Vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ

Thứ Năm, 07/06/2012, 10:02 [GMT+7]

Tại phiên tòa sơ thẩm 18/10/2010, Hội đồng xét xử nhận định: đối chiếu toàn bộ chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa, đã xác định có đủ căn cứ kết luận bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ phạm tội Nhận hối lộ được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 279 Bộ luật hình sự và cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng gây hậu quả xấu. Hội đồng xét xử sau khi cân nhắc về nhân thân của bị cáo và nhiều mặt, đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ mức án tù chung thân.

 1. Huỳnh Ngọc Sĩ - những lần mặc cả và nhận tiền

Thỏa thuận đưa và nhận hối lộ để dành được gói thầu tư vấn thiết kế

Sakano Tsuneo, 58 tuổi, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Công ty PCI được giao nhiệm vụ thỏa thuận với Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh để được nhận thầu dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây đã khai nhận trước cơ quan điều tra Nhật Bản:

PCI xác định dự án Đại lộ Đông - Tây là dự án không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước xung quanh cũng hết sức quan tâm, đặc biệt là Bangkok, nơi có con sông lớn ở trung tâm thành phố nếu thực hiện được công trình tại Việt Nam sẽ có khả năng gây ảnh hưởng lớn, cần phải dốc toàn lực của PCI để nhận được thầu dự án này.

Huỳnh Ngọc Sĩ trong ngày xét xử đầu tiên

Khoảng đầu tháng 1/2001, khi nhận được nhiệm vụ, ông Sakano Tsuneo nghĩ rằng Công ty Nippon Koie có thực lực ngang với PCI về mặt kỹ thuật, vì vậy Công ty Nippon Koie là mối đe dọa lớn nhất trong việc cạnh tranh nhận thầu dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây, nếu cạnh tranh xảy ra, có khả năng PCI không thể thắng được Nippon Koie. Mặt khác, tại các nước đang phát triển, việc đưa hối lộ tiền mặt đối với các quan chức cao cấp trong Chính phủ nước ngoài để nhận được các điều kiện thuận lợi như trúng thầu đã trở thành thông lệ ở PCI.

Theo chủ trương của PCI, bằng mọi giá phải giành được hợp đồng gói thầu tư vấn thiết kế.

 “Ông Shimnomura là Trưởng đại diện cũ tại Hà Nội cũng nghĩ giống tôi để loại bỏ Công ty NIPON KOEI và PCI chắc chắn trúng thầu dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây chỉ còn cách đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, ông ấy đã nói: “Muốn kinh doanh dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây chỉ còn cách kinh doanh bí mật với ông Sĩ”. Tôi hiểu là đưa hối lộ cho ông Sĩ.

Sakashita là người đứng ở vị trí chịu trách nhiệm toàn bộ về dự án đã nói với tôi (Tsuneo): “Hãy lấy cho tôi bản tiêu chuẩn đánh giá của PMU từ đó sẽ tạo được kế hoạch đề xuất có hiệu quả để nhận được đáp án trước kỳ thi và chắc chắn sẽ được đánh giá số 1, vì bản tiêu chuẩn đánh giá có ý nghĩa như vậy nên dĩ nhiên là không có chuyện các quan chức nước ngoài của bên chủ dự án đưa ra một cách dễ dàng. Để làm được việc đó cần thiết phải đưa hối lộ bằng tiền mặt, anh có thể đến chỗ ông Sĩ - Giám đốc của PMU thỏa thuận với ông”.

Đầu tháng 2/2001, sau khi nhận được chỉ thị của ông Sakashita, tôi đặt lịch hẹn với ông Sĩ thông qua ông Kindo, sau đó cùng ông Kindo và ông Nguyễn Thanh Hoàng chủ chung cư cao cấp Norfolk (bạn chơi golf với ông Sĩ) gặp nhau tại nhà hàng khách sạn Norfolk. Được ông Kindo cho biết ông Sĩ không giỏi tiếng Anh, nên tôi chọn lựa những tiếng Anh đơn giản với ý nghĩa như:

-  Mong ông hãy giúp đỡ PCI chúng tôi;

-  Tôi muốn thỏa thuận;

-  Cần phải chuẩn bị tiền thù lao cho việc đó;

Tuy nhiên ông Sĩ dường như rất cảnh giác, ông ấy không muốn nói chuyện đó trước mặt người chủ khách sạn, nên đã chia tay và ra về.

