Điều 258 của Bộ Luật hình sự năm 1999 và chính sách hình sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ Bảy, 28/06/2014, 07:06 [GMT+7]
Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS năm 1999) được Quốc hội nướcCộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam thông qua ngày 21-12-1999. Tuy nhiên các điều, khoản của Bộ luật này dựa trên cơ sở pháp điển hóa các văn bản pháp luật hình sự từ trước đến thời điểm đó, trong đó có BLHS năm 1985. Điều này cũng có nghĩa, BLHS năm 1999 đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc “chiến tranh lạnh” đã kết thúc, các thế lực thù địch đẩy tới chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với các nước đi theo con đường XHCN, trong đó có nước ta. 
Trong những năm qua, các tổ chức chính trị thù địch đã tăng cường các thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, tạo dựng dư luận quốc tế cô lập Việt Nam. Tương tự như “kẻ tung, người hứng”, ở trong nước người ta thúc đẩy các lực lượng chống đối, các trang mạng tự xưng là “chiến sỹ” đấu tranh cho “dân chủ” và “nhân quyền”, phá hoại sự ổn định chính trị ở Việt Nam. Về hình thức, tuy các lực lượng chống phá có khác nhau, song về nội dung chủ yếu vẫn là cường điệu hóa những sai lầm, khuyết điểm của Đảng và Nhà nước ta trong quá khứ, những khó khăn trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, tình trạng quan liêu, tham nhũng, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên. 
Những năm gần đây người ta còn trắng trợn đòi Nhà nước ta phải hủy bỏ nhiều điều luật quan trọng liên quan đến các tội phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng trong BLHS. Trong những đòi hỏi đó có Điều 88 (về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Điều 79 (tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 258 (tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân). 
Cách đây không lâu, dựa trên thông tin Nhà nước ta chính thức thông báo với cộng đồng quốc tế, Việt Nam tham gia ứng cử vào Hội đồng nhân quyền khóa 2014-2016, một nhóm chống đối đã mưu toan cản trở Việt Nam tham gia Hội đồng nhân quyền. Họ đã ra “Tuyên bố 258”, đòi “Chính quyền Việt Nam và Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc xem xét lại Điều 258 của BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009”. Họ vu cáo: “Chính quyền Việt Nam đã sử dụng Điều 258 để bắt giam những người đi phân phát bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, bắt giam những người viết blog bộc lộ chính kiến của họ, “yêu cầu (chính quyền) Việt Nam thực hiện các cam kết về nhân quyền”, Việt Nam không xứng đáng là thành viên của cơ quan bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc…
Vậy, sự thật về những “hành vi vi phạm nhân quyền” của Nhà nước Việt Nam như thế nào? Cơ sở chính trị và pháp lý mà người ta lấy làm chỗ dựa để đòi hủy bỏ Điều 258 là gì?
Trước hết phải nói rằng, nếu những ai chỉ muốn giới thiệu bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” thì họ không phải mất công làm cái việc “Dã ngoại nhân quyền”. Vì bản Tuyên ngôn này sẵn có trên mạng. Thực chất cái gọi là “Dã ngoại nhân quyền” là một hình thức xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền; là vận động, tập hợp, “rèn luyện” lực lượng chính trị chống đối chế độ và đương nhiên điều này là mầm mống của bất ổn xã hội. Còn những người viết blog bị bắt thì sao? Theo số liệu công bố cuộc khảo sát mới nhất của WeAreSocial, một tổ chức có trụ sở chính ở Anh nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu vào tháng 10-2012. Kết quả cho thấy, ở Việt Nam hiện có tới 30,8 triệu người sử dụng Internet. Trong số đó hẳn có tới hàng triệu blogger. Nếu như những người viết blog bị bắt thì không hiểu Việt Nam có đủ nhà tù cho họ? Trên thực tế những blogger bị bắt, xét xử, cầm tù vì họ đã vi phạm quy định của pháp luật, trong đó có Điều 79, Điều 88 và Điều 258 BLHS năm 1999.
Chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam không có gì khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới. Đó là, bảo đảm ổn định xã hội trên các mặt, nhất là về chính trị; bảo vệ thành quả của cách mạng; bảo vệ các quyền công dân và quyền con người; duy trì trật tự, kỷ cương trên tất cả các mặt của đời sống. Chính sách đó còn nhằm chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm với phương châm: Giáo dục, phòng ngừa là chính, kết hợp với răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, đề cao tính nhân đạo. Nguyên tắc xử lý tội phạm là nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, người phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người tự thú, thật thà khai báo. Là một thành viên của Liên hợp quốc, chính sách hình sự của Việt Nam luôn tôn trọng nghĩa vụ tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Dựa trên chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước, các Điều 79, 88, 258 của BLHS đã phản ánh những đòi hỏi khách quan của cách mạng trong bối cảnh tội phạm đã có những diễn biến mới sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Chiến lược chống phá của các thế lực thù địch dựa trên thủ đoạn chiến tranh “không khói súng”, thủ đoạn “ôn hòa”, “bất bạo động”. Đương nhiên chiến lược đó không loại trừ bạo loạn, lật đổ chế độ bằng bạo lực như đã từng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.
