Vụ án tham nhũng tại Công ty Xăng dầu Hàng không: Khó khăn trong xử lý có nguyên nhân từ bất cập của pháp luật

Thứ Tư, 03/10/2012, 16:16 [GMT+7]

Tóm tắt nội dung vụ án như sau:

Công ty Xăng dầu Hàng không (XDHK) là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo Quyết định số 847QĐ/TCCB-LĐ ngày 09/6/1994 của Bộ Giao thông Vận tải, là đơn vị hạch toán độc lập, có chức năng xuất nhập khẩu, kinh doanh và vận tải các loại xăng, dầu, trong quá trình thực hiện chuyển tải đã có các hành vi phạm tội như sau:

Hành vi thỏa thuận nhận 19.832 triệu đồng của Công ty Bảo Anh:

Từ tháng 8/1996 đến tháng 2/1997, Trần Minh - Giám đốc Công ty XDHK, Nguyễn Viết Hoa - Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, Lê Anh Văn - Giám đốc Xí nghiệp thương mại dầu khí hàng không miền Nam (Xí nghiệp TMDKHK) đã thỏa thuận với Lê Tuấn Long - Giám đốc Công ty Bảo Anh để ký hợp đồng chuyển tải 40.577.683 lít dầu DO từ tàu ngoại neo tại Ghềnh Rái - Vũng Tàu lên kho PTSC của Công ty XDHK tại cảng Vũng Tàu. Tỷ lệ hao hụt được hai bên thống nhất ký kết cho chuyển tải toàn phần là 1,2% đến 1,21%  và cước phí chuyển tải là 21 đồng/lít hoặc 20,5 đồng/lít (tùy theo hợp đồng).

Để ký được hợp đồng chuyển tải 40.577.683 lít dầu DO, Lê Tuấn Long đã chủ động thỏa thuận với Lê Anh Văn sẽ đưa lại cho Công ty XDHK 02 đồng/lít;  Văn báo lại cho Hoa và Minh biết, được Hoa, Minh đồng ý.

Thực hiện hợp đồng, từ tháng 8/1996 đến tháng 2/1997 Công ty Bảo Anh đã chuyển tải xong 40.577.683 lít dầu DO và sau từng chuyến chuyển tải Long đã đưa đủ số tiền 02 đồng/lít đúng thỏa thuận cho Văn. Tổng số tiền Văn đã nhận của Long là 80 triệu đồng, Văn chia theo chỉ đạo của Hoa là Văn được hưởng 40% còn giao lại cho Hoa 60% . 

Sau đó, từ tháng 4/1997 đến năm 2003, Cty XDHK đã nhập khẩu khoảng 1,6 tỷ lít dầu DO. Công ty XDHK đã tiếp tục chọn Công ty Bảo Anh để ký hợp đồng chuyển tải và mỗi năm ký một hợp đồng. Trước khi ký hợp đồng Hoa đã cho Long biết số dầu nhập về sẽ chuyển thẳng đi nơi khác (không qua công đoạn lên kho, xuống kho) khoảng 30%. Hai bên đã ký hợp đồng với thoả thuận số lượng chuyển tải toàn phần thì tỷ lệ hao hụt và cước phí chuyển tải như cũ (hao hụt từ 1,2% đến 1,21%; cước phí từ 20,5 đến 21 đồng/lít). Riêng đối với số lượng chuyển thẳng áp dụng tỷ lệ hao hụt chung là 0,9 hoặc 0,99 tùy theo từng hợp đồng. Thực hiện Hợp đồng, Công ty bảo anh đã chuyển tải là 1.001.250.706 lít; chuyển thẳng là 620.064.066 lít.

Việc chuyển thẳng là không trái hợp đồng đã ký, nhưng khác với chuyển tải toàn phần là giảm bớt nhiều khâu bơm, rót, vận chuyển do đó hao hụt, cước phí cũng giảm nhiều, nhưng vẫn được hai bên thỏa thuận thống nhất ký như hợp đồng chuyển tải toàn phần.

