Báo chí phải "phù chính, dẹp tà" và dựa vào dân

Thứ Sáu, 19/06/2015, 14:24 [GMT+7]
    Cách đây gần 70 năm, trong bức thư đề ngày 25-5-1947, gửi anh em báo chí, văn hóa, trí thức Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa, trí thức phải làm cũng như những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Sau đó 03 năm, vào đầu năm 1950, khi quân ta đang tiến hành Chiến dịch biên giới, nhà văn Nguyễn Đình Tốn, nhà thơ Đoàn Phú Tứ được bạn rủ đi dự đám cưới của Bùi Minh Châu trợ lý của Trần Dụ Châu tổ chức tại phố Thanh Cù (nay là phố Hanh Cù), xã Chấn Hưng, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ do Trần Dụ Châu làm chủ hôn. Trước đó, Đại tá - Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã gây nhiều dư luận bất bình trong anh em quân đội. Người này đã dùng quyền lực “ban phát” ăn mặc, nên Trần Dụ Châu đã giở trò ăn cắp (công quỹ), cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội Trần Dụ Châu ăn bớt hai tấc vải xô, nên cứ ngồi lên là đầu chạm đình màn. Còn áo trấn thủ, Trần Dụ Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, nhiều người mặc dù biết, nhưng không dám phản đối. Sau khi dự đám cưới nói trên, nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã viết thư cho Bác Hồ. Bức thư có đoạn viết: Cháu (nhà thơ Đoàn Phú Tứ) và một Đoàn nhà văn đi thăm bộ đội vừa đi chiến đấu trở về, cháu đã khóc nấc lên khi thấy thương binh thiếu thuốc men, bông băng, hầu hết chiến sỹ đều rách rưới, võ vàng (vì) đói rét, chỉ còn mắt với răng mà mùa đông rét buốt ở chiến khu lạnh lắm, lạnh tới mức nước đóng băng. Cháu được Trần Dụ Châu mời dự tiệc cưới của cán bộ dưới quyền tổ chức ngay ở chiến khu (phố Thanh Cù, xã Chấn Hưng, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, nơi đồng bào Thủ đô tản cư lên buôn bán khá sầm uất).
    
    Trên những dãy bàn dài tít tắp (bày tiệc cưới) xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, giò chả, nấm hương, thịt bò thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng, hoa Ngọc Hà dưới Hà Nội cũng kịp đưa lên, ban nhạc “Cảnh Thân” được mời từ Khu Ba lên tấu nhạc réo rắt; Trần Dụ Châu mặc quân phục Đại tá cưỡi ngựa hồng, súng lục “côn bát” đến dự. Trần Dụ Châu ngạo mạn, mời nhà thơ (tức Đoàn Phú Tứ) đọc thơ mừng hôn lễ. Với lòng tự trọng của mình (đương kim là đại biểu Quốc hội) nhà thơ đã thẳng thắn, dũng cảm xuất khẩu thành thơ: “Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, Được dọn bằng xương máu của các chiến sỹ”. Sau khi nhà thơ vừa dứt lời, một vệ sĩ của Trần Dụ Châu đã tát vào mặt nhà thơ, quát to: - “Nói láo”. Nhà thơ bỏ ra ngoài và sau đó viết thư tố cáo lên Bác Hồ. Hồ Chủ tịch đã trao bức thư của nhà thơ cho Thiếu tướng Trần Tử Bình, Thanh tra Quân đội. Người nói:
    
    - Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác, Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng. Bác giao cho Thiếu tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý. Để làm rõ vụ việc động trời này, ở vùng tự do Việt Bắc nhà báo Hồng Hà đã có phóng sự điều tra đăng liền 06 kỳ trên Báo Cứu Quốc kèm theo xã luận nhấn mạnh đến một vấn đề mang tính nguyên tắc: Chống tham nhũng không phải việc riêng của Đảng và Nhà nước, mà chống tham nhũng là việc của dân nên phải báo cáo với dân. Tuy nhiên, sau đó, ít khi Báo Cứu quốc nói về nhân thân Trần Dụ Châu và bọn tay chân đàn em, những việc làm phi pháp về tài chính… Lý do chính là, Trần Dụ Châu đã “phản công” bằng việc làm tố cáo ngược. Y viết công văn gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rằng Cục Quân nhu có một tổ chức gây chia rẽ, phá hoại quân đội ta, coi những lời dị nghị, xì xèo là hàm hồ, do ghen ăn tức ở, soi mói. Trước khi xét xử vụ án Trần Dụ Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải báo cáo vụ tham nhũng này cho toàn dân biết. Bởi vì theo Người: “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên, phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(1). Nhờ có sự phát hiện của báo chí, văn nghệ sĩ, Thanh tra Quân đội đã tổ chức kiểm tra và có kết luận khá nhanh. Ngày 05-9-1950, Tòa án binh Trung ương đã xét xử vụ án bị cáo Trần Dụ Châu và 02 tên đồng bọn ở Thanh Cù, xã Chấn Hưng, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ - nơi tổ chức đám cưới xa xỉ hồi đầu năm. Trần Dụ Châu đã bị Tòa án tuyên phạt án tử hình, 02 tên đồng bọn mỗi tên bị tù 10 năm. Trần Dụ Châu gửi đơn kháng án lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp (sau này là Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam), xin ý kiến Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch chỉ cho đồng chí Trần Đăng Ninh xem một cây xoan héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?
 
