Một số Nghị định quan trọng có hiệu lực trong tháng 12-2014

Thứ Ba, 09/12/2014, 15:30 [GMT+7]

Trong tháng 12-2014, một số Nghị định quan trọng sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.

1. Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22-9-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam; có hiệu lực thi hành từ ngày 01-12-2014.

Nghị định này sửa đổi bổ sung các quy định về: Lệ phí giải quyết các việc về quốc tịch; Đăng ký để được xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam; Văn bản pháp luật và giấy tờ dùng để xác định quốc tịch Việt Nam của Người yêu cầu xác định quốc tịch; Trình tự, thủ tục đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam.

Theo đó, việc đăng ký để được xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam được quy định như sau: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, nơi Người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam. Trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch cư trú tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không có Cơ quan đại diện thì nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất.

2. Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; có hiệu lực thi hành từ ngày 12-12-2014.

Nghị định quy định về hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả. Hình thức xử phạt chính gồm cảnh cáo và phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp về một hoặc một số hoạt động, dịch vụ ngân hàng và một số hoạt động kinh doanh khác thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng hoặc đình chỉ có thời hạn đối với một hoặc một số hoạt động ngân hàng và một số hoạt động kinh doanh khác được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép có vi phạm quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng.

Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có hiệu lực thi hành vào ngày 12-12-2014
Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có hiệu lực thi hành vào ngày 12-12-2014

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền. Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng, biện pháp đánh giá tăng cường quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định tại các Khoản 2, 3 Điều 13 Luật Phòng, chống rửa tiền. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không rà soát khách hàng và các bên liên quan theo các danh sách cảnh báo trước khi thiết lập mối quan hệ hoặc cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng… Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống rửa tiền. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không giám sát đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền…

3. Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10-11-2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; có hiệu lực thi hành từ ngày 25-12-2014.

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Nghị định này gồm các đối tượng: Hộ gia đình, cộng đồng dân cư; cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất đai hoặc trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai. Tổ chức, cá nhân được áp dụng quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật không thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

Hình thức xử phạt chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 09 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Khung phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng cho cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18, 19, Khoản 3 Điều 21, Điều 22, Điều 23, Khoản 2 Điều 25, Điều 26 và Điều 30 của Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng cho tổ chức.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hành vi vi phạm thì được áp dụng xử lý như đối với cá nhân; cơ sở tôn giáo có hành vi vi phạm thì được áp dụng xử lý như đối với tổ chức.

Thẩm quyền phạt tiền quy định tại các Điều 31, 32 và 33 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân…

Thy Lan

(Báo Nhân dân)

;
.