 Theo thỏa thuận, sau mỗi chuyến Long đưa lại cho Văn và Hoa theo tỷ lệ 10 đồng/lít, tổng số tiền Văn và Hoa đã nhận của Long là 10đồng x 705.523.333 lít tương đương 7.055 triệu đồng; từ năm 2000 trở đi Văn đã gợi ý Long chi 12 đồng/lít được và đã nhận 10.731 triệu đồng, được ăn chia theo tỷ lệ: Văn được 30%, Hoa và Minh 70%.

Ngoài ra Hoa còn gợi ý Long phải chi tiền cho Phòng kinh doanh của Công ty XDHK, theo tỷ lệ 15 đồng/lít vận chuyển đi Miền Trung và 20 đồng/lít vận chuyển đi Miền Bắc. Lê Mạnh Hà - Kế toán trưởng Công ty XDHK  biết việc mời thầu chuyển tải xăng, dầu hàng năm của Công ty chỉ là hình thức (thực chất là chuyển thẳng) nhưng vẫn chấp nhận vì cứ mỗi tháng hoặc hai tháng Hà lại được Hoa đưa từ 50 đến 70 triệu đồng nói là tiền của Công ty Bảo Anh cho. Tổng số tiền Hà đã nhận là 2,1 tỷ đồng chia cho số người liên quan đến việc thanh toán trong phòng Tài chính - Kế toán.

Tổng cộng số tiền trong các hợp đồng nêu trên, Long đã đưa cho Văn và Hoa là 19.832 triệu đồng. Trần Minh được chia 6,5 tỷ đồng; Nguyễn Viết Hoa được 6,5 tỷ đồng; Lê Anh Văn khai được 6 tỷ đồng và một số bị can khác được chia đã tự khai nhận và nộp cho Cơ quan điều tra 19,8 tỷ đồng.

Hành vi lập chứng từ gian dối để thanh toán cho công ty sân sau:    

Trần Minh, Nguyễn Viết Hoa, Lê Anh Văn góp vốn mỗi người 6 tỷ đồng để thành lập Công ty cổ phần Đông Xuyên chuyên kinh doanh kho chứa và vận tải xăng dầu nhằm mục đích cho Công ty XDHK thuê kho và vận tải.

Từ tháng 01/2003 đến tháng 10/2004 Công ty Cổ phần Đông Xuyên đã ký 03 hợp đồng chuyển tải 405.120.911 lít dầu ZA1 cho Công ty XDHK từ tàu ngoại neo tại cảng biển Ghềnh Rái vào kho Đông Xuyên của Công ty Đông Xuyên tại cảng Vũng Tàu. Xí nghiệp TMDKHK đã thanh toán cho Công ty Đông Xuyên là 18.039.116.450 đồng và hao hụt là 3.991.613 lít dầu ZA1.

Thực tế Công ty Cổ phần Đông Xuyên chỉ phải chuyển tải toàn phần 224.712.550 lít; còn 178.602.477 lít thuê lại Hợp tác xã Mê Kông chuyển tải thẳng đến cảng Vũng Tàu không bơm lên bồn kho, nhưng Xí nghiệp TMXDHK vẫn thanh toán (hao hụt như việc bơm lên bồn kho như chuyển tải toàn phần) cho Công ty Đông xuyên.

Kết quả giám định của Giám định viên Bộ Kế hoạch và đầu tư kết luận thiệt hại là 1.094.541 lít dầu, qui ra tiền là 6.334.659.628 đồng.

Với các hành vi như nêu trên, các Cơ quan tiến hành tố tụng xác định các bị can đã nâng cao tỷ lệ hao hụt,  phí vận chuyển để hưởng lợi, gây thiệt hại tài sản của Công ty XDHKMN, và đã quyết định truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 BLHS, Khoản 3, có mức hình phạt tù cao nhất là 15 năm.

