Giải pháp chống tham nhũng ở Việt Nam

Thứ Năm, 24/04/2014, 12:09 [GMT+7]
Từ nhiều năm nay, khi nói đến tham nhũng ở Việt Nam, người ta thường dùng thuật ngữ “quốc nạn” để nói lên độ sâu, rộng và hiểm nguy đối với dân tộc. Chính vì vậy, cuộc chiến chống tham nhũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để chống tham nhũng có nhiều vấn đề đặt ra, song đặc biệt cần quan tâm đến nguồn gốc của tham nhũng.
Có ý kiến cho rằng tham nhũng có nguyên nhân từ sự yếu kém trong quản lý điều hành của quan chức trong bộ máy nhà nước; thể hiện rõ là tình trạng vô trách nhiệm, là thiếu kiểm tra, nhắc nhở, là bệnh thành tích; nhiều cơ quan, đơn vị đang tồn tại tình trạng: Cái tốt thì thích thổi phồng, cái xấu thì tìm mọi cách che giấu, bưng bít; cũng có thể từ những sơ hở, thiếu chặt chẽ, thiếu nhất quán, thậm chí vô hiệu hóa lẫn nhau trong các quy phạm pháp luật. Cũng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tham nhũng là do tiền lương, thu nhập của những người làm việc trong bộ máy nhà nước quá thấp. Vì tiền lương quá thấp, mà người ta phải tham những để bảo đảm cuộc sống... 
Tham nhũng còn có thể đến từ công tác hành chính, từ bộ máy quản lý và điều hành của các cơ quan công quyền không rõ ràng. Trên thực tế, quy chế, nội quy, quy trình làm việc, trình tự giải quyết, xử lý các loại công việc hiện  nay còn rườm rà. Đây là những vấn đề trực tiếp liên quan đến toàn bộ nền hành chính quốc gia; là hậu quả nền hành chính quan liêu - tập trung bao cấp. Nền hành chính này chưa dễ  mất đi ngay trong điều kiện của kinh tế thị trường mới được ra đời; hệ thống luật lệ lại chưa kịp ra đời để đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và quản lý xã hội.
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, tham nhũng còn do đạo đức, phẩm chất của nhiều cán bộ bị tha hóa, biến chất. Nếu một người cán bộ, đảng viên công tâm người ta sẽ không lợi dụng vào vị trí, chức vụ để thực hiện hành vi tham nhũng. 
Vấn đề nổi cộm khác khiến nhiều người bất bình hiện nay, đó còn là luật pháp chưa nghiêm minh đối với tội tham nhũng. Người ta nói tham nhũng là quốc nạn, là nguy cơ, nhưng trong những năm dài của thời kỳ xây dựng đất nước, đã có bao nhiêu vụ tham nhũng ở cơ quan có người tham nhũng do cán bộ, đảng viên ở trong cơ quan đó phát hiện ra? Đó là chưa kể phát hiện ra rồi thì việc xét xử theo pháp luật còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các vụ tham nhũng liên quan đến số cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Trên thực tế, “quốc nạn” tham nhũng vẫn đang hàng ngày, hàng giờ làm phương hại đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ và dân tộc.
Để PCTN có hiệu quả, mỗi cơ quan, đơn vị và cá nhân phải có cách tiếp cận và hiểu đúng bản chất cũng như nguyên nhân vấn đề tham nhũng.
Từ các luận giải về nguyên nhân của tham nhũng nêu trên, chúng tôi cho rằng công tác PCTN của Việt Nam nên tập trung vào một số vấn đề sau đây:
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, Nhà nước cần làm cho mọi tầng lớp nhân dân; cán bộ, công chức nhận thức được một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc rằng, tham nhũng vừa là một hành vi phạm tội, vừa là một biểu hiện của sự thoái hóa, biến chất về nhân cách, là sự suy đồi về đạo đức và lối sống, là kẻ thù tồn tại ngay trong bản thân từng con người, cần phải căm ghét và tìm mọi cách để loại bỏ. Tham nhũng cũng cần được xem như là căn bệnh nguy hiểm nhất trong các loại bệnh mà con người phải gánh chịu, nó không chỉ sẵn sàng giết chết một con người cụ thể nào đó mà còn làm ô danh cho cả gia đình, dòng họ từ đời này sang đời khác; thậm chí còn làm nhục cho cả một quốc thể...
2. Đồng thời với việc xử lý nghiêm những người phạm tội tham nhũng; sự gương mẫu của cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền cần được đặt lên hàng đầu. Đã là cán bộ, công chức, không cho phép một ai có thể có những hành vi tham ô, nhũng nhiễu, làm khó cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức khi họ có nhu cầu phải đến cơ quan của Nhà nước. Nếu cán bộ, công chức nào đó đã có những biểu hiện tham nhũng một cách rõ ràng, đã có kết luận của các cơ quan chức năng thì cần phải xử lý nghiêm và kịp thời để làm gương, để răn đe. Cần chấm dứt tình trạng xử lý nội bộ; thực hiện công khai, minh bạch các vụ, việc, các tập thể, cá nhân tham nhũng, kể cả người có chức vụ, quyền hạn.     
3. Thực hiện một cách triệt để công cuộc cải cách hành chính, mà một trong những nội dung cần đặc biệt quan tâm là rà soát lại toàn bộ các quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm loại bỏ tình trạng mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật... cũng như tiến hành sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật còn có vấn đề chưa chính xác, rõ ràng nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng lợi dụng sơ hở của các quy định pháp luật để tham nhũng.
4. Các cơ quan công quyền phải thực hiện việc công khai các quy trình, trình tự, thủ tục xử lý, giải quyết mọi nhu cầu của tổ chức và cá nhân; đồng thời với việc công bố rõ ràng họ tên, chức danh của những người được phân công chịu trách nhiệm đối với những loại việc có liên quan. Biện pháp này có tác dụng rất lớn trong việc tăng cường trách nhiệm cho đội ngũ công chức nhà nước; hạn chế tình trạng hành chính quan liêu trong xử lý các yêu cầu của người dân. 
Đấu tranh chống tham nhũng là một trong những cuộc chiến phức tạp, gay go, quyết liệt và lâu dài. Vì vậy, nếu cuộc đấu tranh này không vận động được toàn dân tham gia, không biết khai thác hết những thông tin do dân cung cấp, không dựa vào dân thì thắng lợi của cuộc chiến này e rằng khó đạt được.
Phan Văn  Tính
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững)
Tô Vỹ 
(Phó tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận)
;
.