Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân của một số nước

Thứ Hai, 28/07/2014, 09:54 [GMT+7]
(BNCTW) - Không phải nước nào cũng có cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân. Điều này xuất phát từ việc cấp giấy tờ căn cước công dân được thực hiện ngay tại địa phương, do đó, mỗi địa phương đều có cơ sở dữ liệu riêng về công dân tại địa phương mình mình. Mặt khác, có nhiều nước tồn tại nhiều loại thẻ khác nhau, mỗi nước yêu cầu thông tin cá nhân với mức độ khác nhau, những thông tin này, ngoài các thông tin về nhận dạng sinh trắc học là khó thay đổi được, thì những thông tin khác đều thay đổi được.
Tuy nhiên phải khẳng định rằng, việc xây dựng được cơ sở dữ liệu về căn cước thống nhất, duy nhất sẽ tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về căn cước công dân, hạn chế được các hiện tượng về giả mạo căn cước công dân, làm giả giấy tờ căn cước công dân, phát hiện các trường hợp tội phạm, phục vụ công tác điều tra, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.  Do đó, rất nhiều quốc gia đã ứng dụng và nâng cấp công nghệ để lưu trữ các dữ liệu về căn cước công dân, tích hợp điện tử thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về căn cước công dân quốc gia.
1. Thông tin trong cơ sở dữ liệu về căn cước công dân
Ngoài các thông tin cơ bản như: Thông tin cá nhân (họ tên đầy đủ của cá nhân, ngày, tháng năm sinh, quốc tịch, quê quán, địa chỉ thường trú…); thông tin thẻ căn cước dành cho cá nhân (số căn cước, thời hạn, cơ quan cấp) và đặc điểm nhận dạng cá nhân (đặc điểm nhận dạng riêng biệt, khó thay đổi, dấu vân tay, chiều cao…), một số nước còn yêu cầu và lưu giữ thông tin của người thân thích, đại diện pháp lý của các cá nhân đó. 
Tại Pháp, các thông tin sau được lưu giữ: Thông tin nhìn thấy cùng thông tin tích hợp trong thẻ; loại/tình trạng giấy tờ hộ tịch xuất trình để nhận được thẻ với chỉ dẫn về ngày tháng và cơ quan cấp phép; thông tin liên quan đến ngày tháng và nơi nhận hồ sơ, ngày nhận yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, ngày nhận cơ quan chế tạo, ngày xuất thẻ, ngày nhận thẻ chủ thẻ; đối với trẻ vị thành niên và người còn ở độ tuổi cần giám hộ, còn có chữ ký của người có tư cách đại diện theo pháp luật và các chỉ dẫn về tình trạng giấy tờ cần chứng minh để xuất trình. Trường hợp mất thẻ, các dữ liệu nêu trên sẽ được ghi nhớ lại trong một phiếu riêng. Thông tin chứa đựng tại cơ sở quản lý dữ liệu có thể được lưu giữ trong khoảng thời gian 15 năm. 
Tại Malaysia, trong thẻ MyKad tích hợp đầy đủ các thông tin bao gồm gốc gác, tôn giáo, dấu vân tay, mã bỏ phiếu và ngày đăng ký bầu cử, mã trích lục tội phạm, nơi bị hạn chế cư trú, lỗi lái xe và các thông tin sức khỏe.
2. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về căn cước công dân
Các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ căn cước công dân thường là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về căn cước công dân. Thông thường có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về căn cước công dân là Bộ Công an hoặc Bộ Nội vụ và các Bộ ngành khác quản lý về khoa học, công nghệ, thông tin.
Tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ được phép tạo ra hệ thống chế tạo thẻ căn cước an toàn và quản lý các thẻ này bằng công nghệ thông tin. 
3. Truy cập và sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu về căn cước công dân
Tại Pháp, các dữ liệu được sử dụng và truy cập với các mục đích như:  Cho phép chủ thẻ chứng minh danh tính của mình trong trường hợp cần thiết và theo điều kiện quy định pháp luật hiện hành; tạo điều kiện cho cảnh sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và kiểm tra danh tính của công dân, nhất là trường hợp vượt biên; phục vụ cho công việc khác của cảnh sát cũng như hoạt động của Bộ quốc phòng trong việc thực hiện công tác phòng chống khủng bố và bảo đảm an ninh, trật tự, kiểm soát vùng biên giới. 
Những dữ liệu mang tính cá nhân lưu giữ trong cơ sở dữ liệu quản lý thông tin không được phép truy cập bởi người thứ ba. Ngoại lệ có một số trường hợp và chỉ một số đối tượng được phép truy cập một số loại thông tin nhất định như sau: 
- Trường hợp thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố và bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ biên giới, những cơ quan sau có thể truy cập dữ liệu đăng ký: (1) Cơ quan thực hiện nhiệm vụ của Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia và Tổng giám đốc chịu trách nhiệm phòng chống khủng bố; (2) Cơ quan thực hiện nhiệm vụ của Bộ quốc phòng chịu trách nhiệm phòng chống hoạt động khủng bố. 
- Trường hợp tra cứu thẻ dữ liệu của cá nhân tìm kiếm và dữ liệu thẻ bị mất, đánh cắp do công chức cơ quan cảnh sát, hiến binh, quân đội quốc gia với tư cách là công chức hoặc cán bộ tư pháp thực hiện. Trong trường hợp này, cảnh sát tùy theo yêu cầu của nhiệm vụ kiểm tra thẻ căn cước hoặc phục vụ mục đích truy tìm tội phạm hình sự, nhận thông tin, trao đổi từ cơ quan đăng ký về các vụ mất, trộm thẻ căn cước được phép truy cập thông tin giới hạn tại thông tin về họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số căn cước.
