Một số đề xuất góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Chủ Nhật, 12/07/2015, 01:42 [GMT+7]
    (BNCTW) - Giám sát là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn chính của HĐND nhằm thực hiện vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, bảo đảm nguyên tắc  tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. 
 
    Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND tại các kỳ họp HĐND đã từng bước được tăng cường. Việc xây dựng nội dung, chương trình giám sát hàng năm trình HĐND thông qua đã tạo sự chủ động cho HĐND, Thường trực, các Ban, đại biểu và các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia hoạt động giám sát, làm cho hoạt động này từng bước đi vào nề nếp. Nội dung chương trình giám sát tương đối phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương. Việc giám sát thông qua xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp được tiến hành nghiêm túc, theo định kỳ. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn từng bước đi vào nền nếp và trở thành một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp, được cử tri và nhân dân địa phương quan tâm…
 
HĐND tỉnh Cà Mau giám sát tình hình thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thời kỳ ổn định ngân sách (2011 - 2015) tại huyện Đầm Dơi
HĐND tỉnh Cà Mau giám sát tình hình thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thời kỳ ổn định ngân sách (2011 - 2015) tại huyện Đầm Dơi
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HĐND còn bộc lộ những bất cập hạn chế: Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân chưa có luật riêng điều chỉnh. Các quy định liên quan đến giám sát của Hội đồng nhân dân được thực hiện theo Hiến pháp, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Nội quy các kỳ họp, Chương trình hoạt động toàn khoá… Do đó, các quy định về giám sát của Hội đồng nhân dân hiện đang nằm tản mạn trong nhiều văn bản khác nhau, còn chồng chéo trùng lắp, không thuận lợi cho việc áp dụng, thực hiện pháp luật. Một số quy định về trình tự, thủ tục giám sát còn chưa rõ ràng, cụ thể và chưa bảo đảm tính thống nhất. Quy định phạm vi giám sát, hình thức giám sát quá rộng với nhiều chủ thể, chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể với từng đối tượng chịu sự giám sát cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát dẫn tới sự chồng chéo trong thực hiện. Một số quy định tính khả thi thấp, như quy định về việc HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Một số hoạt động giám sát được thực hiện trên thực tế nhưng chưa được ghi nhận trong luật.
 
    Hoạt động giám sát của HĐND các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống đặt ra. Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND còn lúng túng, trình độ, năng lực của không ít đại biểu còn hạn chế, chưa nắm chắc pháp luật, cách thức tiến hành giám sát. Một số đối tượng chịu sự giám sát chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc chuẩn bị báo cáo, cung cấp thông tin và chuẩn bị các điều kiện khác phục vụ hoạt động giám sát. Số lượng, quy mô và phạm vi giám sát tuy có tăng lên nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần đòi hỏi của thực tế cuộc sống. Một bộ phận đại biểu kiêm nhiệm chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát của Ban. Công tác giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với các cơ quan cấp dưới ở những địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường gặp nhiều khó khăn, do khối lượng công việc quá lớn mà số đại biểu chuyên trách còn ít, kinh phí ở cơ sở vẫn còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm và phương thức giám sát hợp lý. Hoạt động chất vấn có nơi, có lúc còn chưa thực chất, nội dung chất vấn còn dàn trải, trả lời chất vấn còn chung chung, thiếu giải pháp và trách nhiệm cụ thể. Đối với cấp xã, thì việc chất vấn chưa rõ nét, nhiều trường hợp chất vấn không đúng đối tượng, hỏi để lấy thông tin. Tình trạng nể nang, né tránh ngại va chạm trong hoạt động chất vấn vẫn còn. 
 
    Phương thức giám sát còn nhiều điểm bất cập, giám sát ở cơ sở chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo nên kết quả đạt được chưa cao. Các kết luận sau giám sát thường chung chung, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ý kiến, kiến nghị sau giám sát và chất vấn không phải nơi nào cũng thực hiện thường xuyên nghiêm túc. Chính vì vậy, hiệu quả giám sát của HĐND các cấp hiện nay còn thấp, đặc biệt đối với HĐND cấp xã. Hoạt động giám sát tư pháp của HĐND còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa được thực hiện nhiều và kết quả chưa cao; mới chỉ tập trung vào việc xem xét báo cáo công tác và chất vấn đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.
 