Một lúc sau có điện thoại của ông Sĩ gọi di động cho ông Kindo, ông Sĩ nói bằng tiếng Anh với ông Kindo như sau:

- Không được nói với nguời khác

- Sẽ gặp nhau tại nơi khác

Sau đó, khoảng đầu tháng 2/2001, sau khi nhờ Kindo hẹn với ông Sĩ, tôi cùng Kindo đến quán Karaoke gia đình để gặp ông Sĩ, tôi nói tiếng Anh với ông Sĩ bằng các từ đơn giản lặp lại nhiều lần:

- Chúng tôi rất muốn nhận được hợp đồng tư vấn kỳ 1 của dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây và mong muốn sau đó sẽ tạo nhiều điều kiện cho PCI trong thỏa thuận về hợp đồng ....

- Để đạt được điều đó chúng tôi phải trả bao nhiêu?

Ông Sĩ dường như hiểu hết ý đồ của tôi nên đã trả lời ngay: “20% số tiền của hợp đồng”.

Tôi đã dự định là mất khoảng vài phần trăm số tiền hợp đồng, nhưng khi nghe yêu cầu của ông Sĩ tôi thấy số tiền yêu cầu quá cao, tôi đã giải thích để giảm số tiền hối lộ xuống, tuy nhiên dù tôi có giải thích nhiều lần, ông Sĩ vẫn nói là không và nhất định không nhượng bộ.

Tôi tiếp tục nhiều lần giải thích và mong ông Sĩ giảm số tiền hối lộ xuống, ông Sĩ cũng chỉ giảm xuống 15% số tiền hợp đồng và không có ý định giảm xuống hơn nữa.

Sau khi gọi điện báo cho ông Sakashita, ông Sakashita nói số tiền yêu cầu quá lớn, cần phải thương lượng lại.

Vì vậy, sau ngày hôm đó tôi đã đến gặp ông Sĩ để thương lượng lại, ông Sĩ đã giảm xuống 10%, nhưng dù tôi có cố gắng giải thích đến đâu đi nữa thì ông Sĩ cũng chỉ nói 10% và sẽ không giảm hơn nữa.

Sau đó Sakashita đã bàn bạc với cấp trên và nói với tôi: “Chỉ còn cách trả 10% hợp đồng, tuy nhiên sẽ thử gặp ông Sĩ để thương lượng một lần nữa xem sao”.

Khoảng tháng 3/2001, tôi và ông Sakashita đã gặp ông Sĩ tại phòng khách của khách sạn, ông Sakashita nói với ông Sĩ: “10% ông có thể giảm xuống được không” nhưng dù nói thế nào ông Sĩ cũng trả lời không.

Dường như cảm thấy không thể thương lượng được hơn nữa nên ông Sakashita đã trả lời với ông Sĩ “ok, tôi chấp nhận 10% hợp đồng”. Ông Sĩ đã mỉm cười, hài lòng và nói: “ok, ok”.

Trong quá trình thỏa thuận về số tiền hợp đồng, tôi đã nói với ông Sĩ về việc muốn ông ấy cung cấp cho chúng tôi bản tiêu chuẩn đánh giá chi tiết.

Khoảng tháng 3/2001, tôi nhận được câu trả lời từ ông Sĩ: “Không thể trao cho tôi trực tiếp bản sao mà sẽ nhờ người đọc cho nghe để có thể ghi chép lại”, sau đó người quen của ông Sĩ đã đọc cho tôi bằng tiếng Anh về tiêu chuẩn đánh giá chi tiết và tôi đã chép lại.

Sau khi gửi bản đề xuất đi không lâu sau Văn phòng PMU tiến hành công tác mở các đề án kỹ thuật này, khi đó có ba Công ty giao nộp đề án kỹ thuật là PCI, Nippon Koei và Nipon Engineering.

Khoảng tháng 4/2001, ông Lê Quả tới Hà Nội đã nói: “PMU đánh giá bản đề án kỹ thuật của PCI là đứng thứ nhất, NIPON KOEI đứng thứ 2”.

Tổng số tiền hợp đồng là 9.000.000 USD

Như vậy, số tiền 10% phải hối lộ ông Sĩ là 900.000 USD.”

