Kinh nghiệm về cấp giấy tờ về căn cước công dân của một số nước trên thế giới

Thứ Tư, 23/07/2014, 11:31 [GMT+7]

(BNCTW) - Căn cước là thuật ngữ gắn liền với mỗi công dân, chỉ những điểm về gốc tích, quan hệ thân tộc, đặc điểm nhận dạng, đủ để phân biệt từng cá nhân trong xã hội. Thẻ căn cước, Chứng minh nhân dân, Giấy căn cước, thẻ nhận dạng cá nhân là những tên gọi khác nhau của giấy tờ căn cước công dân (sau đây gọi chung là thẻ căn cước), được chính quyền nhà nước cấp cho mỗi công dân sử dụng vào mục đích nhận dạng, chứng minh danh tính của mỗi cá nhân và các mục đích sử dụng giao dịch, đi lại khác, tùy theo hệ thống quản lý của mỗi quốc gia.

1. Thẻ căn cước công dân và thông tin trên thẻ

Tại hầu hết quốc gia, công dân không muốn công khai nhiều thông tin cá nhân trên thẻ chứng minh, do đó trên thẻ chỉ có những thông tin cá nhân cơ bản, bao gồm nhóm thông tin sau: i) Thông tin cá nhân (họ tên đầy đủ của cá nhân, ngày, tháng năm sinh, quốc tịch, quê quán, địa chỉ thường trú…); ii) Thông tin thẻ căn cước dành cho cá nhân (số căn cước, thời hạn, cơ quan cấp); iii) Đặc điểm nhận dạng cá nhân (đặc điểm nhận dạng riêng biệt, khó thay đổi, dấu vân tay, chiều cao…), iv) Các dữ liệu bảo an….

Ở một số quốc gia khác, các thông tin về tình trạng cá nhân trên thẻ có thể được sử dụng để phục vụ cho các mục đích đa năng của thẻ, do đó được in tương đối chi tiết trên thẻ. Có thể kể đến thẻ căn cước công dân của nước Bỉ, thông tin trên thẻ bao gồm tình trạng hôn nhân (ngoại trừ trường hợp ly dị), tình trạng thể chất bản thân (mù, điếc…).  

2. Quyền và nghĩa vụ cấp thẻ căn cước công dân

Việc sử dụng hay không sử dụng phương thức cấp các giấy tờ căn cước công dân phụ thuộc vào quan điểm, phương thức quản lý của chính quyền và công dân mỗi nước. Một số quốc gia không ủng hộ việc chính quyền cấp thẻ căn cước cho công dân (Úc, Canada, Đan Mạch…). Chính phủ Mỹ và công dân Mỹ xem việc thiết lập thẻ căn cước là một dấu hiệu của một xã hội toàn trị, nên không có thẻ căn cước công dân quốc gia. Ở các quốc gia này, Chính phủ không cấp thẻ căn cước công dân, mà chấp nhận các giấy tờ cá nhân khác như bằng lái xe, hộ chiếu để công dân chứng minh bản thân.

Các quốc gia khác, sử dụng phương thức quản lý công dân qua việc cấp giấy tờ căn cước công dân, ở một độ tuổi nhất định (thường là từ 14 đến 16 tuổi). Một số nước (Hà Lan, Bỉ, Malaysia) là 12 tuổi. Tại Pháp, công dân Pháp có thể yêu cầu cấp thẻ căn cước ở bất cứ độ tuổi nào. Ở Malaysia, kể từ khi sinh ra, mọi đứa trẻ được cấp thẻ Mykid, thẻ này không có ảnh và dấu vân tay. Đến năm 12 tuổi thẻ này sẽ được nâng lên thành thẻ Mykad. Đến năm 18 tuổi, Mykad được thay thế. Ngoài ra còn có các thẻ căn cước khác cấp riêng cho lực lượng quân đội và cảnh sát hoàng gia.

