Góp ý vào dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi)

Thứ Năm, 01/03/2018, 14:35 [GMT+7]
    Ngày 27-2, tại Hà Nội, để chuẩn bị cho phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức cuộc họp góp ý vào dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Đại diện các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an tham dự. 
 
    Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo và việc bảo vệ người tố cáo.
 
    Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, một số ý kiến đề nghị xem xét lại Khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật theo hướng: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và cấp tỉnh. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, cần giao cho các cơ quan này trên cơ sở các nguyên tắc về xác định thẩm quyền trong luật và Điều lệ hoạt động của tổ chức mình để xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan mình. Ngoài ra, đối với trường hợp tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, dự thảo Luật quy định do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý bị giải thể giải quyết; có ý kiến đề nghị xác định trong trường hợp cơ quan này cũng bị giải thể thì chủ thể nào sẽ giải quyết.
 
    Về bảo vệ người tố cáo, đa số ý kiến đề nghị dự thảo giữ nguyên phạm vi bảo vệ như luật hiện hành (không bỏ tài sản và danh dự, nhân phẩm); quy định rõ các căn cứ khi người tố cáo có yêu cầu được bảo vệ hoặc cơ quan có thẩm quyền bảo vệ; bổ sung quyền được biết về các cơ quan, đơn vị bảo vệ cho người được bảo vệ; quy định thời hạn xác minh thông tin về đề nghị bảo vệ…
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
 
;
.