    - Thưa Bác, vì thân cây xoan bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa sống…
    - Vậy theo chú, muốn cứu cây phải làm gì?
    - Dạ, ta phải bắt và giết hết những con sâu ấy đi ạ!
 
    Hồ Chủ tịch gật đầu nói: “Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì đó là cần thiết, hơn nữa còn là việc làm nhân đạo”. Qua vụ án Trần Dụ Châu cho thấy, sự dũng cảm, bản lĩnh vững vàng của các nhà báo, các cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” cũng như sự tin tưởng của những người đứng đầu như nguồn cảm hứng tiếp thêm sức mạnh cho báo chí. Đồng thời, các nhà báo, các cơ quan phòng,  chống tham nhũng, lãng phí cần nhớ lời dạy bất di, bất dịch của Bác Hồ: Phải dựa vào dân, lắng nghe tiếng nói của người dân. Trong tình thế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn phải gạt lệ không chấp nhận đơn xin giảm án của một đại tá, để cảnh tỉnh nhiều cán bộ khác, tránh những hiểm họa sau này. Hiện nay, thực trạng khá phổ biến và kéo dài là, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý sợ công  khai, minh bạch, sợ cung cấp thông tin cho báo chí, có những vấn đề nhẽ ra cần công khai trên báo chí nhưng lại tìm mọi cách để phổ biến trong phạm vi hẹp để tiện cho việc “xử lý nội bộ”. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý đánh giá thấp, coi thường ý kiến của người dân, quyết định nhiều việc không hỏi ý kiến nhân dân, quen lối làm việc quan liêu, xa rời cuộc sống, chỉ thích dội mệnh lệnh từ trên xuống.
 
    Nhân dân là nguồn sức mạnh như nước. “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”; nhân dân chính là nguồn trí tuệ của Đảng, Nhà nước. Những sáng kiến đột phá giầu tâm huyết của nhân dân là nguồn trí tuệ vô cùng quý báu, không gì thay thế được cho những chủ trương và biện pháp đổi mới của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, báo chí là diễn đàn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng cũng là diễn đàn rộng lớn, phong phú của người dân, để người dân trao đổi kinh nghiệm, nói lên tâm tư, nguyện vọng chính đáng, thậm chí những bức xúc của mình. Mọi kiến nghị của người dân về quốc kế dân sinh, mọi lời nhận xét, phê bình đúng đắn của dân đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và với cá nhân cán bộ, đảng viên đều cần phải được phản ánh trên báo chí. Năm 1949, trong Thư Hồ Chủ tịch gửi lớp báo chí đầu tiên tổ chức tại Việt Bắc, Người đã viết: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước và của dân. Thiếu tiếng nói của dân, thiếu những vấn đề dân quan tâm, báo chí không thể hấp dẫn bạn đọc”.
 
    Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, đảng viên. Đồng thời Người lại rất thương yêu, chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của chiến sĩ, đồng chí, đồng bào. Do vậy, tuy gọi tham nhũng là “giặc nội xâm”, phải diệt trừ tận gốc, nhưng khi phê bình tệ nạn này Người lại căn dặn: “Phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”. Chuyện kể rằng: “Một lần Bác Hồ xuống nói chuyện với một cơ sở. Khi nghe báo cáo, Người biết cơ sở này đã để xảy ra tham ô tài sản của tập thể, của nhân dân. Vào cuối buổi nói chuyện, Bác nhìn xuống hội trường và hỏi:
 
    - Ở đây, những ai có con rồi? Một số cánh tay giơ lên. Bác chỉ một người trong số đó và hỏi:
 
    - Bác hỏi thật chú, ở nhà chú có ăn bớt phần cơm của vợ, của con chú không?
    Anh cán bộ trả lời:
   
     - Dạ thưa Bác, không ạ!
  
    - Thế tại sao một số cán bộ thấy tài sản của nhân dân thì cứ hễ sểnh ra một chút là tìm cách bỏ túi của mình? Cả hội trường im lặng khi Bác hỏi câu này”.
;
.