Nâng cao trách nhiệm, tâm huyết và hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên, công chức Ban Nội chính Trung ương

Chủ Nhật, 06/01/2019, 18:37 [GMT+7]
    Ngày 04-01-2019, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì và kết luận Hội nghị. Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương trân trọng giới thiệu bài phát biểu kết luận tại Hội nghị này. Đầu đề do Ban Biên tập đặt 
 
    Kính thưa các đồng chí đại biểu khách mời!
 
    Thưa các đồng chí!
 
    Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi xin có một số ý kiến kết luận như sau:
 
    I. Đánh giá kết quả công tác năm 2018
 
    Năm 2018, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, kinh tế - xã hội phát triển; công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng (PCTN) đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ nét; kỷ cương, kỷ luật được tăng cường, niềm tin của Nhân dân được nâng lên; chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta; các thế lực thù địch, số đối tượng phản động, chống đối chính trị trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động chống phá với nhiều thủ đoạn tinh vi, bài bản, quyết liệt; thiên tai dồn dập, nghiêm trọng ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản… 
 
    Trong bối cảnh đó, chúng ta lại được giao thêm nhiệm vụ là Cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cải cách tư pháp Trung ương; khối lượng công việc được giao là rất lớn, nhiều đề án quan trọng, nhiều công việc nhạy cảm, phức tạp. Nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCĐ Trung ương về PCTN, BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các ban, ngành Trung ương và địa phương, chúng ta đã hoàn thành khá toàn diện các nhiệm vụ đề ra; chất lượng, hiệu quả công tác được nâng lên, để lại dấu ấn tốt. Trong đó nổi bật là:
 
    1. Chủ động xây dựng, tích cực, khẩn trương tham mưu chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2018 của 02 Ban Chỉ đạo (BCĐ Trung ương về PCTN và BCĐ Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương). 
 
    a) Chuẩn bị chu đáo, có chất lượng nội dung, tài liệu, phục vụ tốt Phiên họp thứ 13, 14 của Ban Chỉ đạo, 02 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Phiên họp thứ 5, 6 của BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương; kịp thời cụ thể hóa và sâu sát, quyết liệt hơn trong theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo; kịp thời tham mưu bổ sung, kiện toàn thành viên của 02 Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính chúng ta được bổ sung 02 đồng chí Phó Ban tham gia thành viên 2 Ban Chỉ đạo). 
 
    b) Chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu, và phục vụ tốt Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, được đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Tham mưu triển khai Kế hoạch sơ kết 05 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; Kế hoạch sơ kết 05 năm về công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; Kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phục vụ tốt 30 Đoàn của 02 Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTN.
 
    c) Tích cực, chủ động, kiên trì, quyết liệt, cụ thể hơn trong theo dõi, đôn đốc, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo 110 và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ), nhiều vụ, việc đạt và vượt yêu cầu của Ban Chỉ đạo. Tham mưu ban hành Kế hoạch và tích cực theo dõi, đôn đốc để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 15 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 31 vụ việc trong năm 2018; chủ trì, phối hợp tổ chức 86 cuộc họp án với lãnh đạo liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; ban hành hơn 100 văn bản của Thường trực Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhiều vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo; tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư, BCĐ 110 về quan điểm, chủ trương chỉ đạo xử lý 08 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm (1) Vụ án “Cố ý làm trái...” xảy ra tại PVN liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank; (2) Vụ án “ Cố ý làm trái, tham ô...” xảy ra tại PVC, PVP Land liên quan Trịnh Xuân Thanh; (3) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh; (4) Vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Trốn thuế; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định của nhà nước về quản lý đất đai”liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm); (5) Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty CP phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P liên quan đến Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); (6) Vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xẩy ra tại Phú Thọ và một số địa phương;(7) Vụ án xảy ra tại Tổng công ty Mobifone trong việc mua 95% cổ phần của AVG; (8) Vụ án “Cố ý làm trái...” xảy ra tại Ngân hàng Đông Á...); đề xuất Ban Chỉ đạo đưa 08 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tham mưu, chỉ đạo xét xử sơ thẩm 23 vụ án, xét xử phúc thẩm 16 vụ án đúng yêu cầu kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu kết luận
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu kết luận
    2. Tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Ngành Nội chính Đảng; hoàn thành xây dựng 03 đề án lớn về công tác nội chính và PCTN trình Bộ Chính trị năm 2018 và triển khai xây dựng 8 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; nghiên cứu triển khai 21 đề tài, đề án, chuyên đề về công tác nội chính và PCTN theo Kế hoạch (9 đề tài, đề án cấp Ban Đảng Trung ương; 12 đề án, chuyên đề cấp cơ sở). Tham gia với Ban Tổ chức Trung ương về sửa đổi Quy định 183-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Ban nội chính cấp tỉnh.
 
