Nâng cao chất lượng công tác xét xử của các Tòa án

Thứ Ba, 12/09/2017, 11:11 [GMT+7]
    Trong các ngày 11, 12-9-2017, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 
 
    Tham dự Hội nghị, có các đồng chí Lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Lãnh đạo Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và khu vực... Về phía các bộ, ban, ngành ở Trung ương, có lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an...
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, cải cách tư pháp là chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải cách tư pháp đã thu hút được sự quan tâm, triển khai mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị và đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong những năm qua hệ thống Tòa án nhân dân đã quán triệt triển khai thực hiện mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, và luôn coi đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, gắn chặt với việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm sâu sát, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự phối hợp, trao đổi công tác của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương  cùng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức hệ thống Tòa án nhân dân, trong 03 năm qua, với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ mang tính chất đột phá, Tòa án nhân dân các cấp đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, tạo sự chuyển biến tích cực trong các mặt công tác, đặc biệt là công tác xét xử ngày càng được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của Tòa án nhân dân các cấp vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần thẳng thắn nhìn nhận, tìm ra nguyên nhân của tồn tại, khuyết điểm để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, qua 03 năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cũng như điều kiện cơ sở vật chất, nhưng trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra về: Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử; khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải; tập trung làm tốt công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án; từng bước thực hiện việc công khai hóa các bản án, quyết định của Tòa án; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; mở rộng nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp để tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo của Cấp ủy Đảng trong việc chỉ đạo giải quyết các vụ việc quan trọng, phức tạp; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan; ưu tiên kinh phí phục vụ công tác xét xử; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tòa án..., Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động đề ra nhiều giải pháp rất cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt trong toàn hệ thống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.
 
    Trên cơ sở quán triệt chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng công tác giải quyết xét xử các loại vụ án mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Từ ngày 01-10-2014 đến 31-7-2017, các Tòa án đã giải quyết được 1.072.451 vụ án các loại trong tổng số 1.336.861 vụ án đã thụ lý. Nếu so với cùng kỳ của 03 năm trước (2012-2014), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng hơn 205.767 vụ; đã giải quyết tăng 188.081 vụ.
 
    Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật; số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án đã giảm mạnh qua từng năm, tính đến 31/7/2017 chỉ còn 195 vụ. Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng, nên chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
 
    Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các Tòa án đã hạn chế các trường hợp kết án oan người không có tội. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các Toà án phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để sớm hoàn tất hồ sơ vụ án và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cũng như cả nước. Thời gian qua, các Tòa án cũng đã quyết định khởi tố tại phiên tòa để yêu cầu điều tra đối với một số trường hợp, khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hoặc bỏ lọt người phạm tội, thể hiện đúng vị trí, vai trò của cơ quan thực hiện quyền tư pháp và được dư luận xã hội rất đồng tình, ủng hộ.
 
    Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cũng có nhiều chuyển biến, tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng giải quyết, đặc biệt các Tòa án đã quan tâm làm tốt công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, cũng như công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính, nên tỷ lệ các vụ án được giải quyết bằng hòa giải thành mỗi năm đều đạt khoảng 50% số vụ án phải giải quyết.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án của Tòa án nhân dân các cấp vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót đã được hệ thống Tòa án nhân dân nghiêm túc nhìn nhận và đề ra giải pháp khắc phục. Mặc dù cũng còn một số hạn chế, tồn tại nhưng có thể khẳng định, với việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án của các Tòa án trong thời gian qua tiếp tục có nhiều chuyển biến, tiến bộ rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Tòa án với vai trò là cơ quan bảo vệ công lý.
 
    Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đề ra, trong thời gian tới, Tòa án nhân dân các cấp sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp công tác, như: Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Tòa án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án; làm tốt công tác thi đua khen thưởng.
Nguyên Anh
(Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao)
;
.