Tại Malaysia, thông qua số chứng minh, có thể truy cập và thu nhận tất cả loại thông tin về cá nhân nếu người sử dụng thiết bị chấp nhận thẻ có quyền truy cập thông tin đó. MyKad có thể được sử dụng để nhận và hợp nhất thông tin về cá nhân diễn ra tại cơ sở dữ liệu máy tính không có kết nối đặt ở quanh thành phố. Chủ thẻ có thể truy cập các thông tin cá nhân với thẻ Mykad tại quầy hoặc văn phòng chính phủ, sau khi xác thực dấu vân tay của họ. Việc người khác truy cập thông tin cá nhân được thực hiện theo trật tự và chia theo từng lĩnh vực. 
Thái Lan cũng là nước có cơ sở dữ liệu về công dân. Kể từ năm 2005 đã có ý tưởng về việc xây dựng cơ sở dữ liệu trao đổi trong khuôn khổ tăng cường khả năng thực hiện điện tử hóa chính phủ. Chương trình này do Bộ Thông tin và Công nghệ (Bộ TT-CNTT) thông thực hiện và yêu cầu tất cả cơ quan chính phủ phải thực hiện. Tuy nhiên, Bộ TT-CNTT không phải là cơ quan trung tâm phát triển cơ sở trao đổi trên diện rộng cho tất cả cơ quan trực thuộc Chính phủ, mà chỉ đóng vai trò khuyến khích và đưa ra khuyến nghị cho các cơ quan đang theo chương trình chính phủ điện tử. Chuẩn về quy trình dữ liệu cũng do Bộ TT-CNTT đề xuất, nhưng Bộ TT-CNTT không có quyền yêu cầu các cơ quan chia sẻ dữ liệu với cơ quan khác. 
Theo Luật đăng ký dân sự, Cơ quan đăng ký dân sự trực thuộc Bộ Nội vụ, lưu giữ hầu hết thông tin cá nhân của công dân Thái Lan, không chia sẻ dữ liệu cho bất cứ cơ quan nào trừ Bộ Ngoại giao (trong trường hợp nhận dạng hộ chiếu) và Cảnh sát Hoàng gia (khi thực hiện điều tra và phòng chống tội phạm). Ngoài ra, còn có hệ thống cơ sở dữ liệu khác là hồ sơ tội phạm do Vụ lưu trữ hồ sơ tội phạm thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái lan quản lý. Ngoại trừ cơ quan thẩm quyền có liên quan đến công tác điều tra, luật chỉ cho phép chủ hồ sơ được yêu cầu cơ quan lưu trữ cấp nhận dạng bằng ngón tay trỏ để chỉ dẫn trong trường hợp người yêu cầu có hồ sơ phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức yêu cầu người xin việc cấp nhận dạng bằng ngón tay trỏ nhằm loại bỏ đối tượng phạm tội.
4. Quản lý và bảo mật dữ liệu tại cơ sở dữ liệu về căn cước 
Hầu hết các nước có quy định về cơ sở dữ liệu căn cước công dân đều có các quy định cụ thể về chế tài và xử phạt trong trường hợp công bố, truy cập, sử dụng dữ liệu về căn cước công dân trái pháp luật. Tùy theo tính chất lỗi và mức độ hậu quả gây ra sẽ quy định hình thức xử phạt và định tội phù hợp. Thông thường các quy định này được quy định chung tại văn bản pháp luật về dân sự, bảo mật thông tin cá nhân hoặc các tại chính các văn bản quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Hầu hết các nước ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về căn cước công dân, tạo thuận tiện cho việc nhập dữ liệu, liên kết dữ liệu, truy cập dữ liệu. Để ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu trái phép và vào các mục đích tội phạm, nhiều nước sử dụng phần mềm hỗ trợ có tính bảo an cao với quy trình chặt chẽ, được kiểm tra ngặt nghèo để thực hiện bảo mật các dữ liệu căn cước công dân. Điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, nên mỗi quốc gia có giải pháp khác nhau. Giải pháp hiện nay được tới 450 tổ chức sử dụng có tên gọi là Morpho là một trong giải pháp đem lại hiệu quả cao được biết đến.
Như vậy, thực tiễn quản lý và các quy định pháp luật các quốc gia về căn cước công dân cho thấy hình thức quản lý căn cước công dân qua cấp thẻ căn cước là phổ biến. Việc cấp cho mỗi cá nhân sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho người dân cũng như mang lại hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cần phải tính toán đến trường hợp giả mạo thẻ, giả mạo và lợi dụng danh tính của người khác, thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, xu hướng thể giới ứng dụng và sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến có khả năng bảo mật và bảo an cao để hạn chế các trường hợp nêu trên.
Khi cấp thẻ căn cước cho mỗi công dân, cần thiết phải thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về căn cước công dân. Nên sử dụng thống nhất trong quốc gia, có sự chia sẻ giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền để quản lý nhưng vẫn phải bảo đảm tính bảo mật thông tin và bảo đảm quyền của mỗi công dân. Việc thiết lập hệ thống cơ sở này cũng được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghê hiện đại và cần thiết được trang bị đúng cho cơ quan có thẩm quyền, chức năng quản lý về căn cước công dân.
Nguyễn Phương Thảo
;
.