Kiểm tra việc tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 tại tỉnh Đồng Nai

Thứ Sáu, 28/08/2015, 11:57 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 27-8-2015, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai nhằm kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kế hoạch tổng kết.

Làm việc với Đoàn, về phía Tỉnh ủy Đồng Nai có đồng chí Trần Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các cơ quan: Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh, Sở Tư pháp và Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo tổng kết của tỉnh Đồng Nai, sau 10 năm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đi vào nền nếp; công tác nghiên cứu, thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật ngày càng chặt chẽ, chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao đáp ứng được tính hợp lý, hợp pháp của văn bản. Trong quá trình xây dựng văn bản, các tổ chức, công dân chịu sự điều chỉnh, tác động của văn bản quy phạm pháp luật đã được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản ngày càng thường xuyên và thực chất hơn. Chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật ban hành được cải thiện một bước quan trọng và có tính khả thi cao. Từ năm 2005 đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức 32 kỳ họp theo luật định, 11 kỳ họp chuyên đề và bất thường, đã ban hành 324 Nghị quyết; trong đó có 220 Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 861 văn bản quy phạm pháp luật (762 Quyết định và 99 Chỉ thị) về các nội dung chủ yếu là: thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; quyết định các giải pháp bổ sung để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ; đánh giá kết quả thu, chi ngân sách trên địa bàn và xem xét quyết định, điều chỉnh nhiệm vụ đầu tư xây dựng và các nghị quyết chuyên đề về mức phí, lệ phí, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội các ngành, lĩnh vực… Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và ban hành đúng căn cứ pháp lý, đúng trình tự, thẩm quyền; phù hợp về hình thức và nội dung. Văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành được phổ biến rộng rãi đến với các đối tượng có liên quan và tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước của tỉnh .

Công tác kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được triển khai trên diện rộng và trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan. Quy trình kiểm tra văn bản được tiến hành đúng thẩm quyền đảm bảo tính hệ thống, khoa học và đạt hiệu quả nhất định đối với công tác quản lý nhà nước.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đa dạng về thông tin pháp luật của tổ chức, công dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Giáo dục pháp luật được đưa vào các trường học, triển khai đến tận các khu phố, ấp, địa bàn khu dân cư, khu nhà trọ công nhân. Hình thức và phương pháp tuyên truyền được vận dụng sáng tạo, linh hoạt, tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật, chiến lược xây dựng pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trong thời gian qua được cấp ủy, lãnh đạo các ngành, các cấp, nhất là Mặt trận Tổ quốc chú ý thực hiện; nội dung thông tin, tuyên truyền thiết thực, gần gũi với đời sống của nhân dân. Hình thức và phương pháp tuyên truyền được vận dụng sáng tạo, linh hoạt, tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực sự góp phần đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người dân. Kết quả đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật được 34 buổi có 5.347 lượt người tham dự, phát hành 7.000 cuốn tài liệu, 2.000 đĩa VCD, làm 11.049 panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; 113.000 tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Công tác xây dựng nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từng bước đạt kết quả, góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu về đội ngũ làm công tác pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 419 cán bộ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế (trong đó, cấp tỉnh: 99, cấp huyện: 58, cấp xã: 262).

Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra những chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đối với thủ trưởng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết đánh giá Đồng Nai là một tỉnh có diện tích, dân số, quy mô kinh tế xã hội lớn, quan trọng của miền Đông Nam Bộ do đó, việc tỉnh ủy, các cấp ủy đảng trong tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền sớm xác định nhu cầu xây dựng pháp luật gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng pháp luật được thực hiện theo quy trình chặt chẽ và được định kì hệ thống hóa văn bản thông qua việc rà soát văn bản hàng năm. Đã có sự tham gia có trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội ở tỉnh trong việc lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án luật quan trọng. Trong thi hành pháp luật, tỉnh đã xây dựng các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên đề với nhiều hình thức phong phú và tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ làm công tác pháp luật; kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thi hành pháp luật thông qua các cơ quan như Sở Tư pháp, UBND, Thường trực HĐND, Mặt trân Tổ quốc… Việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan truyền thông trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật; giữa Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan tư pháp trong công tác tuyên truyền pháp luật và thực hiện vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc; giữa Thường trực Tỉnh ủy với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết các vụ, việc phức tạp… đã góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật ở địa phương.

Đồng chí lưu ý, trong thời gian tới Tỉnh ủy Đồng Nai cần quan tâm dự báo tình hình và các yếu tố mới tác động để xác định nhu cầu xây dựng pháp luật trong những năm tới khi Đồng Nai trở thành một trung tâm kinh tế lớn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Việt Nam tham gia TPP; đồng thời cần quan tâm xử lý những vấn đề tiềm ẩn về an ninh công nghiệp trong các khu công nghiệp lớn của tỉnh.

Phạm Hoài Bắc

;
.