Thỏa thuận đưa và nhận hối lộ để dành được gói thầu tư vấn giám sát

Sau lần thỏa thuận để giành được gói thầu tư vấn thiết kế, PCI muốn tiếp tục nhận hợp đồng tư vấn giám sát, vì vậy muốn nhận được hợp đồng tư vấn giám sát, PCI phải loại bỏ được đối thủ lớn, đáng lo ngại nhất đó là Công ty NIPON KOEI. Sakano Tsuneo tiếp tục được PCI giao nhiệm vụ thỏa thuận với Huỳnh Ngọc Sĩ.

Lời khai của Sakano Tsuneo ngày 31/7/2008:

“Khoảng tháng 9/2001 tại phòng riêng trong khách sạn NEWWORLD nơi tôi đang ở, tôi và ông Sakashita đã mời ông Sĩ đến và ba người chúng tôi cùng bàn bạc, chúng tôi nói bằng tiếng Anh với ông Sĩ về việc nhờ ông ấy ký kết hợp đồng kỳ hai với PCI như sau:

“Chúng tôi hy vọng được ký tiếp hợp đồng tư vấn kỳ hai cho Dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây”;

Bao nhiêu ?” Ông Sakashita hỏi ông Sĩ;

Ông Sĩ cười nhẹ nhàng và nói: “Không đối thủ cạnh tranh, không danh sách ngắn, quá dễ dàng, để nhận được hợp đồng này 15%.”

Với 15% số tiền của hợp đồng là cao quá mức tưởng tượng, vì vậy ông Sakashita nói với ông Sĩ: “Quá cao, mong ông hạ thấp xuống 10%”.

Ông Sĩ nói: “12%”.

Sau đó, ông Sakano và Sakashita nhiều lần thỏa thuận hạ số tiền hối lộ nhưng ông Sĩ vẫn không đồng ý. Đến giữa tháng 01/2003, hai ông Sakano và Sakashita đến phòng làm việc của ông Sĩ, Sakashita nói với ông Sĩ: “ông nói 12%, tôi nói 10%, vậy trung bình là 11%, mong ông giảm xuống còn 11%”.

“Ok” ông Sĩ đã đồng ý và mỉm cười rồi bắt tay Sakashita.

Tổng số tiền của hợp đồng này là 15.468.888 USD, như vậy 11% của hợp đồng sẽ là 1.701.578 USD”.  

Những lần đưa và nhận hối lộ

Sau khi đã thống nhất được số tiền đưa hối lộ, PCI thực hiện bảy lần đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ như sau:

Lần thứ nhất

Ông Sakano Tsuneo và Sakashita Haruo khai: giữa tháng 1 năm 2002, Sakano gặp Sĩ tại Ban quản lý Dự án (BQLDA) để thống nhất thời gian, địa điểm đưa tiền hối lộ là ngày hôm sau sẽ gặp tại quán Karaoke quen của Sĩ để đưa tiền. Đúng hẹn Sakano Tsuneo và Sakashita Haruo mang số tiền 300.000 USD (gồm cả USD và VNĐ, số tiền do ông Kondo - phụ trách kế toán PCI tại thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị) đến quán Karaoke gặp Sĩ tại một phòng riêng và đưa túi tiền cho Sĩ. Ông Sĩ nhận tiền và cảm ơn. Ngay sau đó Sakano nói: cảm ơn ông Sĩ đã tạo điều kiện thuận lợi cho PCI ký hợp đồng tư vấn thiết kế, mong ông thanh toán cho PCI tiền tạm ứng trong thời gian sớm nhất; PCI muốn được chỉ định gói thầu tư vấn giám sát Đại lộ Đông - Tây.

Lần thứ hai

Các ông Sakano Tsuneo, Sakashita, Kono Tatsuhiko - nhân viên kế toán của PCI tại TP HCM khai: khoảng tháng 5/2002, ông Sỹ yêu cầu Sakano Tsuneo  đưa tiếp tiền hối lộ như đã thỏa thuận là 350.000 USD. Thời điểm này PCI chuẩn bị chuyển hồ sơ yêu cầu thanh toán tiền hợp đồng nên PCI muốn được ông Sĩ nhanh chóng ký thanh toán để rút tiền từ ngân hàng JBIC. Sakano trao đổi để PCI chuẩn bị tiền đưa cho Sỹ vào tháng 7 năm 2002.