Tuy nhiên kết quả giám định của các giám định viên đã bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời không có giá trị pháp lý. Riêng Bộ Tài chính khẳng định Nhà nước không quản lý về giá đối với nhiên liệu lỏng nên không có cơ sở giám định, do đó các Cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, vụ án phải hoãn xét xử (ngày 18/9/2010) và  nảy sinh 3 loại ý kiến trong việc xử lý vụ án:

Loại ý kiến thứ nhất là: cần phải tiếp tục xác định thiệt hại của vụ án, như khó khăn về giám định nêu trên thì việc này không thể thực hiện được;

Loại ý kiến thứ 2 là: Rõ đến đâu xử đến đó (tức là giám định được phần nào thì xử lý phhàn đó), như vậy sẽ phải trả lại bớt tiền chiếm hưởng bất hợp pháp cho các bị can đã giao nộp cho cơ quan điều tra, việc này sẽ bị dư luận phản đối, khó chấp nhận;

Loại ý kiến thứ 3 là: Khẳng định các bị can có tội, nhưng thời gian xảy ra vụ án đã lâu, đến nay không còn nguy hiểm cho xã hội, các bị can đã nhận thức được sai phạm tự nộp lại tiền bất hợp pháp, nên áp dụng điều 25 và điều 41 của Bộ Luật Hình sự, đình chỉ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị can, tịch thu số tiền 19,8 tỷ đồng thu nhập bất hợp pháp mà các bị can đã nộp.

Ngoài ra, có ý kiến của luật sư bào chữa cho bị can cho rằng Nhà nước không bị thiệt hại, các bị can không phạm tội.

Sau cùng vụ án đã đình chỉ điều tra giải quyết theo ý kiến thứ 3.

Ý kiến khác về việc xử lý vụ án:

Tuy vụ án đã có quyết định xử lý nhưng vẫn còn có quan điểm khác cho rằng việc đình chỉ điều tra là không thỏa đáng, bỏ lọt tội phạm vì:

Đối với hành vi thỏa thuận và nhận tiền 19,8 tỷ đồng của Công ty Bảo Anh:

Ý kiến này cho rằng Cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố các bị can về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là chưa đúng bản chất tội phạm đã xảy ra.

Theo liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án phản ánh việc ký kết hợp đồng chuyển tải 1.640.425.035 lít dầu DO giữa Công ty XDHK với Công ty Bảo Anh là đúng pháp luật thương mại hiện hành. Mặc dù việc ấn định tỷ lệ hao hụt và cước phí chuyển tải đối với 620.064.66 lít dầu chuyển thẳng ở mức cao tối đa nhằm có lợi nhất cho Công ty Bảo Anh, nhưng không trái pháp luật. Do đó không thể qui kết các bị can đã có hành vi làm trái công vụ trong việc áp dụng tỷ lệ hao hụt hoặc cước phí vận tải cao mà chỉ có thể xác định bằng hành vi này, các bị can đã làm lợi cho Công ty Bảo Anh.

Mặt khác lời khai và các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã phản ánh rõ: số tiền 19.832 triệu đồng Long đã đưa cho Văn và Hoa chính là tiền công thực hiện hợp đồng chuyển tải của Công ty Bảo Anh nên nó không còn là tài sản của Công ty XDHK (do đó về vật chất Nhà nước không bị thiệt hại như ý kiến bào chữa của Luật sư). Lê Tuấn Long - Giám đốc Công ty Bảo Anh đã chủ động thoả thuận việc đưa tiền cho  Lê Anh Văn - Giám đốc Xí nghiệp TMDKHK, Nguyễn Viết Hoa - Trưởng phòng kinh doanh Công ty XDHK để được ký hợp đồng; được hưởng tỷ lệ hao hụt cao nhất; được tạo thuận lợi trong thanh toán với mức có lợi nhất và thực tế Long đã được Minh, Văn, Hoa và một số cán bộ ở Công ty XDHK đáp ứng, vì vậy hành vi Long đã cấu thành tội Đưa hối lộ theo Điều 289 Bộ luật Hình sự, Khoản 4 có mức hình phạt cao nhất là tử hình; hành vi của Văn, Hoa và đồng phạm đã cấu thành tội Nhận hối lộ theo Điều 279 Bộ luật Hình sự, Khoản 4, có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Đối với hành vi gian dối lập chứng từ thanh toán cho công ty sân sau:

