Tác động của toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế tới tham nhũng ở Việt Nam

Thứ Ba, 14/05/2013, 16:26 [GMT+7]

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu hướng lớn, tác động sâu sắc tới các quốc gia trên mọi lĩnh vực trong đó có tội phạm tham nhũng. Xem xét tác động, ảnh hưởng của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tới tình hình tham nhũng ở Việt Nam có thể đánh giá ở hai khía cạnh tác động tích cực và tiêu cực. Cụ thể là:

Một là: Tác động tích cực

- Quá trình hội nhập quốc tế, mở cửa của Việt Nam đã tạo điều kiện cho tham nhũng có điều kiện vượt ra ngoài biên giới quốc gia, thúc đẩy tham nhũng có yếu tố nước ngoài phát triển. Việc mở rộng thông thương giữa Việt Nam và các quốc gia dẫn tới việc luân chuyển tài sản trở nên hết sức dễ dàng. Tổ chức, cá nhân tham nhũng trong nước có thể gửi tài sản của mình ở quốc gia khác. Đã có nhiều quan chức tham nhũng ở Việt Nam chọn quốc gia khác để che dấu tài sản hoặc lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật khi bị phát hiện. Xuất hiện xu hướng hoạt động hối lộ của các đối tượng nước ngoài đối với quan chức ở Việt Nam nhằm thu lợi bất chính.

Toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa

- Xu thế toàn cầu hóa về trao đổi thương mại và sự luân chuyển các nguồn tài chính là yếu tố làm nghiêm trọng thêm tình trạng tham nhũng. Hội nhập quốc tế tất yếu kéo theo sự mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên mọi lĩnh vực, rất nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực được triển khai bằng nguồn vốn viện trợ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia đầu tư tại Việt Nam, các hợp đồng xuất khẩu được thực hiện với các đối tác nước ngoài…Điều này tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển xét từ cả hai phía. Về phía nhà đầu tư nước ngoài khi đi đầu tư tại Việt Nam, để nhằm giành được các dự án lớn, thu lợi cao thậm chí là trốn thuế sẽ sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn thậm chí là trăm ngàn USD để “chạy” các “quan chức”, những người có thẩm quyền xét duyệt cấp phép các dự án đầu tư. Ngược lại các doanh nghiệp của Việt Nam khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài với mong muốn xuất khẩu được nhiều, xuất khẩu được cả những mặt hàng chưa đủ tiêu chuẩn  cũng sẽ phải “chi tiền” cho các cơ quan kiểm định của nước đối tác. Tất cả những điều đó tạo điều kiện cho tham nhũng có cơ hội nảy sinh và phát triển mạnh mẽ.

- Trong nền kinh tế toàn cầu, mọi nền kinh tế đều tham gia vào một kiểu thị trường thống nhất - “một sân chơi chung” bình đẳng cho mọi nền kinh tế, bất kể đó là nền kinh tế thuộc trình độ và xuất phát điểm như thế nào. Thị trường trong toàn cầu hoá là kiểu thị trường mở, trong đó các quốc gia tự nguyện mở cửa nền kinh tế của mình trên cơ sở lợi thế so sánh vốn có sẽ hội nhập hiệu quả vào các thị trường khu vực và thế giới. Điều đó bắt buộc Việt Nam phải chịu sự chế ước của các quy định chung mang tính quốc tế. Việc chịu sự chế ước của các quy định chung buộc Việt Nam phải mở cửa, thay đổi hệ thống chính sách, pháp luật, tư duy quản lý kinh tế xã hội. Điều đó đặt ra một thực tế rằng nếu Việt Nam không bắt kịp với tốc độ hội nhập toàn diện dẫn tới có những quyết sách không phù hợp, nền kinh tế bị rơi vào tình trạng đình đốn, kém phát triển cộng với kỷ cương xã hội bị buông lỏng sẽ tạo điều kiện nảy sinh tham nhũng. Sự tăng trưởng không đồng đều về kinh tế, sự quản lý thiếu chặt chẽ trong các lĩnh vực xã hội làm cho tệ nạn tham nhũng phát triển mạnh mẽ.

- Cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực đã tạo điều kiện cho tội phạm tham nhũng có điều kiện liên kết với các tội phạm khác như tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tội phạm rửa tiền…. Một số quan chức tham nhũng có thể sử dụng nguồn tiền có được từ tham nhũng đưa đi đầu tư ở các quốc gia khác nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền đó như kinh doanh bất động sản, khách sạn, du lịch… làm cho việc phát hiện nguồn tiền tham nhũng và đấu tranh ngăn chặn tham nhũng trở nên hết sức khó khăn.

Hai là:  Tác động tiêu cực

- Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thúc đẩy và tạo điều kiện cho VIệt Nam và các quốc gia trên thế giới “xích lại gần nhau”, gạt bỏ các bất đồng để cùng tìm ra một “tiếng nói chung” trong cuộc chiến chống tham nhũng. Do sự khác nhau về đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội… cũng như xuất phát từ lợi ích quốc gia mà trước đây quan niệm về tham nhũng, tội phạm tham nhũng của mỗi nước cũng có điểm khác nhau. Do đó tồn tại một thực tế rằng cùng một hành vi nhưng ở nước này bị xem là tham nhũng nhưng ở nước khác lại không hoặc quan chức tham nhũng ở nước này lại gửi tài sản tham nhũng ở nước khác. Điều đó gây khó khăn cho cuộc chiến chống tham nhũng trong bối cảnh tham nhũng đã trở thành một tội phạm mang tính quốc tế, vượt ra khỏi khuôn khổ của các quốc gia nhất là với các tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Mặt khác trong các giai đoạn trước đây việc hợp tác giữa các quốc gia trong phòng, chống tham nhũng cũng mới chỉ dừng ở một mức độ nhất định và chưa được luật hóa do đó chưa có một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc hợp tác. Với tác động của toàn cầu hóa và xu hướng hội nhập quốc tế đã thúc đẩy các quốc gia gạt bỏ những điểm còn mâu thuẫn, chưa thống nhất và cùng đề ra những quy định, những điều khoản chung trên bình diện quốc tế để phòng, chống tham nhũng. Điển hình là thời gian vừa qua trên bình diện quốc tế và khu vực đã có nhiều Công ước quy định về các vấn đề liên quan tới tham nhũng và phòng, chống tham nhũng như Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, Công ước chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế…

- Toàn cầu hóa và hội nhập tạo điều kiện cho Việt Nam và các nước có thể trao đổi, học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng từ đó áp dụng một cách hợp lý vào thực tiễn nước mình. Trong các giai đoạn trước đây do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như sự khác biệt về ý thức hệ, về văn hóa, về vị trí địa lý mà mối quan hệ giữa các quốc gia chưa được mở rộng. Do đó công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở các quốc gia chủ yếu đều do các quốc gia tự xây dựng dựa trên các đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật…Tuy nhiên, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã làm cho quan hệ giữa các quốc gia ngày càng mở rộng, các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau hơn. Do đó Việt Nam có điều kiện trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm trong công cuộc đấu tranh với “vấn nạn” tham nhũng của các quốc gia khác. Đơn cử như Việt Nam đã từng cử các phái đoàn đi tham khảo kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng ở một loạt nước trên thế giới như Indonexia, Trung Quốc, Malaixia… Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng giữa các nước đã có tác dụng rất to lớn trong việc thúc đẩy công cuộc đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.

- Hội nhập quốc tế bên cạnh những thách thức cũng đưa lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong quá trình phát triển như thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực kinh tế. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân sẽ được nâng cao dần lên. Mặt khác quan trọng hơn sự phát triển sẽ thúc đẩy Việt Nam nâng cao được trình độ quản lý của bộ máy Nhà nước, hoàn thiện được hệ thống pháp luật, thiết lập cơ chế quản lý kinh tế xã hội công khai, minh bạch. Những điều này góp phần làm hạn chế môi trường, điều kiện phát sinh tội phạm tham nhũng. Rõ ràng khi có hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ và bộ máy quản lý nhà nước công khai, minh bạch, các “quan chức” sẽ không có những “kẻ hở” hay “cơ hội” để trục lợi bất chính. Mặt khác ý thức pháp luật của người dân được nâng cao thì người dân sẽ chủ động hơn trong việc phát hiện, tố cáo và đấu tranh với các hành vi tham nhũng.

(Theo "Hỏi - Đáp về phòng, chống tham nhũng”, Nxb Chính trị quốc gia, tác giả Phạm Ngọc Hiền – Phạm Anh Tuấn)

 

;
.