Huỳnh Ngọc Sĩ trước tòa

Ngày 01 tháng 7 năm 2002, PCI nộp hồ sơ yêu cầu thanh toán tiền hợp đồng cho Ban quản lý Dự án. Đầu tháng 7/2002, Sakano mang 350.000 USD đưa cho Sĩ tại phòng làm việc của Sĩ, đồng thời đề nghị ông Sĩ nhanh chóng thanh toán tiền hợp đồng, sớm ký phụ lục của hợp đồng tư vấn thiết kế và tiếp tục giúp đỡ cho PCI.

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định: Giữa tháng 7 năm 2002 Huỳnh Ngọc Sĩ ký bốn bộ hồ sơ yêu cầu thanh toán của PCI khi chưa có biên bản nghiệm thu khối lượng công việc tư vấn hoàn thành, nhờ đó PCI đã được ngân hàng JBIC thanh toán tiền. Việc Huỳnh Ngọc Sĩ kí bốn bộ hồ sơ khi chưa có biên bản nghiệm thu là sai quy định tại Thông tư số 96/2000/TT-BTC ngày 28/9/2000 và Quyết định số 96/2000/QĐ-BTC ngày 12/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Lần thứ ba

Các ông Sakano Tsuneo, Sakashita, Takasu Kumio - Giám đốc Công ty BIC (là Công ty “ma” do PCI lập ra tại Hồng Kông, chuyên nhận tiền từ tài khoản Công ty PCI chuyển sang, trên danh nghĩa phí cung cấp thông tin, để tập hợp thành tiền đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài) đều khai: ngày 28 tháng 5 năm 2003, Sakano Tsuneo, Sakashita, Takasu Kumio tới Ngân hàng Mitshubishi chi nhánh tại TP HCM rút tiền Việt Nam đồng đem đến cửa hàng vàng để đổi sang USD và rút USD từ tài khoản của PCI cùng với số tiền 80.000 USD mà ông Takashita chuẩn bị mang từ Nhật sang, tổng cộng là 262.000 USD. Sau đó ông Sakano và Takasu đem 262.000 USD đến phòng làm việc của ông Sĩ, mặc dù đã được Sakano giải thích trước về ông Takasu, nhưng khi Sakano Tsuneo mở cửa phòng thấy cùng đi có người lạ nên ông Sĩ lập tức đóng cửa. Khi được Sakano Tsuneo giải thích và giới thiệu Takasu là bạn và lần sau sẽ mang tiền hối lộ tới, nên ông Sĩ đồng ý để Takasu cùng vào phòng làm việc. Sakano Tsuneo và Takasu đã đưa cho Sĩ 262.000 USD.

Theo báo cáo của Bộ Công an thể hiện: trong tài liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản cung cấp có ba giấy rút tiền tại Ngân hàng Mitshubishi chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh ngày 28 tháng 5 năm 2003 do ông Sakashita Haruo đứng tên rút tiền từ tài khoản của Văn phòng PCI tại thành phố Hồ Chí Minh và hai hóa đơn xuất nhập tiền gồm:

- Giấy rút 650.600.000 VNĐ (tương đương 42.000 USD);

- Giấy rút 84.000 USD;

- Giấy rút 56.000 USD,

- Hóa đơn xuất nhập tiền số 457799 ngày 23/5/2003 số tiền 70.000USD;

- Hóa đơn xuất nhập tiền số 457880 ngày 26/5/2003 số tiền 10.000USD

Tổng cộng là 262.000 USD. Phù hợp với số tiền đưa hối lộ.

Tài liệu Cục A18 xác nhận Takasu Kumio nhập cảnh ngày 27/5/2003, xuất cảnh ngày 28/5/2003. Phù hợp với thời gian đưa hối lộ.

