Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Sáu, 16/12/2016, 16:29 [GMT+7]
    Sáng 15-12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
 
    Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2012-2016, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân có xu hướng giảm so với những giai đoạn trước; số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 54,6%; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính giảm 39,3%. Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện 2 Luật này, tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 386.572 đơn khiếu nại, tố cáo với 268.225 vụ việc; giải quyết 199.567 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền trong tổng số 237.168 vụ việc (đạt trên 84%). Qua giải quyết KNTC đã thu hồi về cho Nhà nước gần 860,7 tỷ đồng, 316 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 13.617 công dân với số tiền 512 tỷ đồng và 418,6 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.519 người...
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KNTC vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương, nhất là những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng. Đặc biệt, tình hình khiếu kiện đông người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên Trung ương liên quan đến vấn đề chính trị, tôn giáo, yếu tố nước ngoài, một số nơi xuất hiện điểm nóng…
 
    Qua 4 năm thi hành Luật khiếu nại, ngoài những kết quả đạt được, Luật cũng bộc lộ một số vướng mắc. Đó là, chủ thể khiếu nại, chủ thể giải quyết khiếu nại chưa được quy định thống nhất. Luật cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về quyền và nghĩa vụ của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, phạm vi được ủy quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi có yêu cầu của luật sư như yêu cầu cung cấp, sao chụp tài liệu…
 
    Đối với Luật tố cáo, Luật chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước, vì vậy, gây ra những khó khăn nhất định trong việc thực hiện. Luật tố cáo bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo, tuy nhiên các quy định đó chưa khả thi, chưa xác định rõ trách nhiệm và các điều kiện cần thiết, nhất là về tài chính, để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất.
 
    Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất đề nghị, ngoài việc tổ chức tốt công tác tiếp công dân, triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân định kỳ, thường xuyên và đột xuất theo quy định của pháp luật, các cơ quan cần tập trung sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc sửa đổi Luật theo hướng quy định rõ, đầy đủ, cụ thể, chi tiết hơn về trình tự, thủ tục giải quyết theo hướng dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý về tố cáo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh; bảo đảm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo…
                                                                           Tấn Tuân
                                                                 (Báo Quân đội nhân dân)
;
.