Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường

Thứ Năm, 14/09/2017, 15:13 [GMT+7]

Chiều 13-9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Góp phần tăng thu ngân sách

Đây là một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường hiện hành được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật này.

Lượng thu ngân sách nhà nước tăng lên từ nguồn này sẽ được dùng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT, song vẫn bảo đảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành cũng nhằm nâng cao hơn trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Đối với khung thuế cụ thể, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do; chủ động ứng phó khi giá dầu thế giới có biến động bất thường, khó lường... dự thảo Luật đề nghị điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu theo hướng giữ nguyên mức tối thuế tối thiểu, song tăng mức thuế tối đa gấp 2 lần so với mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành (xăng điều chỉnh từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên từ 3.000 - 8.000 đồng/lít).

Cũng với lý do góp phần giảm dần việc sử dụng sản phẩm gây nguy hại cho môi trường, dự thảo Luật đề nghị điều chỉnh khung thuế BVMT đối với túi ni lông lên từ 40.000 - 200.000 đồng/kg (khung hiện nay từ 30.000 - 50.000 đồng/kg). Nhưng do mức thuế BVMT cụ thể với than đá; thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế, nên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thấy chưa cần thiết điều chỉnh khung thuế với những hàng hóa, sản phẩm này.

Không nên lấy tăng thu ngân sách là mục tiêu chính

Trình bày Báo cáo thẩm tra với dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu quan điểm: Cần xác định thuế BVMT là một công cụ kinh tế nhằm điều chỉnh hành vi của người dân và doanh nghiệp trong sử dụng một số loại hàng hóa có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường; không lấy tăng thu ngân sách nhà nước là mục tiêu chính khi sửa đổi Luật lần này.

Ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh việc sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, cần rà soát, sửa đổi đồng bộ các sắc thuế khác (như thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, sử dụng đất phi nông nghiệp hoặc thuế nhà đất trong tương lai...) để bảo đảm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước. Như vậy, việc phân bổ nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ trên nhiều đối tượng khác nhau, không tập trung vào một nhóm hàng hóa nhất định, có thể làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và gây khó khăn cho đời sống của người dân.

Đối với việc điều chỉnh khung thuế với sản phẩm xăng dầu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, việc so sánh về tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam với một số nước đang ở mức thấp, để làm căn cứ điều chỉnh mức thuế BVMT là chưa phù hợp với thực tế thu nhập của người dân Việt Nam (thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới), dẫn đến chi phí cho xăng, dầu so với thu nhập của người dân nước ta chiếm tỷ trọng rất cao. Trong khi đó, xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu cho toàn xã hội, là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân, mà mức thuế cụ thể đối với xăng, dầu hiện nay vẫn chưa điều chỉnh tăng đến mức trần hiện hành. Do đó, đề nghị điều chỉnh chính sách thuế một cách đột ngột như dự thảo Luật là chưa thực sự phù hợp.

Trình bày quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án Luật này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ nhận định tương đồng với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thuế BVMT là công cụ kinh tế - tài chính quan trọng trong BVMT, nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường và tạo nguồn thu cho BVMT. Vì thế, thuế BVMT trước hết phải thực hiện mục tiêu BVMT, bên cạnh mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, việc tăng thuế suất là không thuận, khi mà Thủ tướng Chính phủ đang mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Đối với điều chỉnh khung thuế của mặt hàng xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, khung thuế hiện hành dùng chưa hết, mà xăng dầu vốn không phải loại hàng hóa gây ô nhiễm nhất, nên đề nghị tăng gấp 2 lần mức thuế tối đa cho xăng dầu là chưa hợp lý. Thêm vào đó, trong cơ cấu về số thu từ các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu chiếm tới hơn 93% tổng số thu thuế, nên cơ quan soạn thảo cần phải chuẩn bị toàn diện hơn, bao quát hơn những đối tượng phải chịu thuế, hợp lý giữa các đối tượng chịu thuế.

Phương Thủy

(Báo Đại biểu Nhân dân)

;
.