Lần thứ tư

Các ông Sakano Tsuneo, Sakashita, Kono, Takasu đều khai:

Ngày 23/12/2003 Takasu từ Nhật Bản bay sang sân bay Tân Sơn Nhất và được Kono đón về khách sạn Norfolk, chiều cùng ngày, Sakano Tsuneo từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Sáng ngày 24/12/2003, Sakano Tsuneo và Takasu đến Văn phòng Công ty PCI tại thành phố Hồ Chí Minh gặp Kono (kế toán) nhận 600.000 USD và bản phụ lục cho năm dịch vụ tư vấn bổ sung ghi ngày 24/12/2003 của Hợp đồng tư vấn thiết kế mà Sakano Tsuneo đã ký. Đến 13h00 ngày 24/12/2003, Sakano Tsuneo và Takasu đến Ban quản lý Dự án, Takasu mang túi đựng 600.000 USD vào phòng làm việc và đưa túi tiền cho ông Sĩ. Ngay sau khi ông Sĩ nhận tiền thì Takasu ra ngoài, Sakano Tsuneo vào phòng và đưa ông Sĩ ký bản phụ lục ghi ngày 24/12/2003. (Tài liệu phía Nhật Bản cung cấp: có bản phụ lục cho 05 dịch vụ tư vấn bổ sung ghi ngày 24/12/2003 có chữ ký của ông Sĩ. Phiếu xuất nhập tiền số 177702 ngày 10/12/2003 của PCI với số tiền 600.000 USD).

Tài liệu A18 Bộ Công An xác định Takasu nhập cảnh ngày 23/12/2003, xuất cảnh ngày 25/12/2003.

Lần thứ năm

Các ông Sakano Tsuneo, Sakashita, Kono đều khai: đầu tháng 8/2004, ông Sĩ đã yêu cầu Sakano Tsuneo đưa số tiền 600.000 USD như thỏa thuận. Sakano Tsuneo gọi điện cho Sakashita nói: ông Sĩ tiếp tục đòi 600.000 USD tiền hối lộ.

Đầu tháng 9/2004, Sakashita điện thoại cho Sakano Tsuneo nói: đã chuẩn bị xong tiền và yêu cầu Sakano vào TP HCM để đưa tiền cho ông Sĩ. Vì từ sau tháng 9/2003 tiền tạm ứng cho hợp đồng giám sát vẫn chưa có nên Sakano Tsuneo đã thương lượng giảm bớt số tiền hối lộ và được Sỹ giảm 10% của 600.000 USD, còn 540.000 USD.

Khoảng giữa tháng 9/2004, Sakano Tsuneo cầm 540.000 USD do Kono đưa, đến gặp và đưa cho Sĩ tại phòng làm việc của ông Sĩ. Sakano Tsuneo nói: đây là tiền mà chúng tôi đã hứa và mong ông sẽ tiếp tục giúp chúng tôi nhiều việc có lợi hơn.

Lần thứ sáu

Ông Sakano Tsuneo, Takasu, Sakashita, Kono đều khai: tháng 11/2004, ông Sĩ yêu cầu Sakano Tsuneo đưa tiền hối lộ 160.000 USD như đã thỏa thuận. Cuối tháng 01/2005, ông Sakano Tsuneo và Takasu đem 160.000 USD đến trụ sở Ban quản lý Dự án, Takasu cầm túi tiền vào phòng làm việc để đưa cho Sĩ, Sakano đứng ngoài cửa. Vài phút sau, Sakano Tsuneo thấy Takasu từ phòng ông Sĩ đi ra tay không nên biết ông Takasu đã đưa tiền cho ông Sĩ rồi, sau đó Sakano Tsuneo đi vào phòng làm việc đề nghị ông Sĩ ký giúp trả tiền hợp đồng theo đúng kế hoạch và tạo điều kiện có lợi cho PCI.

Tài liệu A18 xác định Takasu nhập cảnh vào ngày 28/01/2005, xuất cảnh ngày 30/01/2005.

Lần thứ bảy

Các ông Sakano Tsuneo, Sakashita, Kono, Takasu, Fukushima - Giám đốc dự án Đại lộ Đông Tây của PCI tại thành phố Hồ Chí Minh đều khai: cuối tháng 01/2006 ông Sĩ yêu cầu đưa hối lộ tiếp 220.000 USD, Sakano Tsuneo đề nghị chậm lại một thời gian và được ông Sĩ đồng ý. Đầu tháng 3/2006, ông Sĩ gọi Sakano Tsuneo để đòi tiền tiếp, Sakano Tsuneo đề nghị ông Sĩ tiếp tục chờ.

Tháng 8/2006, ông Sĩ điện cho Sakashita tiếp tục đòi đưa tiền 220.000 USD như đã thỏa thuận. Đến 14h00 ngày 29/8/2006, ông Kono và Takasu đến Ban quản lý Dự án, Kono chờ tại tầng 1, còn Takasu vào phòng làm việc của ông Sĩ tại tầng 2 và đưa 220.000 USD cho ông Sĩ.

