An Giang: Kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2017

Thứ Ba, 23/01/2018, 11:55 [GMT+7]
    Năm 2017,  Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai thi hành các bộ luật, luật trong lĩnh vực tư pháp, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp với Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra chất lượng các nhà tạm giữ, trại tạm giam, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam, đảm bảo nhân quyền, chế độ sinh hoạt, cải tạo cho phạm nhân; chỉ đạo Toà án nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch và phối hợp với Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí triển khai lắp đặt hệ thống quan sát phiên toà tại 22 phòng xét xử của Toà án nhân dân hai cấp và 04 điểm cầu phục vụ công tác giám sát của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh…, từng bước đề cao trách nhiệm, tạo sự chuyển biến đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương về công tác tư pháp.
 
    Chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự và tranh tụng tại phiên tòa được đảm bảo, thực hiện đầy đủ quyền của luật sư khi tham gia vụ án. Quan điểm giải quyết vụ án giữa Viện kiểm sát và Tòa án phù hợp, nghiêm minh, phát huy được tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm; Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý 990 vụ/1.463 bị cáo, giảm 8,92% số vụ và 14,09% bị cáo so với cùng kỳ; Tòa án nhân dân hai cấp đã xét xử 675 vụ/999 bị cáo, đình chỉ 100 vụ/130 bị cáo.
 
    Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động thi hành án dân sự được tăng cường; qua đó, kết quả số lượng về việc và tiền giải quyết xong trong năm tăng rõ rệt; tổng số việc giải quyết xong đạt 72,67% tổng thụ lý (vượt 1,67% so với chỉ tiêu được giao), tăng 2,96% so với cùng kỳ; tổng số tiền đã giải quết xong đạt tỷ lệ 35% tổng thụ lý (vượt 4% so với chỉ tiêu được giao), tăng 10,15% so với cùng kỳ.
 
    Các cơ quan tư pháp quan tâm kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình mới. Năm 2017, Toà án nhân dân tỉnh đã bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 02 Phó Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, 07 trưởng, phó phòng Toà án nhân dân tỉnh và bổ nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng của 11 Toà án nhân dân cấp huyện; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tuyển dụng 07 công chức nghiệp vụ, đã điều động, luân chuyển 22 công chức, bổ nhiệm chức danh Kiểm tra viên đối với 23 công chức; Công an tỉnh đã bổ nhiệm và bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp các cấp cho 57 cán bộ chiến sĩ; cử 76 cán bộ, chiến sĩ tham gia học các lớp nghiệp vụ.
 
    Xác định giám định tư pháp là khâu quan trọng phục vụ công tác điều tra các vụ án hình sự, đặc biệt là các tội về kinh tế, tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn, Quy chế hoạt động và thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp”. Sở Tư pháp phối hợp với Viện Pháp y Quốc gia, Viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giám định viên pháp y trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập; 02 tổ chức giám định tư pháp vụ việc và 08 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu, với 53 giám định viên trên các lĩnh vực và 02 giám định viên xây dựng theo vụ việc; đặc biệt phát triển thêm 03 giám định viên lĩnh vực ngân hàng và tiền tệ. So với cuối năm 2016 tăng 01 giám định viên.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách tư pháp tại địa phương còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng hoạt động điều tra và thực hành quyền công tố một số vụ án hình sự chưa cao, thu thập chứng cứ đôi lúc chưa đầy đủ dẫn đến việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, thời gian giải quyết một số vụ án kéo dài. Trại tạm giam và một số nhà tạm giữ xuống cấp, tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa hoàn thiện theo mẫu mới (chưa bố trí phòng tiếp xúc luật sư, phòng hỏi cung… đối với các công trình có quy mô giam giữ dưới 100 can phạm). Cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác giám định của các tổ chức giám định tư pháp còn nhiều khó khăn.
 
    Năm 2018, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tiếp tục bám sát kế hoạch, thường xuyên đôn đốc các cơ quan tư pháp triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 12-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 04-4-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật đối với cán bộ, nhân dân theo Kết luận số 04-KL/TW ngày 19-4-2011 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiến hành rà soát, quy hoạch, đào tạo luân chuyển cán bộ, tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp, điều tra, truy tố, xét xử, kịp thời xin ý kiến cấp ủy đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc những vụ án chưa thống nhất quan điểm xử lý. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Kiểm tra, giám sát công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp, chú trọng trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động tư pháp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp. Củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với các giám định viên tư pháp…
      Bùi Tô Duy
(Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang)
;
.