Xuân mới về trên đất tổ Hùng Vương

Thứ Bảy, 09/02/2019, 06:08 [GMT+7]
    Cách đây tròn 40 năm, khi còn là cậu sinh viên năm thứ hai Khoa Pháp lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Luật Hà Nội), tôi theo chân người bạn học cùng lớp là Nguyễn Ngọc Anh(1) về với miền đất Trung du đã từng đi vào ca dao dân dã… Tôi còn nhớ mãi câu thơ mẹ Ngọc Anh đọc như thấu tâm can: “Nước sông Hồng lưng bầu huyết đỏ/Gió trăng ngàn tắt lửa tình yêu…”, khiến cho các chàng trai yêu mến văn thơ mang theo đến tận bây giờ. Hương ngô phảng phất trong sương khói mùa đông, xa xa những cành cọ đâm thẳng lên trời. Phú Thọ trong tôi không chỉ là vùng đất linh thiêng, nơi phát tích của các đời Vua Hùng thời lập quốc, có Đền Mẫu Âu Cơ nằm giữa cánh đồng xanh ngắt bên bờ sông Thao bên lở, bên bồi đậm đặc phù sa, cội nguồn của văn minh lúa nước, mà còn kết nối với hiện tại phát triển không ngừng…
    
    Năm 2018 là một năm kỳ lạ, đầy áp lực khi từ những ngày đầu tiên tham gia phiên tòa xét xử vụ án ông Đinh La Thăng, cho đến những ngày cuối cùng của năm xét xử vụ án ông Trần Phương Bình (Ngân hàng Đông Á) và phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng). Xuyên giữa những đại án, tôi là một trong những luật sư đầu tiên tham gia tố tụng trong vụ án đánh bạc do các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Thọ điều tra, truy tố và xét xử. Cảm nhận về những điều đổi mới, tích cực trong tôi cứ đầy lên…
 
    Đổi mới nhận thức và thủ tục từ quá trình điều tra…
 
    Nhiều luật sư thường than phiền về những khó khăn khi tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra, nhất là các vụ án do Cơ quan An ninh điều tra tiến hành tố tụng. Mang tâm trạng ái ngại nói trên khi đến làm thủ tục tại Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ, tôi bất ngờ khi được tiếp xúc và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng từ Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra cho đến các điều tra viên, cán bộ điều tra. Không chỉ thủ tục nhanh gọn, Cơ quan An ninh điều tra còn lập Biên bản với luật sư nhằm thống nhất cách thức làm việc, do các luật sư hành nghề ở nhiều địa phương khác nhau, nên chấp thuận cho phép điều tra viên được nhắn tin trước về ngày, giờ tiến hành hỏi cung bị can và yêu cầu luật sư xác nhận có tham gia được hay không.
 
    Là một vụ án phức tạp về thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, việc tiến hành hỏi cung, đối chất được các Cơ quan An ninh điều tra và các điều tra viên hết sức quan tâm. Đó cũng là thời điểm Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực, trong đó việc ghi âm, ghi hình là những việc rất mới. Khi tham dự các buổi hỏi cung, đối chất, các luật sư được chứng kiến việc ghi âm, ghi hình được tiến hành nghiêm túc, thủ tục chặt chẽ, sau đó được lập thành biên bản. Các điều tra viên sau khi kết thúc việc hỏi cung, đều dành cho luật sư được hỏi thêm những vấn đề liên quan đến vụ án, ghi nhận trong Biên bản hỏi cung. Nhiều tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra, các luật sư đã được tiếp cận, đánh giá, bản thân các bị can cũng được tham khảo các tài liệu, chứng cứ để có ý kiến trình bày. Các thủ tục cho gia đình các bị can thăm nuôi, tiếp xúc 01 tháng 01 lần theo tinh thần mới của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Từ Giám thị Trại tạm giam, cho đến các cán bộ làm thủ tục, giám sát đều có tinh thần thân thiện, không có biểu hiện nào cản trở quyền hành nghề của các luật sư.
 