Tài liệu A18 xác định Takasu nhập cảnh ngày 29/8/2006, xuất cảnh ngày 30/8/2006.

Như vậy, PCI đã bảy lần đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ, tổng cộng số tiền là 2.432.000 USD. 

Phối hợp điều tra xử lý vụ án của các cơ quan chức năng Nhật Bản và Việt Nam

Việc PCI đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ đã bị các cơ quan Tư pháp Nhật Bản phát hiện và tiến hành điều tra.

Ngày 21/8/2008 Đại sứ Nhật Bản có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị thực hiện ủy thác điều tra theo đề nghị của cơ quan Tư pháp Nhật Bản về việc các nhân viên PCI đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ;

Ngày 25/8/2008 Bộ Ngoại giao có văn bản chuyển yêu cầu của phía Nhật Bản cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

Ngày 08/9/2008 VKSNDTC có văn bản gửi Bộ Công an yêu cầu điều tra xác minh theo ủy thác của Cơ quan tư pháp Nhật Bản về lời khai của bốn nhân viên Công ty PCI đã đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ để được nhận và thực hiện Dự án;

Ngày 11/11/2008, báo chí Nhật Bản đồng loạt đưa tin Tòa án TOKYO xét xử vụ bốn bị cáo thuộc Công ty PCI đã đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ 2,6 triệu USD về tội “cạnh tranh không công bằng”;

Ngày 20/11/2008, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, sau khi thẩm tra nắm tình hình ban đầu, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ xác định có tội phạm tham nhũng xảy ra tại “Dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh” và kiến nghị cho khởi tố vụ án để điều tra xử lý;

Tháng 11/2008, bên lề Hội nghị APEC tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Taro Aso, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết cam kết “Việt Nam sẽ xử lý nghiêm vụ PCI”.

Ngày 04/12/2008, Nhật Bản tuyên bố  tạm dừng cung cấp vốn ODA cho Việt Nam;

Ngày 09/12/2008, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc khởi tố vụ án để điều tra xử lý;

Ngày 11/02/2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam bị can Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả - Phó giám đốc Dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với hành vi cho thuê nhà lấy tiền chia nhau (vì tài liệu lúc này chưa đủ để khởi tố Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ). Kết quả điều tra xác định từ tháng 8/2001 đến tháng 11/2002 Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông-Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh, đã cho PCI thuê trụ sở làm việc để lấy 1,2 tỷ đồng chia nhau. Ngày 25/9/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn…” tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ 3 năm tù, Lê Quả 2 năm tù. Ngày 17/3/2010, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm vụ án nâng mức phạt: Huỳnh Ngọc Sĩ 6 năm tù, Lê Quả 5 năm tù.

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam khởi tố vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, ngày 23/02/2009 lúc 17 giờ 30 phút tại TOKYO,  hội đàm với đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố nối lại ODA cho Việt Nam;

Ngày 04/5/2009 Nhật Bản chuyển cho Việt Nam trên 3000 trang tài liệu liên quan đến việc các nhân viên PCI đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ. Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đề xuất Chính phủ đồng ý chi toàn bộ số tiền để dịch tài liệu. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ký hợp đồng dịch thuật với Công ty dịch thuật chuyên nghiệp CNN và Công ty INTRACO để dịch công chứng.

Trả lời văn bản của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Tư pháp khẳng định: tài liệu do Bộ Tư pháp Nhật Bản chuyển cho Cơ quan điều tra Bộ Công an là phù hợp với Luật tương trợ tư pháp, Luật tố tụng hình sự Việt Nam, được coi là nguồn chứng cứ để xác định, đánh giá, làm sáng tỏ vụ án.

Ngày 04/12/2009, Bộ Công an có báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo về kết quả điều tra và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu (do Nhật Bản cung cấp) và đề xuất khởi tố Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ Công tác (gồm chuyên viên của Văn phòng Ban Chỉ đạo và Tòa án NDTC) nghiên cứu nội dung vụ án và có báo cáo trong đó xác định đã đủ căn cứ để khởi tố Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ, được Phó Thủ tướng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đồng ý.  Ngày 22/12/2009, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đồng ý với đề nghị của Bộ Công an về việc khởi tố bị can Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, ngày 22/01/2010 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với Huỳnh Ngọc Sĩ về tội Nhận hối lộ.

