Khai mạc Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Ba, 20/12/2016, 14:35 [GMT+7]

Ngày 19-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 5. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được tiến hành từ ngày 19-12 đến 22-12.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ: (1) Xem xét thông qua Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương, Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội năm 2017. (2) Cho ý kiến về việc đánh giá về kết quả Kỳ họp thứ hai và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIV. (3) Cho ý kiến về ba dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Nước; ban hành quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội; ban hành Quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các tòa án quân sự về tổ chức. (4) Cho ý kiến về việc ban hành nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội; điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng trụ sở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và bố trí vốn đầu tư cho các dự án của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2017-2020. (5) Cho ý kiến về 4 đề án của Kiểm toán Nhà nước, gồm: Đề án về tổ chức biên chế của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án về vị trí việc làm của Kiểm toán Nhà nước; Đề án về chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước; Đề án về Kịch bản tổng thể tổ chức Đại hội tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI) năm 2018. (6) Nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052 ngày 24-10-2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương; Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội năm 2017.

Để đảm bảo cho phiên họp đạt chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dành thời gian dự họp đầy đủ, nghiên cứu tài liệu, tích cực đóng góp các ý kiến có chất lượng vào các dự thảo, báo cáo được đưa ra xem xét, quyết định trong phiên họp này.

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.

Quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức gồm 5 điều. Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Đồng thời tán thành với các quan điểm chỉ đạo và yêu cầu của việc soạn thảo Quy chế.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh thêm: việc ban hành Quy chế này nhằm mục đích cụ thể hóa các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức, do đó, các nội dung cụ thể của Quy chế phải bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Về những nội dung cụ thể, các ý kiến cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của Quy chế như đã thể hiện trong dự thảo. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Quy chế mới chỉ liệt kê, sao chép các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 mà chưa cụ thể hóa đầy đủ về trách nhiệm cũng như trình tự, thủ tục thực hiện quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng. Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm các nội dung này để bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Quy chế.

Các đại biểu cũng thống nhất các hình thức phối hợp được quy định tại dự thảo Quy chế. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung hình thức trao đổi ý kiến trực tiếp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để đảm bảo sự nhanh chóng, kịp thời trong xử lý những vấn đề mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần thống nhất ý kiến ngay (như quy định tại Quy chế hiện hành được ban hành theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002)...

Cũng trong sáng 19-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trụ sở Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

                                                                                Lâm Hiển

;
.