Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tăng cường phòng, chống các vi phạm về tiền tệ và ngân hàng

Thứ Hai, 23/10/2017, 09:23 [GMT+7]

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính.

Hội nghị trực tuyến triển khai một số nội dung về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng
Hội nghị trực tuyến triển khai một số nội dung về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai quyết liệt các giải pháp tại Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục có các giải pháp quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn, lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng cổ phần theo lộ trình hợp lý; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý rủi ro, vi phạm…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu người đứng đầu các tổ chức tín dụng phải nâng cao trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tại đơn vị; chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đặc biệt là các vi phạm về cho vay, cơ cấu nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng, huy động vốn và gửi tiền, điều hành, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tỷ lệ, giới hạn an toàn…

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định, quy trình, chính sách nội bộ, đặc biệt là các quy định về nhận tiền gửi, tiết kiệm, cho vay, quản lý phôi thẻ, sổ tiết kiệm…; thường xuyên kiểm kê, đối chiếu kho tiền, quỹ tiền mặt; hạn chế, ngăn ngừa việc lãnh đạo và cán bộ, nhân viên thông đồng, cấu kết, lợi dụng chức vụ quyền hạn, sự quen biết, thân cận và sơ hở của khách hàng để thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng…

                                                                                         Lê Hiếu

;
.