2. Kết quả cuộc điều tra

Dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ quyết định đầu tư tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 05/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư: 14.026 tỷ đồng; trong đó ODA của Chính phủ Nhật Bản là 9.606,98 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4.419,02 tỉ đồng phục vụ đền bù giải phóng mặt bằng.

Ngày 29/4/2002, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định sát nhập Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Ban Quản lý dự án cải thiện Môi trường nước thành Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước; bổ nhiệm ông Huỳnh Ngọc Sĩ - Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây làm Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước.

Quyết định 622/QĐ-TTg quy định Dự án Đại lộ Đông - Tây có các gói thầu chính và hình thức đấu thầu như sau:

- Gói thầu tư vấn thiết kế chi tiết: đấu thầu quốc tế;

- Gói thầu tư vấn giám sát: đấu thầu quốc tế;

- Gói thầu xây lắp: đấu thầu cạnh tranh quốc tế;

- Gói thầu xây dựng 6 khu tái định cư: đấu thầu cạnh tranh trong nước.

Quá trình thực hiện dự án, Công ty PCI đã thỏa thuận và bảy lần đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ và được tạo điều kiện thuận lợi để được trúng hai gói thầu tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát, được ký hợp đồng tư vấn thiết kế để mức lương chuyên gia tư vấn nước ngoài cao hơn đơn giá dự toán ghi trong biên bản thảo luận ngày 28/10/1999 ký giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng JBIC; hạ thấp mức lương chuyên gia tư vấn trong nước; ký văn bản đề nghị chỉ định PCI thực hiện gói thầu tư vấn giám sát trái quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 05/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ; ký hồ sơ thanh toán các khoản tiền tạm ứng cho PCI khi chưa nộp bảo lãnh và chưa mở thư tín dụng không hủy ngang; ký hồ sơ yêu cầu thanh toán cho PCI khi chưa có biên bản nghiệm thu khối lượng công việc tư vấn hoàn thành; ký phụ lục hợp đồng năm dịch vụ tư vấn bổ sung của hợp đồng tư vấn thiết kế ngày 24/12/2003 khi chưa có ý kiến thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh; ký biên bản ghi nhớ ngày 04/8/2006 về việc thiết kế lại khu Thủ Thiêm khi hợp đồng đang được đàm phán, chưa có ý kiến thẩm định phê duyệt của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Huỳnh Ngọc Sĩ đã không làm đúng nhiệm vụ được giao, làm theo yêu cầu có lợi của PCI để nhận hối lộ.

Căn cứ vào tài liệu chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng đã truy tố, xét xử đối với Huỳnh Ngọc Sĩ về hành vi nhận hối lộ 262.000 USD (tương đương 4.043.184.000 VNĐ). Tách sáu lần nhận hối lộ, còn lại tiếp tục điều tra, thu thập củng cố chứng cứ xử lý sau. Vụ án đã được xét xử với mức án thỏa đáng như đã nêu.

Qua vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ cho thấy, tội phạm tham nhũng có thủ đoạn rất tinh vi, kẻ phạm tội hết sức ngoan cố, chống đối đến cùng, vì vậy chống tham nhũng cần có quyết tâm chính trị thực sự và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

Tội phạm tham nhũng có thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm đối phó với việc phát hiện của cơ quan chức năng

Lợi dụng nhiệm vụ quyền hạn được  giao, biết PCI muốn dành được hợp đồng đầu tư dự án, Huỳnh Ngọc Sĩ đã chủ động gợi ý nếu PCI muốn thắng trong đấu thầu để dành được hợp đồng đầu tư thì sẽ tạo điều kiện và thông qua đó để đòi hối lộ.

Trong nhiều lần tiếp xúc, từ ban đầu thương thảo về Dự án, trong quá trình thương lượng số tiền đòi hối lộ, cũng như khi nhận tiền hối lộ, Huỳnh Ngọc Sĩ luôn cảnh giác, yêu cầu tiếp xúc chỉ với một người, không có người thứ ba và địa điểm do Hùynh Ngọc Sĩ ấn định. Không để lại bút tích, không nguồn thông tin tài liệu cung cấp theo yêu cầu của bên đưa hối lộ, như việc Huỳnh Ngọc Sĩ “Không thể trao cho Sakano Tsuneo trực tiếp bản sao tiêu chí dự thầu mà nhờ người đọc cho nghe để có thể ghi chép lại”. Gợi ý, đòi tiền, nhận tiền thì trực tiếp, ngược lại hành động thì thông qua người thứ ba để thực hiện ý đồ của mình, như việc Sĩ giao cho Lê Quả phát biểu ý kiến đề xuất việc chỉ định thầu.