    3. Chủ động tham mưu, giúp Ban Bí thư, Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhất là tổ chức nền nếp, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả Giao ban công tác nội chính hằng tháng ở Hà Nội, hàng quý (ở phía Nam); chủ động nắm tình hình, tham mưu Ban Bí thư, Bộ Chính trị các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ biểu tình, gây rối và tình hình khiếu kiện đông người, bắt giữ người trái pháp luật ở một số địa phương; tham mưu chỉ đạo xử lý một số vấn đề nổi lên liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành Phố Hồ Chí Minh (những kiến nghị đề xuất của chúng ta được đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và đồng chí Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện).
 
    4. Tích cực nghiên cứu, thẩm định, phát biểu ý kiến sâu, có chất lượng nhiều dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, cải cách tư pháp và PCTN, nhất là dự án Luật PCTN (sửa đổi), Luật tố cáo (sửa đổi), Luật quốc phòng (sửa đổi), Luật công an nhân dân (sửa đổi), Luật an ninh mạng, Luật đặc khu, Đề án về thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông, Đề án về đổi mới công tác thi hành án hình sự, Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội, Đề án đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính,... 
 
    5. Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTN ở Trung ương và địa phương có nhiều chuyển biến. Tham mưu ban hành Hướng dẫn về đơn vị đầu mối tham mưu cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương về công tác PCTN; tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến những nội dung cơ bản của Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015; 04 cuộc tọa đàm về công tác nội chính và PCTN, hội nghị giao ban trực tuyến công tác 6 tháng các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; phối hợp tổ chức 26 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác nội chính và PCTN cho 12 địa phương; nắm tình hình, phát hiện, tham mưu chỉ đạo xử lý 32 vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, 17 vụ, việc về nội chính, tham nhũng, kinh tế còn khó khăn vướng mắc ở một số địa phương; trình Ban Bí thư Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với tỉnh ủy, thành ủy về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp.
 
    6. Tham gia về công tác cán bộ được quan tâm, diện cán bộ Ban tham gia ý kiến rộng hơn, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Ban đối với công tác cán bộ được nâng lên, nhất là tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc đề nghị bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm cấp tướng đối với sĩ quan cao cấp trong Quân đội, Công an và một số chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; lãnh đạo Ban được phân công tham gia Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026. 
 
    7. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị, công tác cán bộ, thi đua, khen thưởng, hợp tác quốc tế tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Kiện toàn Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, bổ sung ban thường vụ và cấp ủy viên; đã được bổ sung thêm 02 đồng chí Lãnh đạo Ban, kiện toàn lãnh đạo vụ, sáp nhập Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Hội nghị Trung ương và Chỉ thị 05 của Bộ chính trị; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nề nếp. Hoạt động Công đoàn, Đoàn thanh niên, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan tiếp tục được quan tâm. Ban được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; tổ chức tốt đợt thi đua đặc biệt chào mừng 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; sơ kết, tổng kết thi đua chuyên đề về tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc về nội chính và tham nhũng. Phối hợp tổ chức tốt 02 Đoàn của Trưởng Ban thay mặt Đảng, Nhà nước thăm và làm việc tại Panama, Enxanvado, Nhật bản; 02 Đoàn của các đồng chí Phó trưởng Ban thăm và làm việc tại Hàn Quốc và Pháp. Hoạt động thông tin, tuyên truyền của Tạp chí; công tác văn phòng, phục vụ có nhiều cố gắng, phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban. Nội bộ đoàn kết; các đơn vị quan tâm hơn về đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, phối hợp tốt hơn, chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
 
    Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi biểu dương các Vụ, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2018; trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của ban, ngành Trung ương, địa phương và các cơ quan báo chí trong thời gian qua.   
 
      *      
*       *
    Thưa các đồng chí!
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của chúng ta trong năm 2018 vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý, đó là:
 
    1. Việc nắm tình hình ở địa bàn vẫn chưa kịp thời, chưa sâu; tính chủ động, nhạy bén trong tham mưu, đề xuất có lúc, có việc còn bị động, lúng túng, nhất là trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
 
    2. Thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm, chất lượng chưa cao, có việc còn kéo dài; kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm đối với công việc của một số cán bộ, công chức chưa cao.   
 
    3. Phối hợp giữa các vụ, đơn vị trong một số công việc vẫn chưa tốt, nhất là trong phối hợp tham mưu, đề xuất hướng dẫn xử lý các vụ việc, vụ án ở địa phương. 
 
    4. Công tác xây dựng Đảng, Hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên vẫn còn những hạn chế như báo cáo đã nêu.
 