    Luật sư được tiếp cận, sao chụp hồ sơ theo kế hoạch và phương pháp khoa học, chặt chẽ trong giai đoạn truy tố…
 
    Chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với Viện kiểm sát nhân dân các cấp sau khi vụ án được kết thúc điều tra và phần lớn đều được tạo điều kiện thuận lợi trong việc sao chụp hồ sơ vụ án và đề xuất giải quyết các yêu cầu trong giai đoạn truy tố. Tuy nhiên, do áp lực của thời gian truy tố có thời hạn ngắn, điều kiện trụ sở, phòng làm việc hạn chế nên việc sao chụp hồ sơ thường chỉ liên quan trực tiếp đến bị can mà luật sư nhận trách nhiệm bào chữa. Do đó, các luật sư cảm thấy rất vui khi nhận được Thông báo ngày 16-7-2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ về thời gian, địa điểm người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể sao chụp tài liệu vụ án.
 
    Trong Thông báo, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng chân thành chia sẻ, hồ sơ vụ án có đến triệu bút lục, với số lượng gần 200 người tham gia tố tụng, trong khi số lượng kiểm sát viên kiểm sát điều tra ít nên không có thời gian và chỗ ngồi phục vụ cho luật sư nghiên cứu hồ sơ trực tiếp và kéo dài trong suốt thời hạn truy tố. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ thông báo cho người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian trong giờ hành chính từ ngày 05-8-2018 đến ngày 14-82018 (làm việc cả thứ bảy, chủ nhật) tại trụ sở của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Không những vậy, lần đầu tiên vượt qua những giới hạn bảo mật, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng thông báo chính thức tên, tuổi và số điện thoại của các kiểm sát viên để các luật sư thuận tiện liên hệ làm việc.
 
    Có lẽ, trong nhận thức của nhiều người vẫn thường nghĩ “kiểm sát viên và luật sư là những địch thủ trời sinh, khoảng cách không thể lấp đầy”… Trong vụ án này, khi được đến sao chụp hồ sơ vụ án theo lịch hẹn, chúng tôi cảm nhận được một thái độ cởi mở, cầu thị của các kiểm sát viên, phương pháp và cách thức phối hợp một cách khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc, các luật sư gần như được sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án, làm cơ sở cho việc hình thành quan điểm bào chữa cho các bị can sau này. Ngồi trong phòng làm việc được trang bị máy lạnh, bên ấm trà Phú Thọ nóng hổi, tôi hiểu thêm về phạm vi giới hạn và sự phối hợp của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự. Từ sâu thẳm nhận thức, tôi hiểu luật sư là một thành tố không thể thiếu được, mang tính phản biện trong tiến trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng, vận hành trong thể chế tư pháp thống nhất, nên khoảng cách ai đó từng nghĩ vẫn có thể lấp đầy…
 
    Nét son cải cách tư pháp trong tổ chức phiên tòa sơ thẩm
 
    Trong tâm trí của nhiều luật sư, đứng trước một phiên tòa hình sự với sự có mặt của gần 100 bị cáo, trong đó hiện diện cả một số bị cáo nguyên là lãnh đạo mang hàm cấp tướng của lực lượng Công an nhân dân bị vướng vào vòng lao lý, không hình dung được Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức như thế nào. Thông tin bên lề là trước sự đông đảo của những người tiến hành và tham gia tố tụng, cũng như của lực lượng bảo vệ, giữ trật tự phiên tòa, Tòa án nhân dân tỉnh đã phải bố trí hội trường xử tại khoảng trống của hai tòa nhà, với các cột sắt và vòm che rộng lớn. Bất chợt, tôi nghĩ lịch xét xử diễn ra khi mùa đông đến sớm, trong khoảng không rộng, nhiều người chắc bị gió lùa… Đó là chưa kể, tôi không hình dung được các vị trong Hội đồng xét xử sẽ điều hành phiên tòa như thế nào?
 
    Tâm trạng băn khoăn nói trên nhanh chóng được giải tỏa khi các luật sư bắt đầu làm thủ tục vào phiên khai mạc. Trong các vụ án xét xử ông Đinh La Thăng, các luật sư không được mang điện thoại, máy vi tính vào phòng xử, nhưng tại phiên tòa này, sau khi kiểm tra an ninh, các luật sư được mang các phương tiện nói trên vào hội trường xử án. Do hồ sơ vụ án lên đến cả triệu bút lục như thế, các luật sư sau khi sao chụp đều phải chuyển thành file PDF lưu trong máy tính vì không thể in ra và mang vào phòng xử vì quá lớn, nên việc cho phép thao tác, chuẩn bị quan điểm bào chữa, cập nhật diễn biến phiên tòa đã giúp cho các luật sư thuận lợi rất nhiều trong quá trình hành nghề.
 