Nghĩa vụ sở hữu và mang theo người thẻ căn cước tùy thuộc vào quy định của Chính phủ mỗi quốc gia. Phần lớn các quốc gia cấp thẻ căn cước công dân đều bắt buộc việc mang theo thẻ căn cước (Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…), một số nước quy định thẻ căn cước là giấy tờ duy nhất cho phép nhận dạng cá nhân trong mọi trường hợp; thậm chí phạt tù nếu không xuất trình được thẻ (trường hợp có những tình tiết phạm tội, chống đối). Tuy nhiên, ở những nước khác (Ý, Singapore…), quy định bắt buộc nghĩa vụ sở hữu thẻ căn cước nhưng không quy định bắt buộc nghĩa vụ mang chứng minh theo người.

3. Mục đích sử dụng thẻ căn cước công dân

Thẻ căn cước có mục đích chính là giúp xác định đặc điểm và nhận dạng nhân thân của một con người cụ thể. Ngoài ra, nó còn có thể được ứng dụng vào các mục đích khác nhau: tạo điều kiện cho việc đi lại, giao dịch của công dân; tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về công dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ điều tra và góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm… Đặc biệt một số quốc gia sử dụng công nghệ thông tin tích hợp thông tin và hệ thống nhận dạng sinh trắc học tiên tiến ứng dụng thẻ căn cước vào nhiều tiện ích khác nhau. Điển hình tại Châu Á là Malaysia, thẻ Mykad cấp cho công dân Malaysia tích hợp 4 thẻ bao gồm căn cước, bằng lái xe, thông tin hộ chiếu và thông tin sức khỏe. Chưa dừng lại ở đó, Mykad còn được cải tiến tích hợp thêm 4 thông tin điện tử khác là: ví điện tử, truy cập ATM, ứng dụng dùng để di chuyển (chạm và đi) và PKI (sử dụng để giao dịch điện tử). Mykad được sử dụng như ví điện tử để thanh toán những khoản tiêu dùng nhỏ và cũng được sử dụng để giao dịch với cơ quan chính phủ. Nó cũng được sử dụng như là thẻ ATM cho phép có tài khoản tại 3 ngân hàng, được sử dụng để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng như là thanh toán tiền mặt không hủy ngang, thanh toán và chuyển tiền. Nó được sử dụng để trả tiền vé xe bus, tàu điện ngầm, phí đỗ xe, cầu phà, điện thoại công cộng. Hoặc thực hiện các giao dịch điện tử nộp, hoàn thuế, giao dịch ngân hàng trực tuyến và gửi thư điện tử an toàn Mykad được tích hợp và xác thực tại cơ sở dữ liệu mà chỉ có chủ sở hữu thẻ và các cơ quan chức năng có liên quan mới được quyền truy cập, đăng nhập thông tin.

Ở Thái Lan, thẻ được sử dụng như mã số thuế. Một số quốc gia phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, thẻ căn cước thông minh được sử dụng như thẻ đa năng, cũng cho phép ứng dụng trong các dịch vụ công cộng, hành chính, xã hội… Xu hướng này đang mang lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng và nhà quản lý, do đó, các nước đang có xu hướng công nghệ hóa loại thẻ căn cước để ứng dụng đa dạng hóa mục đích sử dụng của thẻ căn cước.

4. Thủ tục cấp căn cước

- Cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ: Thông thường cơ quan có thẩm quyền cấp là cơ quan đăng ký trung ương hoặc chính quyền địa phương: văn phòng đăng ký quốc gia (Bỉ), văn phòng đăng ký về dân cư quốc gia (Phần Lan), hoặc cũng có những nước nơi tiếp nhận hồ sơ có thể là hai cấp có thẩm quyền nêu trên nhưng cơ quan có thẩm quyền cấp thường là các Bộ quản lý trực tiếp thuộc Chính phủ (Bộ Nội vụ hoặc Bộ Công an: Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…)

- Điều kiện cấp thẻ: Hầu hết các nước đều quy định hai điều kiện chính để được cấp thẻ chứng minh là cá nhân phải có quốc tịch và địa chỉ thường trú tại quốc gia đăng ký.

- Thủ tục cấp: Pháp luật các nước quy định chi tiết trình tự cấp thẻ công dân. Thông thường quy trình này có xu hướng giản tiện để thuận tiện cho công dân nhưng cũng được quy định chặt chẽ để hạn chế tối đa trường hợp giả mạo, làm giả các giấy tờ căn cước công dân.