    * Nguyên nhân: Khối lượng công việc nhiều; nhiều việc phức tạp, nhạy cảm; phương pháp chỉ đạo, điều hành có lúc, có việc chưa thực sự chủ động, sâu sát, quyết liệt; số lượng cán bộ, công chức còn thiếu, trách nhiệm, tâm huyết, lề lối làm việc, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn một số cán bộ, công chức còn hạn chế.
 
    II. Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2019
 
    Cơ bản đồng tình những nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong báo cáo. Tôi lưu ý và nhấn mạnh một số nội sung sau đây:
 
    1. Về công tác tham mưu, giúp việc 02 Ban Chỉ đạo
 
    1.1. Tham mưu xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2019 của hai BCĐ; chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu phục vụ tốt các cuộc họp, phiên họp của hai BCĐ, Thường trực BCĐ; sâu sát, cụ thể, kiên trì hơn, kịp thời hơn, quyết liệt hơn trong tham mưu chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kết luận của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo.
 
    1.2. Bám vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế và tình hình triển khai công tác cải cách tư pháp, kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cải cách tư pháp.
 
    - Rà soát, xây dựng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án và xử lý các vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo có thể kết thúc trong năm 2019 trình Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
 
    - Rà soát, đôn đốc để hoàn thành việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc theo Thông báo số 179-TB/BCĐTW ngày 20-8-2018 và Thông báo số 199-TB/BCĐTW ngày 15-11-2018 về thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Phiên họp 14 của BCĐ và cuộc họp Thường trực BCĐ Trung ương về PCTN. 
 
    - Phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục lựa chọn đưa một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
 
    1.3. Hoàn thành Kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
 
    Tham mưu ban hành Quy trình kiểm tra, giám sát của BCĐ; xây dựng và thực hiện Kế hoạch kiểm tra của BCĐ Trung ương về PCTN năm 2019 đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
 
    2. Tập trung hoàn thanh xây dựng 13 đề án lớn về công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTN, nhất là 11 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó 03 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong Quý I; 02 đề án trình trong Quý II; 06 đề án trình trong Quý IV năm 2019.
 
    3. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu, đề xuất về một số vấn đề lớn trong các dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, PCTN và cải cách tư pháp; nhất là, sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án hình sự, Luật đầu tư công, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật giám định tư pháp; các văn bản pháp luật do các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo kiến nghị để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN.
 
    4. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương:
 
    - Chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự; các vụ, việc sai phạm về kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, báo chí phản ánh, dư luận đặc biệt quan tâm.
 
    - Tham mưu chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là xử lý, ngăn chặn “tham nhũng vặt” theo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo (mỗi đơn vị, địa phương cần phát hiện, xử nghiêm, công khai ít nhất 01 vụ việc về tham nhũng vặt để cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tệ nạn này).
 
    - Khẩn trương hoàn thành tài liệu, kiện toàn báo cáo viên, tổ chức Hội nghị toàn quốc tập huấn nghiệp vụ cho Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy.
 
    5. Xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện ngay, có hiệu quả Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban (sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định 159). Nhất là kiện toàn lãnh đạo các vụ, đơn vị; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức; thu hút cán bộ có năng lực, kinh nghiệm từ nơi khác về Ban; sử dụng chế độ chuyên gia, cộng tác viên; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy định về công tác cán bộ, đảm bảo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước, chặt chẽ, khoa học và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Ban.
 
    6. Rà soát, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm, tâm huyết và hiệu quả công tác; thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ; chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. 
 
    7. Một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt: 
 
    (1). Tập trung, khẩn trương chuẩn bị nội dung và phục vụ tốt 03 Hội nghị lớn:
 
    - Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (ngày 21/01/2018).
 
    - Hội nghị tổng kết công tác Ngành Nội chính Đảng năm 2018 (ngày 22/1/2018).
 
    - Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương (dự kiến trong tháng 1). 
 
    (2). Quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức Tết năm 2019; thăm hỏi, giúp đỡ các đồng chí ốm đau, hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ, công chức của Ban không chúc Tết Lãnh đạo; không dùng xe công đi đền, chùa, việc riêng; Văn phòng thông báo cho các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ không chúc Tết lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương; trực Tết, nắm tình hình và kịp thời báo cáo tình hình nội chính, PCTN và cải cách tư pháp trong dịp Tết theo quy định.
 
    Thưa các đồng chí!
 
    Năm 2019 là năm có tính chất “nước rút” có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; nhiệm vụ công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp là rất lớn, nhân dân rất kỳ vọng và quan tâm. Tôi mong các đồng chí nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức nghiệp vụ, chia sẻ, hiệp đồng, phối hợp, đoàn kết chặt chẽ; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn mới.
 
    Nhân dịp năm mới 2019 và Xuân Kỷ Hợi sắp đến, thay mặt lãnh đạo Ban, tôi xin chúc tất cả các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
 
Xin cảm ơn các đồng chí!
.