi mặt nhận thức về vị trí và vai trò của công tác cải cách tư pháp được nâng lên. Lãnh đạo và cán bộ công chức trong các cơ quan bảo vệ pháp luật xác định đúng về vai trò của sự nghiệp cải cách tư pháp trong giai đoạn cách mạng hiện nay, ý thức trách nhiệm của cán bộ trong việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ được nâng cao; tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cán bộ trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý nhân dân ngoài giờ làm việc. Tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan xây dựng, tuyên truyền và bảo vệ pháp luật, các cơ quan tổ chức bổ trợ tư pháp được kiện toàn, củng cố, những vị trí lãnh đạo quản lý còn thiếu đã được bổ sung kịp thời, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo môi trường ổn định cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
 
    Công tác PCTN được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”; tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10-01-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh tham nhũng, tiêu cực; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03-01-2014 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 24-3-2014 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN; tiếp tục thực hiện Đề án số 18 -ĐA/TU ngày 25-11-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” trong năm 2019; Quy định số 19-QĐ/TU ngày 03-10-2017 của Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quản lý; chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy ban hành Quy định mua tin phục vụ công tác PCTN; tổ chức thực hiện đồng bộ, thường xuyên các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cho đến các biện pháp phát hiện, xử lý tham nhũng.
 
    Phát biểu Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được về công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTN trong 6 tháng đầu năm 2019, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và triển khai thực hiện tốt các nội dung: (1) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng. (2) Chỉ đạo rà soát và xây dựng kế hoạch để giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị, phản ánh phức tạp, kéo dài.; tăng cường công tác bảo đảm an ninh biên giới, an ninh đô thị, an ninh nông thôn; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, văn hoá tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân; giải quyết kịp thời những vấn đề có thể làm nảy sinh nguy cơ phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan nội chính cần chủ động, tích cực, phối hợp tham gia các hoạt động tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội. Các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số  31-CT/TU về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, vi phạm pháp luật; phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm. (3) Triển khai tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cơ quan điều tra - Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ; tăng cường quản lý nhà nước đối với tổ chức và phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư và hoạt động trợ giúp pháp lý; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật trong ngành Tư pháp: Thực hiện thanh tra chuyên ngành trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật. (4) Thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về PCTN; chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo; kịp thời xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm túc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị  về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những lĩnh vực còn chậm; phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp.
                                                                                        P.V
.