Cơ quan và người có thẩm quyền cấp cũng có thể linh hoạt cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của công dân. Pháp luật của Pháp là trường hợp điển hình quy định chi tiết, chặt chẽ và tạo điều kiện cho công dân. Pháp quy định thẻ chứng minh do tỉnh trưởng hoặc quận trưởng nơi cư trú cấp. Trường hợp công dân ở nước ngoài, có thể yêu cầu và được trưởng đại sứ cấp. Điều kiện và thủ tục cấp chứng minh tập trung vào việc chứng minh công dân có quốc tịch Pháp và có chỗ ở hợp pháp tại Pháp.

Về yêu cầu chứng minh về nơi ở thực hiện thông qua việc xuất trình giấy tờ sở hữu nhà, các giấy tờ khác chứng minh việc cư trú tại địa chỉ đó: giấy cấp mã số thuế, giấy tờ điện nước, điện thoại. Trường hợp không thể chứng minh thông qua các giấy tờ trên, có thể sử dụng giấy chứng nhận nơi ở có xác nhận của Trung tâm các vấn đề về gia đình và xã hội và xuất trình cho tỉnh trưởng hoặc quận trưởng. Hồ sơ được gửi cho thị trưởng nơi cư trú và sẽ được chuyển tới tỉnh trưởng hoặc quận trưởng tùy nơi cư trú để họ làm thẻ và gửi lại cho thị trưởng để chuyển tới người có đề nghị cấp thẻ.

Khi đề nghị cấp mới thẻ chứng minh, người đề nghị cấp thẻ cần phải chứng minh tình trạng dân sự và quốc tịch của mình thông qua hộ chiếu hoặc giấy khai sinh (khi không có hộ chiếu), giấy đăng ký kết hôn (khi không có giấy khai sinh). Trường hợp mà các giấy tờ trên không đủ chứng minh, có thể sử dụng các giấy tờ khác theo quy định về quốc tịch để chứng minh người đó sở hữu quốc tịch Pháp hoặc các hình thức chứng minh khác về việc đã sở hữu quốc tịch Pháp từ 10 năm. Quy định này vừa cụ thể, vừa có tính chất mở cho phép công dân có thể vận dụng các chứng cứ khác để chứng minh việc mình là công dân Pháp.

Công dân Pháp được đề nghị cấp đổi trong các trường hợp: Theo quy định pháp luật về hộ chiếu, kiểm tra thông tin và bị mất, mất cắp, hỏng. Ngoài ra, khi làm thủ tục cấp chứng minh, người yêu cầu cấp sẽ phải thực hiện in dấu vân tay và dấu vân tay này sẽ được lưu giữ tại cơ quan quản lý về căn cước và chỉ được sử dụng trong trường hợp:

- Phát hiện có trường hợp sử dụng danh tính của người khác

- Nhận dạng đối tượng tham gia tố tụng.

Pháp luật một số nước như Malaysia có quy định giới hạn số lần được phép thay thế thẻ là 4 lần. Nếu tới lần thứ 5, đối tượng này có thể bị cảnh sát điều tra.

- Thời hạn cấp thẻ: Thời hạn của thẻ tùy theo độ tuổi, tối thiểu là 5 năm và có thời hạn vĩnh viễn đối với thẻ cấp cho người có độ tuổi từ 70-75 trở lên. Các quy định về thời hạn thẻ còn cho thấy một những nước quy định cứng chủ thẻ không được thay đổi thông tin trên, có những nước cho phép khi thay đổi địa chỉ thường trú. Một số nước sử dụng công nghệ hiện đại tiên tiến như là Malaysia, trên thẻ có chip điện tử mà bản thân người sở hữu thẻ có thể cập nhật thông tin khi có thay đổi về địa chỉ thường trú và các thông tin khác trên thẻ. Ở Tây Ban Nha còn quy định thời hạn cho cả đối tượng tàn phế và tâm thần.

Phương Thảo

;
.