Vài nét về Luật biển Việt Nam

Thứ Tư, 21/05/2014, 15:25 [GMT+7]

(BNCTW) - Luật biển Việt Nam được Quốc hội khoá XIII, Kỳ họp thứ ba thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013. Đây là văn bản pháp lý thể hiện ý chí của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta về quy chế pháp lý của các vùng biển Việt Nam, làm cơ sở phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Luật biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, quy định về đường cơ sở, vùng biển Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Về đường cơ sở

Đường cơ sở là căn cứ quan trọng cho việc xác định ranh giới của lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, liên quan trực tiếp đến chủ quyền đối với biên giới, lãnh thổ quốc gia của nước ta. Luật biển Việt Nam xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Về cơ bản, đường cơ sở của nước ta đã được xác định trong Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1982, trước khi Công ước Luật biển quốc tế năm 1982 có hiệu lực. Để đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ, Luật cũng quy định ở những khu vực chưa có đường cơ sở, Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn...

Về vùng biển Việt Nam

Luật biển Việt Nam quy định vùng biển Việt Nam bao gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Cụ thể:

- Nội thuỷ là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

 Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thuỷ như trên lãnh thổ đất liền. Tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài chỉ được đi vào nội thuỷ, neo đậu tại một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu trong nội thuỷ hoặc công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam ở bên ngoài nội thuỷ Việt Nam theo lời mời của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thoả thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với quốc gia mà tàu mang cờ. Tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài khi ở trong nội thuỷ, cảng, bến hay nơi trú đậu trong nội thuỷ hoặc các công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam ở bên ngoài nội thuỷ Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác và phải hoạt động phù hợp với lời mời của Chính phủ Việt Nam hoặc thoả thuận với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Trong nội thuỷ Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch trừ trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ. Tổ chức, cá nhân và tàu thuyền khi ở trong các cảng, bến hay nơi trú đậu trong nội thuỷ hay trong công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam ở bên ngoài nội thuỷ Việt Nam chỉ được tiến hành thông tin liên lạc theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. Trong nội thuỷ Việt Nam, Nhà nước có đặc quyền trong việc thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn hoặc nguy hiểm cần sự cứu giúp, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác…

Luật biển Việt Nam được Quốc hội khoá XIII, Kỳ họp thứ ba thông qua ngày 21/6/2012
Luật biển Việt Nam được Quốc hội khoá XIII, Kỳ họp thứ ba thông qua ngày 21/6/2012

- Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý (gần 24 km) tính từ đường cơ sở ra phía biển. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Riêng đối với vùng nước lãnh hải không phải tuyệt đối như chủ quyền đối với vùng nước nội thuỷ vì tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải.

Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hoà bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam...

Việc đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam là:

 + Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thuỷ Việt Nam, không neo đậu lại trong một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thuỷ Việt Nam, hoặc đi vào hoặc rời khỏi nội thuỷ Việt Nam hay đậu lại hoặc rời khỏi một công trình cảng bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thuỷ Việt Nam.

+ Việc đi qua lãnh hải phải liên tục và nhanh chóng, trừ trường hợp gặp sự cố hàng hải, sự cố bất khả kháng, gặp nạn hoặc vì mục đích phải cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn.

+ Không tiến hành bất kỳ một hành vi nào sau đây: đe doạ hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đe doạ hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền; bốc, dỡ hàng hoá, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh; cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; đánh bắt hải sản trái phép; nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công rình khác của Việt Nam; tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

Khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về: an toàn hàng hải và điều phối giao thông đường biển, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông; bảo vệ thiết bị và hệ thống bảo đảm hàng hải, thiết bị hay công trình khác; bảo vệ đường dây cáp và ống dẫn; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; hoạt động đánh bắt, khai thác và nuôi trồng hải sản; gìn giữ môi trường biển, ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển và đo đạc thủy văn; hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh.

Chính phủ quy định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải. Tàu thuyền nước ngoài chở dầu hoặc chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hay nguy hiểm khi đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam có thể bị buộc phải đi theo tuyến hàng hải quy định cụ thể cho từng trường hợp.

Trong lãnh hải Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch trừ trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền tiến hành các biện pháp để bắt người, điều tra đối với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền nước ngoài sau khi rời khỏi nội thuỷ và đang đi trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải Việt Nam nhưng không phải ngay sau khi rời khỏi nội thuỷ Việt Nam, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền tiến hành bắt người, điều tra trong các trường hợp sau: hậu quả của việc phạm tội ảnh hưởng đến Việt Nam; việc phạm tội có tính chất phá hoại hoà bình của Việt Nam hay trật tự trong lãnh hải Việt Nam; thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu thuyền mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; để ngăn chặn hành vi mua bán người, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có thể áp dụng các biện pháp bắt giữ hay xử lý tàu thuyền nước ngoài nhằm mục đích thực hiện quyền tài phán dân sự nếu tàu thuyền đó đang đậu trong lãnh hải hoặc đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thuỷ Việt Nam…

- Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý (khoảng 24 km) tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉđược tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển được thực hiện theo như quy định đối với thềm lục địa.

 - Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý (khoảng 400km) tính từ đường cơ sở.

Chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế, tương tự như chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải, trừ một số quyền như: quyền tự do hàng hải quyền kiểm soát nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh có thể xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong các vùng biển phía trong của nước ta. Ngoài ra, theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN với Trung Quốc, các bên đã cam kết tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông theo quy định của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982. Theo đó, Luật biển Việt Nam cũng quy định theo hướng, tàu thuyền của mọi quốc gia đều được quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tàu bay của mọi quốc gia đều được tự do bay trên vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động: đe đoạ chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép; khai thác trái phép dòng chảy, năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật khác; xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo; khoan, đào trái phép; tiến hành nghiên cứu khoa học trái phép; gây ô nhiễm môi trường biển; cướp biển, cướp có vũ trang; các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế…

- Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét.

Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên. Đây là đặc quyền của Nhà nước, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đăng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

Tổ chức, cá nhân được thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng thềm lục địa Việt Nam và cũng không được tiến hành các hoạt động giống như quy định đối với vùng đặc quyền kinh tế.

- Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Quần đảo là một tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chễ với nhau.

Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được xác định như quy định đối với phần lãnh thổ đất liền.

Chế độ pháp lý đối với vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được thực hiện theo như quy định đối với vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của lãnh thổ đất liền.

Ngoài ra, Luật biển Việt Nam còn quy định: Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần biển, phát triển kinh tế các huyện đảo; có chính sách ưu đãi để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của dân cư sinh sống trên các đảo. Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác tiềm năng và thế mạnh phát triển trên các đảo. Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tăng cường hoạt động ngư nghiệp và các hoạt động khác trên biển, đảo; bảo vệ hoạt động của nhân dân trên biển, đảo. Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều quốc tế khác mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam; tàu thuyền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tạm giữ. Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.

                                                                         Đào Tiềm

;
.