    Ấn tượng đặc biệt không chỉ của giới luật sư, mà ngay cả những người dự khán phiên tòa về khả năng kiểm soát, điều hành chuẩn mực của nữ chủ tọa, cũng như các vị trong Hội đồng xét xử, thái độ, văn hóa ứng xử của các vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ. Đôi khi, tôi thầm nghĩ, không biết năng lượng tích lũy thế nào mà nữ chủ tọa phiên tòa có thể ngày mỗi ngày, từ sáng đến chiều, ngồi điều hành việc xét hỏi và tranh tụng không một lần bước ra ngoài giải lao? Đó là chưa kể, việc nắm chắc các chứng cứ cụ thể có trong hồ sơ của chủ tọa và các thành viên Hội đồng xét xử đã khiến cho các luật sư chúng tôi bất ngờ, vì khi luật sư đặt câu hỏi, bị cáo trả lời, chủ tọa biết và can thiệp đúng lúc để nội dung trả lời đúng trọng tâm; nếu cần thì đề nghị đại diện Viện kiểm sát trích xuất chứng cứ chiếu lên màn hình. Trong quá trình điều hành phần tranh luận và đối đáp, Hội đồng xét xử vận dụng phương pháp cuốn chiếu, dành thời gian thích đáng cho các bị cáo được quyền tự bào chữa. Sau khi kiểm sát viên trình bày bản luận tội, các luật sư phát biểu ý kiến bào chữa, sau đó kiểm sát viên và luật sư tiến hành đối đáp luôn liên quan đến từng bị cáo.
 
    Một điểm nhấn cần đề cập ở đây là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã bố trí một màn hình lớn để khi đọc Cáo trạng, phát biểu luận tội, hay tiến hành xét hỏi các bị cáo, nếu cần đối chất, làm rõ chứng cứ thì các tài liệu nói trên được trình chiếu rõ ràng trên màn hình, thậm chí đánh dấu cả những đoạn quan trọng hay chú thích để mọi người nhận biết và có ý kiến. Hội đồng xét xử cũng sử dụng phương tiện này để yêu cầu xuất trình, đối soát chứng cứ, các bị cáo tâm phục, khẩu phục trước những câu hỏi sắc bén của các chủ thể tiến hành tố tụng. Tôi nhớ mãi khi được phép phát biểu ý kiến bào chữa đầu tiên khi mặt trời đã lặn xuống, những ngọn đèn được bật lên, không gian hội trường xét xử như đặc quánh lại. Biết bao cảm xúc, tâm trạng chất chứa của một luật sư hành nghề trong đời sống tố tụng đang vận hành không ngưng nghỉ như ùa về, chủ trương cải cách tư pháp đã từng bước hiển hiện trong thực tiễn.
 
    Tạm biệt Phú Thọ, tạm biệt miền đất trung du linh thiêng và gần gũi, là quê ngoại của các con tôi. Trên đường cao tốc chạy đến sân bay Nội Bài để trở về TP. Hồ Chí Minh, khi màn đêm đã buông xuống, tôi vẫn như vấn vương hương ngô đồng nội, vị đậm đà của ly trà nóng hổi ngày nào, nhất là tấm lòng, tình cảm trong ứng xử của những người tiến hành tố tụng tỉnh Phú Thọ dành cho các luật sư. Mong sao những nét son trong tiến trình cải cách tư pháp thể hiện qua một phiên tòa lớn do Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức xét xử sơ thẩm sẽ là hình mẫu lan tỏa đến nhiều địa phương khác trong cả nước, làm hành trang bước sang mùa Xuân mới Kỷ Hợi 2019 đã cận kề…
(1) Nay là Giáo sư, Tiến sĩ Luật, Trung tướng, Cục trưởng Cục Pháp chế, hành chính và cải cách tư pháp, Bộ Công an.
Ghi chép của Luật sư Phan Trung Hoài
(liên đoàn luật sư Việt Nam)
.