Điều 88 BLHS năm 1999 quy định về “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” không nhằm chống lại quyền tự do ngôn luận của người dân mà nhằm, một mặt nghiêm trị những hành vi tuyên truyền có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mặt khác chủ động phòng ngừa các hành vi tương tự gây tổn hại đến Nhà nước và chế độ xã hội. 
Điều 258 BLHS năm 1999, quy định về “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” cũng không nhằm chống lại quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân mà một mặt, nghiêm trị những hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; mặt khác, chủ động phòng ngừa những hành vi tương tự gây tổn hại đến Nhà nước và chế độ xã hội. Trong khái niệm tội phạm của BLHS năm 1999, không loại trừ cái gọi là những hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo động”. Khái niệm tội phạm trong Bộ luật này quy định, đó là “những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS,… thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa” (Chương III - Tội phạm).
Thực tế đời sống chính trị trên thế giới cho thấy: Những bất ổn về chính trị, bạo loạn, lật đổ nhà nước hợp pháp thường bắt đầu từ những hành vi “ôn hòa”, “bất bạo động”. Và gần đây thường bắt đầu từ những kết nối thông tin thất thiệt trên mạng internet. Đối với Việt Nam, trong nhiều vụ án bị xét xử theo các Điều 79, 88 và Điều 258 BLHS năm 1999, nhiều bị can, bị cáo đã thừa nhận trước Tòa họ đã từng được đưa ra nước ngoài để đào tạo về phương pháp hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo động”. Họ cũng đã thừa nhận có mối liên hệ với tổ chức chính trị chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam và tổ chức khủng bố “Việt Tân”, hoặc tổ chức “Fulro” lưu vong. Bởi vậy, những luận điệu tuyên truyền Điều 88, Điều 258 là những quy định “mù mờ”, là “vi phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí được quy định trong Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966” là vô lối. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị quy định rằng: “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai có quyền can thiệp. Mọi người có quyền tự do ngôn luận”, “việc thực hiện những quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt… do đó, phải chịu một số hạn chế theo luật định, để: Tôn trọng các quyền và uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”(1). Như vậy, Điều 88, Điều 258 BLHS năm 1999, quy định về các tội phạm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia là hoàn toàn phù hợp với Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.  Có thể nói, cho đến nay Việt Nam đã nội luật hóa nhiều Công ước quốc tế về quyền con người vào hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Cơ sở chính trị, pháp lý của hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam nói chung, các Điều 88, Điều 258 nói  riêng đó là quy định về quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc, được ghi tại Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.
Điều 1 Công ước quy định: “Tất cả các quốc gia đều có quyền dân tộc tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định chế độ chính trị,… tự do phát triển kinh tế, văn hóa…”(2). Theo quy định của Điều này: Các quốc gia, dân tộc có toàn quyền lựa chọn xây dựng chế độ xã hội nào - Chế độ tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa; thể chế “Tam quyền phân lập” hay “phân công, phối hợp có sự  giám sát về quyền lực”; chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo, cầm quyền là do nhân dân tự do quyết định. Điều đó cũng có nghĩa các dân tộc có toàn quyền xây dựng Hiến pháp, hệ thống pháp luật của  mình, trong đó có luật hình sự dựa trên đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội mà nhân dân đã lựa chọn.  Cũng như trước đây, con đường phát triển của dân tộc ta, của chế độ xã hội ta phải do nhân dân ta tự quyết định. Những ảo tưởng áp đặt mô hình dân chủ nhân quyền ngoại nhập, hoặc sử dụng những hành vi phi pháp nhằm thực hiện những ý đồ chính trị đen tối chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả.
(1) Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, H.2002, tr.258, 259. 
(2) Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, sách đã dẫn.

TS. Cao Đức Thái
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

 

;
.