Khi bị phát hiện tìm mọi cách đối phó đến cùng, không nhận tội

Ngay sau khi có thông tin từ báo chí Nhật Bản về việc PCI đưa hối lộ, Huỳnh Ngọc Sĩ đã yêu cầu nhân viên PCI là Kondo Masami đến để hỏi xem cơ quan nào phát hiện điều tra và nhờ tìm cách đối phó, nhưng do biết rằng PCI không thể ngăn chặn việc điều tra nên Kondo đã trả lời: “I can not do anything, I am sorry” (tôi không thể làm gì được, tôi xin lỗi). Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Sĩ không hề khai nhận tội nhận hối lộ, cũng như những việc làm sai trái có lợi cho bên đưa hối lộ.

Việc chứng minh tội phạm tham nhũng cần phải dựa trên tổng hợp các chứng cứ, các hành vi thể hiện đặc trưng của tội tham nhũng

Theo Điều 279 Bộ luật hình sự, tội Nhận hối lộ quy định: người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trong vụ án này, từ việc thương thảo, cũng như mỗi lần đưa tiền cho Huỳnh Ngọc Sĩ, Sakano Tsuneo đều có các yêu cầu cụ thể đối với Sĩ như: yêu cầu cung cấp bản dự thảo tiêu chí dự thầu, yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để được chỉ định thầu, yêu cầu cho thanh toán tiền, thậm chí thanh toán trước khi nghiệm thu, những yêu cầu của PCI đều được Sĩ đáp ứng.

Hành vi nhận hối lộ thường đi kèm theo hành vi trái pháp luật (để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích theo yêu cầu của bên đưa) như việc Huỳnh Ngọc Sĩ đã cố ý làm  trái (cho thanh toán tiền trước khi nghiệm thu), thiếu trách nhiệm (thiếu kiểm tra giám sát) và những hành vi khác có lợi cho bên đưa hối lộ (cung cấp trước thông tin dự thầu cho PCI).

Căn cứ vào đặc trưng này và tổng hợp các tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan tiến hành tố tụng đã có đủ căn cứ vững chắc để kết luận tội Nhận hối lộ đối với Huỳnh Ngọc Sĩ.

Chống tham nhũng cần có quyết tâm chính trị thực sự và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan

Là loại tội phạm hết sức nguy hại không riêng đối với quốc gia nào, tội phạm tham nhũng xâm hại đến tính minh bạch, kỷ cương, uy tín của một Nhà nước; dễ gây bức xúc, phẫn nộ, mất lòng tin trong mọi tầng lớp nhân dân, đã và đang được cả thế giới nỗ lực, cộng tác đấu tranh.

Đối với vụ án này, ngay từ khi có thông tin về tội phạm đã được Lãnh đạo hai Nhà nước Nhật Bản và Việt Nam tích cực phối hợp chỉ đạo điều tra, xử lý.

Với thái độ kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có các ý kiến chỉ đạo kịp thời các cơ quan chức năng trong phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động điều tra.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm cao, phân công cán bộ có năng lực và trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Vụ án nhận được sự cộng tác tích cực từ phía Nhật Bản, cung cấp hàng nghìn trang tài liệu, chứng cứ giúp cho việc chứng minh tội phạm chính xác, khách quan, chặt chẽ.

Nhờ có các yếu tố nêu trên, Huỳnh Ngọc Sĩ  mặc dù có các thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, thái độ ngoan cố không chịu nhận tội, nhưng đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh tội phạm, đưa xét xử đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong đợi của nhân dân; góp phần tích cực  củng cố lòng tin trong quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Nhận hối lộ là loại tội phạm vô cùng khó khăn từ khâu phát hiện đến quá trình hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, nếu có sự quyết tâm trong chỉ đạo, quyết tâm trong hoạt động điều tra và sự phối hợp của các cơ quan có liên quan thì kẻ phạm tội nhất định sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

                                                                          Nguyễn Thế Bình

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)


                

;
.