BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG: Giao ban 6 tháng đầu năm 2016 ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam (Cụm số 4)

Chủ Nhật, 24/07/2016, 21:23 [GMT+7]
    (BNCTW) - Ngày 22-7, tại tỉnh Ninh Thuận, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2016 các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam (Cụm số 4). Tham dự Hội nghị có 160 đại biểu đại diện 21 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam; đại diện các vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đồng chủ trì Hội nghị. 
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trong Cụm số 4 đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016. Những kết quả đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Tại Hội nghị này, ngoài những kết quả được nêu trong báo cáo, đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung trọng tâm sau: (1) Kinh nghiệm tham mưu phát hiện, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm (cần nêu rõ địa phương mình có tham nhũng hay không? Tại sao một số địa phương không phát hiện được tham nhũng hay phát hiện nhưng không xử lý? Những khó khăn, vướng mắc trong tham mưu, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý; tham mưu xử lý các vụ việc liên quan đến nội chính, tham nhũng mà báo chí, dư luận quan tâm, nhất là các vụ việc có biểu hiện oan, sai; rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế để chuyển cơ quan điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật). (2) Tham mưu chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng (trên cơ sở Kế hoạch 19-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh ủy, thành ủy một cách thiết thực). (3) Kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra, giám sát; tham gia công tác cán bộ; tham mưu ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nội chính. (4) Tham mưu ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu về nội dung theo Kế hoạch và Đề cương tổng kết của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương. (5) Làm thế nào để phối hợp có hiệu quả với các cơ quan chức năng, nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất thường trực, thường vụ tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là các vấn đề về an ninh biên giới; an ninh biển, đảo; an ninh tôn giáo, an ninh các khu công nghiệp; khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài...
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu khai mạc Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu khai mạc Hội nghị
    Theo Báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2016, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trong Cụm số 4 đã triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt những kết quả, đó là: (1) Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu giúp tỉnh ủy, thành ủy xây dựng, ban hành 376 văn bản liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tham mưu để các cấp ủy đưa vào danh sách các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo 94 vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội (đã giải quyết 26 vụ, đang điều tra 57 vụ). (2) Đã tổ chức 25 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng cho 4.928 người; phát hành 269 văn bản hướng dẫn, đôn đốc công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; chủ trì, phối hợp tổ chức các Đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc, khảo sát nắm tình hình thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng tại 73 cơ quan, đơn vị, địa phương. (3) Chủ trì, phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến đối với 46 văn bản liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trước khi trình trình các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. (4) Tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều động, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chỉ định vào ban cán sự đảng, đảng đoàn và bổ sung vào cấp ủy quận, huyện và tương đương đối với 210 trường hợp. (5) Tiếp 432 lượt công dân, nhận và xử lý 1.725 đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của tỉnh; phối hợp xây dựng, ký ban hành 21 quy chế phối hợp giữa ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy với các cơ quan chức năng trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện thi đua chuyên đề “Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc kéo dài, nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về nội chính, tham nhũng”… 
 
    Tại Hội nghị, đã có 8 ý kiến đại diện cho ban nội chính các tỉnh, thành ủy phát biểu. Các ý kiến đều thống nhất với nội dung Báo cáo được trình bày tại Hội nghị; chia sẻ những kinh nghiệm hay; đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động tại các địa phương. 
 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phát biểu
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phát biểu
    Sau khi nghe các báo cáo; ý kiến phát biểu trao đổi tại Hội nghị, đặc biệt là ý kiến nêu lên khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động và những đề xuất, kiến nghị của các địa phương, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nêu rõ: Do mới được thành lập, nên ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cũng là điều dễ hiểu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy cần lưu ý những nội dung sau: (1) Nắm vững chức năng, nhiệm vụ được giao; (2) Không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu và tích lũy kinh nghiệm công tác; (3) Nắm chắc tình hình nội chính và phòng, chống tham nhũng; hoạt động của các cơ quan nội chính trên địa bàn tỉnh; (4) Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ về nội chính và phòng, chống tham nhũng; (5) Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã trực tiếp trao đổi, giải đáp 12 vấn đề mà các đại biểu đã nêu tại Hội nghị.
 
    Kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương biểu dương những kết quả mà ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016; ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu, trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội nghị. 
 
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương
phát biểu kết luận Hội nghị
    Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 và thời gian tới, đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: (1) Tham mưu cho cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về nội chính và phòng, chống tham nhũng: Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng 2020”; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03-01-2014 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị “Về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”... Chủ động nắm tình hình để tham mưu cho cấp ủy địa phương chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. (2) Tham mưu tổ chức thực hiện việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về nội chính và phòng, chống tham nhũng, nhất là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. (3) Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính ở địa phương; tiếp tục kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan chức năng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. (4) Tham mưu, giúp ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chuẩn bị chu đáo nội dung làm việc với các Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (theo Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW ngày 09-5-2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng); các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị. (5) Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2015 để phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. (6) Tăng cường tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và xử lý khiếu nại, tố cáo (theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị); đôn đốc các cơ quan chức năng tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài, các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp. (7) Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, kiến nghị; tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. (8) Thực hiện có hiệu quả công tác thi đua chuyên đề năm 2016 “Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về nội chính và phòng, chống tham nhũng” theo Kế hoạch số 04-KH/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương.
                                                                             Thu Huyền
;
.