Đồng Tháp: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình trạng lãng phí

Thứ Ba, 04/03/2014, 10:49 [GMT+7]
Triển khai kế hoạch đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh năm 2014, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu: xác định rõ trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân gây lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình trạng lãng phí xảy ra tại công trình, dự án đầu tư do mình quản lý, phê duyệt, thực hiện.
4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 của tỉnh Đồng Tháp gồm: thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính; rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định và hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số lĩnh vực; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. 
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các tổ chức, cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống hóa những quy định về thủ tục, thời hạn giải quyết đối với từng loại công việc để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp rà soát, đề xuất điều chỉnh định mức phân bổ chi thường xuyên phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách. Các Sở, ngành rà soát, sửa đổi bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ định mức kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế, tiến bộ khoa học, công nghệ và khả năng của ngân sách. 
Tập trung thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại công ty Nhà nước. Theo đó, thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc, xây dựng phương án giao khoán cụ thể, công khai, minh bạch. Các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Các cơ quan, đơn vị quản lý, phê duyệt, triển khai dự án đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy chế quản lý đầu tư; thực hiện đầu tư có tập trung, không dàn trải; xác định rõ trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân gây lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình trạng lãng phí xảy ra tại công trình, dự án đầu tư do mình quản lý, phê duyệt và thực hiện. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm toán bắt buộc và công khai tài chính trong các doanh nghiệp Nhà nước; phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi gây lãng phí vốn, tài sản, lao động, tài nguyên thiên nhiên. 
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu đưa nội dung kiểm tra, thanh tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào nội dung của kế hoạch thanh tra của các ngành, cấp, tập trung vào các lĩnh vực quản lý sử dụng đất, trụ sở làm việc, nhà công vụ; tài nguyên thiên nhiên; các dự án đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước; chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn viện trợ, tài trợ nước ngoài; mua sắm phương tiện đi lại và thiết bị làm việc. 
Hải Yến
;
.