Hội thảo góp ý dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi)

Thứ Hai, 11/06/2018, 16:32 [GMT+7]

 

Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Bộ luật lao động (BLLĐ) (sửa đổi).

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

 

Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn… tại các cơ quan, tổ chức hữu quan thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn cần quan tâm, nhất là về những nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). TS. Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo. Các đại diện đến từ cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, một số trường đại học, một số Sở Lao động, Thương binh và xã hội của một số địa phương tham dự hội thảo.

Các đại biểu đã trình bày 08 tham luận: Một số nội dung cần sửa đổi của BLLĐ từ thực tiễn thi hành; Nhận diện vấn đề giới và kiến nghị tăng cường bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong dự thảo BLLĐ (sửa đổi); Tăng cường bảo đảm quyền của những đối tượng yếu thế trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) - Một số kiến nghị; Pháp luật quốc tế về phòng, chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc; Giới thiệu Công ước ILO về thỏa ước lao động tập thể; Hoàn thiện quy định về thỏa ước lao động tập thể trong dự thảo BLLĐ (sửa đổi); Hoàn thiện quy định về thỏa ước lao động tập thể trong dự thảo BLLĐ (sửa đổi); Giải quyết tranh chấp lao động - Thực trạng và kiến nghị sửa đổi BLLĐ…

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH), Bộ LĐTBXH đã chuẩn bị Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án BLLĐ (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019. Những chính sách lớn, quan trọng trong dự thảo Luật là: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức bằng việc mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động; mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; bảo đảm tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động trên cơ sở sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu, các tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu; đồng thời, tiếp tục thể chế chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua từng bước mở rộng và tạo quyền tự chủ thực sự chủ động cho người sử dụng lao động và người  lao động trong trả lương…

Về vấn đề giới và bảo đảm tăng nguyên tắc bình đẳng giới trong dự thảo BLLĐ (sửa đổi), PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, thu nhập của nữ giới vẫn thấp hơn nam giới mặc dù trình độ học vấn tương đương và cùng một vị trí công việc; tỷ lệ lao động nữ chuyển dịch khỏi lĩnh vực nông nghiệp thấp hơn so với nam giới; phụ nữ ngày càng có nguy cơ bị loại ra khỏi nền kinh tế chính thức hoặc có ít lựa chọn công việc hơn do tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các công việc dễ bị tổn thương hơn cao hơn nam giới… Do vậy, PGS.TS Trần Thị Minh Thi nêu một số kiến nghị, như: Quy định thêm một số chính sách thai sản cho lao động nữ là nông dân nông thôn, tự doanh; không bỏ quy định 60 phút nghỉ thêm cho bà mẹ có nuôi con nhỏ; quy định các tiêu chí bình đẳng trong đánh giá công việc để chống lại việc trả công không bình đẳng cho các công việc giống nhau và công việc có giá trị ngang nhau…

Tại Hội thảo, góp ý vào nhiều nội dung khác, một số ý kiến đã đề nghị dự thảo Luật quy định và bảo đảm quyền tự do liên kết đối với cả hai bên trong quan hệ lao động; ghi nhận, khẳng định vị trí pháp lý và trao đủ quyền cho Công đoàn đủ mạnh để Công đoàn có đủ khả năng thực hiện chức năng đại diện cho tập thể người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động; quy định khuynh hướng tình dục và bản dạng giới tính như một cơ sở phân biệt đối xử bị cấm trong BLLĐ.

Nguyễn Phương Thảo

;
.