    Nguyên nhân của tình trạng trên là do đại đa số các đại biểu HĐND đều hoạt động kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian dành cho công tác đại biểu; trong khi đó các đại biểu chuyên trách tại Thường trực HĐND và Ban của HĐND có số lượng rất ít (chỉ vài người) nên không thể tổ chức nhiều cuộc giám sát có hiệu quả. Đa số các đại biểu HĐND đều là đại biểu mới, còn ít kinh nghiệm, không chuyên nghiệp trong hoạt động đại biểu. Một số đại biểu còn lúng túng trong phương pháp hoạt động, chưa mạnh dạn phát biểu, ngại va chạm, tranh luận, đặc biệt trong hoạt động chất vấn và đề xuất các nội dung giám sát với Thường trực HĐND. Luật cũng chưa có quy định ràng buộc thời gian tối thiểu đối với đại biểu kiêm nhiệm nên nhiều đại biểu chưa chủ động tham gia giám sát.
 
    Bộ máy giúp việc của HĐND còn rất hạn chế về số lượng, chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu tham mưu, giúp việc về chuyên môn cho HĐND. Đối với cấp huyện, xã không có cơ quan chuyên môn giúp việc cho HĐND, Thường trực HĐND nói chung và trong hoạt động giám sát nói riêng. Cơ chế, chính sách pháp luật đối với hoạt động giám sát chưa bảo đảm (chưa có chế tài đối với cơ quan, tổ chức không cung cấp thông tin cho đại biểu…). Sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát của HĐND chưa sâu rộng, toàn diện…
 
    Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, cần ban hành Luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Theo đó, tại Kỳ họp của HĐND thì cần đề cao vai trò chủ thể giám sát là Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND một cách độc lập và tự chịu trách nhiệm về hoạt động giám sát của mình. Đối với Thường trực HĐND, phạm vi giám sát nên được mở rộng hơn so với quy định hiện hành (giám sát việc ban hành văn bản pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; giám sát hoạt động của Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND…). 
 
    Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn về việc tổ chức chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; quy định việc Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của người được chất vấn trong việc báo cáo với Hội đồng nhân dân về việc thực hiện những vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước. Đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, cần quy định rõ thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát, trình tự Hội đồng nhân dân xem xét báo cáo giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát. Bổ sung quy định về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu; quy định các trường hợp Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm và hậu quả pháp lý của việc bỏ phiếu tín nhiệm.
 
    Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, cần bổ sung một số quy định nhằm làm rõ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Đó là cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu giám sát; giải quyết kiến nghị của HĐND, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết giám sát của Hội đồng nhân dân. Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp trình bày những vấn đề mà cơ quan tiến hành giám sát nêu ra; trường hợp uỷ quyền cho người khác trình bày thì phải được cơ quan đó đồng ý. Trường hợp có hành vi cản trở thì các chủ thể giám sát có quyền yêu cầu cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.     
 
    Bên cạnh các giải pháp về hoàn thiện thể chế nêu trên, cần tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của HĐND, có cơ chế bảo đảm các điều kiện để đại biểu hoạt động có tính chuyên nghiệp. Bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm về nhân lực, tài chính, thông tin, phương tiện, cơ sở vật chất,… để HĐND thực hiện hoạt động giám sát, đặc biệt là bộ máy, cán bộ tham mưu, phục vụ và cơ chế hỗ trợ, bảo đảm cho hoạt động giám sát của HĐND. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng hoạt động và kiến thức pháp luật về hoạt động giám sát cho đại biểu Hội đồng nhân dân (nhất là đại biểu tham gia lần đầu). Xây dựng cơ chế phối hợp giữa hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân với các cơ quan nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cử tri tham gia vào hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. 
Phương Thảo
;
.