Vĩnh Long: Đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ Sáu, 11/10/2013, 10:04 [GMT+7]

Ngày 10-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các sở, ngành có liên quan cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) nhằm chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Hầu hết các đại biểu dự hội thảo đều khẳng định Quốc hội cần thiết phải sửa đổi Luật Công chứng nhằm phục vụ quá trình cải cách tư pháp, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn về công chứng và chứng thực hiện nay. Trong đó, các đại biểu tập trung đóng góp cho các nội dung sửa đổi thuộc các Điều 2, 4, 5,6, 7,10, 11... Luật sư Nguyễn Bá Tước - Trưởng đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long cho rằng: có nhiều trường hợp sai phạm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của công dân do những văn bản công chứng không đúng Luật. Việc sửa đổi một số điều của Luật Công chứng là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Điều 2 về Công chứng có quy định thêm việc chứng nhận xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, văn bản là rất cần thiết. Điều 4 quy định văn bản công chứng là hợp đồng là rất chặt chẽ.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Ông Nguyễn Ngọc Thơm - Trưởng Văn phòng công chứng Khả Quan ở phường 1, thành phố Vĩnh Long cho rằng: công chứng viên phải đảm bảo tính xác thực của văn bản dịch là không khả thi. Vì hiện nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế, nhiều người nước ngoài vào Việt Nam có nhu cầu công chứng, công chứng viên không phải ai cũng biết ngoại ngữ. Vì vậy, nên quy định trách nhiệm này thuộc về người phiên dịch. Điểm 3 của Điều 5 quy định lời chứng hợp đồng giao dịch cần công chứng mục đích của giao dịch không trái pháp luật là rất khó, công chứng viên không thể thực hiện được. Các hành vi nghiêm cấm (Điều 12 sửa đổi) cần nói rõ hơn chỉ cấm cá nhân công chứng viên, còn tổ chức hành nghề công chứng, nếu đủ điều kiện vẫn có quyền công chứng, không phân biệt họ hàng, thân tộc...

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) gồm 5 Chương, 81 Điều, quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng: Cần đổi tên “Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” thành “Luật Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí” hay “Luật Phòng, chống lãng phí”; chỉ nên quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, vốn, tài sản, lao động trong khu vực Nhà nước mà không nên quy định đối với các hộ gia đình, cá nhân; đề nghị có quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu khi gây ra hậu quả lãng phí, vì hiện nay việc này xử lý chưa nghiêm minh, chưa có tính răn đe cao. Cần quy định điều khoản riêng về vai trò giám sát của cộng đồng vào việc sử dụng ngân sách Nhà nước để góp phần ngăn chặn, phát hiện kịp thời các sai phạm.

Một số đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp các ý kiến tập trung về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước; hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; không nên tổ chức các lễ động thổ, khởi công tràn lan, chỉ nên tổ chức cho một số ít công trình trọng tâm, trọng điểm, mang tính quốc gia, quan trọng.

(Theo TTXVN)

;
.