Như mô tả ở phần trên, các bị can đã có hành vi gian dối (Vận chuyển thẳng, có chi phí vận chuyển và hao hụt ít hơn, nhưng lập chứng từ như vận chuyển toàn phần) để thanh toán cho Công ty (do mình lập ra) chiếm hưởng số dầu hao hụt là 1.094.541 lít, qui ra tiền là 6.334.659.628 đồng. Hành vi của các bị can đã phạm vào tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự, Khoản 4, có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Sở dĩ vụ án nêu trên gặp khó khăn trong việc xử lý có thể có nhiều lý do, song trong đó có lý do quy định của  pháp luật chưa chặt chẽ.

Trong vụ án nêu trên hành vi của các bị can thỏa mãn nhiều dấu hiệu phạm tội ở 3 tội danh Tham ô tài sản (Điều 278), Nhận hối lộ (Điều 279) và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281). Tuy nhiên với các hành vi của các bị can (thỏa thuận, nhận tiền, đáp ứng yêu cầu của người đưa) như nêu trên lẽ ra cần phải khởi tố, truy tố các bị can về tội Đưa hối lộ (Điều 289) và tội Nhận hối lộ (Điều 279) đối với hành vi thỏa thuận, đưa, nhận 19,8 tỷ đồng; và tội Tham ô tài sản (Điều 278) đối với hành vi lập chứng từ gian dối trong thanh toán để chiếm hưởng 6.3 tỷ đồng. Với 2 tội danh này yếu tố hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, vì vậy trong trường hợp vụ án nêu trên không cần thiết phải giám định thiệt hại vẫn đủ căn cứ để xử lý các bị can trước pháp luật, bảo đảm đúng bản chất vụ án.

Nhưng cũng vì các điểm chung giống nhau như đã nêu, nên các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố và truy tố các bị can về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281) mà hậu quả thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm (phải có giám định) cũng không trái luật. Tuy nhiên áp dụng (Điều 281) gặp khó khăn về giám định và dẫn đến khó khăn trong xử lý.

Ngoài ra quy định của luật về giám định tư pháp cũng chưa đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, xử lý tội phạm: Khoản 1 Điều 155 Bộ LTTHS có quy định khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định, như vậy sẽ khó tránh khỏi tình trạng lạm dụng giám định để gỡ tội cho bị can, bị cáo vì vụ lợi, cá nhân, hoặc trưng cầu giám định những trường hợp không cần thiết gây thêm khó khăn cho việc xử lý vụ án.  

Ngoài vụ án xảy ra tai Công ty XDHK là một điển hình, trong số những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong thời gian qua còn có một số vụ án có khó khăn tương tự, Cơ quan tiến hành tố tụng ban đầu khởi tố vụ án và bị can về tội có mức hình phạt cao (tội Nhận hối lộ), và khởi tố nhiều bị can, nhưng sau đó thay đổi tội danh có mức hình phạt thấp hơn (tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn), đình chỉ miễn xử lý hình sự nhiều bị can, do đó có dư luận cho rằng “án tham nhũng tội to co thành bé”.

Qua vụ án nêu trên và một số vụ án về kinh tế, tham nhũng gặp khó khăn vướng mắc, cho thấy các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn thống nhất việc thực hiện các điều luật nói chung, đặc biệt là điều luật về các tội tham nhũng để giảm bớt khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật, phục vụ kịp thời cho công tác đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, mặt khác cần tổng kết đánh giá, chỉnh sửa, bổ xung để pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự được hoàn thiện.

Nguyễn Thế Bình

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.