Một số điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Thứ Ba, 25/11/2014, 15:06 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 20-11-2014, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thông qua dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). So với Luật bảo hiểm xã hội cũ, Luật mới quy định theo hướng mở rộng hơn đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cũng như nâng cao chất lượng chính sách bảo hiểm xã hội, tiếp tục tạo cơ hội mạnh mẽ hơn cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức được tiếp cận chính sách, bảo đảm an sinh cho mình và xã hội; hoàn thiện nguyên tắc đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, mang ý nghĩa đoàn kết chia sẻ trong cộng đồng, là sự bảo đảm thay thế cho người lao động nhằm giải quyết những rủi ro trong cuộc sống khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động. Cụ thể:  
Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội:
Bổ sung quy định người lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn một đến dưới ba tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp có giao kết hợp đồng bằng văn bản.
 Bổ sung quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có sự hỗ trợ của Nhà nước trong phạm vi hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong đó Nhà nước đóng 14%, người lao động đóng 8%.
Quy định mang tính nguyên tắc việc Nhà nươc có chính sách hỗ trợ cho nông dân, lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và giao Chính phủ căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quyết định mức hỗ trợ phù hợp. 
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII
Về chế độ hưu trí:
Về điều kiện hưởng lương hưu, bổ sung nhóm lao động nữ là người hoạt động chuyên trách, không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu, vì hiện nay cán bộ nữ ở xã, phường, thị trấn khi đủ 55 tuổi đã có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội khó có điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định chung. 
Về mức lương hưu hàng tháng, từ ngày 01-01-2016 đến trước ngày 01-01-2018, mức lương hưu của người đủ điều kiện theo Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lượng tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì được tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ, nhưng tối đa không quá 75%. Từ ngày 01-01-2018, mức lương hưu của người đủ điều kiện theo Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lượng tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Luật này tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ 2020 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Người lao động suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì mức lương hàng tháng được tính theo  cách tính chung nhưng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì giảm 2%.
Về điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội, dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, hướng tới bình đẳng trong công thức tính lương hưu giữa khu vực công và tư, bảo đảm an toàn đối với quỹ an sinh xã hội, Luật mới đã quy định hai lộ trình tính lương hưu trước khi thực hiện đầy đủ mục tiêu đóng - hưởng vào năm 2025, để không tạo sự chênh lệch lớn về lương hưu giữa các thế hệ. Cụ thể: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01-01-1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01-01-1995 đến ngày 31-12-2000, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01-01-2001 đến ngày 31-12-2006, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01-01-2007 đến ngày 31-12-2015, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01-01-2016 đến ngày 31-12-2019, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01-01-2020 đến ngày 31-12-2024, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01-01-2025 trở đi, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Về thẩm quyền thanh tra đóng bảo hiểm xã hội; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội:
Bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Để kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, Luật mới quy định kỳ 3 năm một lần Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội cụ thể; hằng năm Chính phủ phải cáo cáo Quốc hội về việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội và Quốc hội thẩm tra, giám sát các báo cáo này; 3 năm một lần, Kiểm toán Nhà nước phải cáo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán Quỹ bảo hiểm xã hội...
                                                         Đào Tiềm
;
.