Điểm báo tuần số 247 từ ngày 22-01 đến ngày 27-01 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 29/01/2018, 15:16 [GMT+7]
 
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Tiền Phong, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Giao thông, Giáo dục, VietNamNet (22-01) cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng có Quyết định số 815-QÐ/TU kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy An Dương với hình thức khiển trách; Quyết định số 816-QÐ/TU kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Lão với hình thức cách chức Phó Bí thư Huyện ủy huyện An Lão. Thời gian qua, trong công tác bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ tại địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Hoàn có một số vi phạm, thực hiện không đúng quy định của Ðảng và Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Văn Thông để xảy ra một số sai phạm trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên và thi tuyển công chức. Các cơ quan chức năng của thành phố Hải Phòng đang hoàn thiện các bước tiếp theo để xử lý về mặt chính quyền đối với đồng chí Nguyễn Văn Thông và một số cán bộ thuộc UBND huyện An Lão.
 
    Báo Nhân Dân, Công an Nhân dân, Kiểm toán, Tài nguyên và Môi trường, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN (24-01) đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Kiểm toán Nhà nước về công tác kiểm toán năm 2017. Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 257 cuộc kiểm toán trong niên độ 2016 ở nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước. Qua đó, đã phát hiện nhiều sai phạm về thu chi ngân sách, tuyển dụng công chức, viên chức và nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ các nhiệm kỳ trước đã lạc hậu cần phải sửa đổi, bổ sung. Đối với những sai phạm đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải sớm xử lý nghiêm các cá nhân và cơ quan đã vi phạm trên tinh thần nghiêm túc và nghiêm khắc, đồng thời tìm ra nguyên nhân của những nhóm sai phạm trong sử dụng nguồn lực Nhà nước, thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để từ năm nay, không còn tình trạng trồng tréo và trùng lắp trong thanh tra và kiểm toán ở các đơn vị và địa phương. Kiểm toán Nhà nước phải tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các đoàn kiểm toán, đi cùng với rút ngắn thời gian kiểm toán và ban hành kết luận kiểm toán. Các kết luận kiểm toán cần có lý, có tình, phù hợp với đặc điểm của từng thời kỳ. 
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh Niên, Xây dựng, Đài TNVN, TTXVN (25-01) cho biết, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 896 chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả hoạt động năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo Ðề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Ban Chỉ đạo 896). Theo báo cáo của các bộ, ngành, đến nay, đã có 1.146 nhóm thủ tục, thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa. Trong đó, sửa nội dung 685 mẫu đơn và tờ khai; cắt giảm thành phần hồ sơ của 284 TTHC; bãi bỏ, hủy bỏ 27 TTHC; đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 16 TTHC và chín giấy tờ công dân. Bộ Công an (Cơ quan thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo 896) đã cấp số định danh cá nhân (ÐDCN) cho công dân thông qua công tác cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Kế hoạch triển khai Ðề án 896 năm 2017. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an khẩn trương đề xuất Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020... Ðồng thời, đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các dự thảo Nghị quyết đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư…
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Đài THVN, TTXVN (26-01) đưa tin, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương ven biển, sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, công tác bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển đảo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển đã chỉ đạo xây dựng, thực hiện có hiệu quả quy hoạch, nhiều dự án, đề án, phương án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo; quan tâm đầu tư tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh tại địa phương; chỉ đạo giải quyết kịp thời nhiều vụ việc phức tạp phát sinh về an ninh, trật tự vùng ven biển. Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng  Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị các bên liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đấu tranh triệt xóa các đường dây vận chuyển ma túy, buôn bán người, các hoạt động buôn lậu, đồng thời giúp nhân dân phòng, chống thiên tai.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Đại đoàn kết, Công lý, Tài nguyên và Môi trường, Thanh Niên, Đài THVN, TTXVN (27-01) đồng loạt đăng tải các nội dung kỳ họp 21 và kỳ 22 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại hai kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận các nội dung sau: 1) Xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; đồng chí Ðinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và đồng chí Huỳnh Khánh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 20 của UBKT.  2) Xem xét kết quả giám sát đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ I; kết quả giám sát việc kiểm điểm của Ban cán sự đảng các bộ: Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng về trách nhiệm liên quan đến các vi phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và sự cố môi trường biển xảy ra tại Dự án Formosa Hà Tĩnh; kết quả giám sát Thường trực Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội trong việc thực hiện Quy chế làm việc của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020; kết quả giám sát Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương về việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tổ chức cán bộ, quản lý sử dụng đất đai, dự án đầu tư. Xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An, Ban Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 4. 3) Xem xét, giải quyết tố cáo 1 trường hợp; tham gia ý kiến về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 1 trường hợp thuộc thẩm quyền Ban Bí thư; xem xét báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và một số cá nhân. 4) Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cho ý kiến vào dự thảo Quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
 
Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công lý, Tuổi Trẻ, Hà Nội mới, Bảo vệ pháp luật, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22-01) đồng loạt đưa tin về Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo cho ý kiến về kết quả hoạt động năm 2017, trong đó tập trung làm rõ những ưu điểm, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn công tác; đồng thời xác định nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2018. Năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, kịp thời, cụ thể của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các các thành viên Ban Chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, những nội dung trong chương trình công tác của Ban Chỉ đạo đã được thực hiện nghiêm túc, hoàn thành theo kế hoạch, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, không có "vùng cấm," không có "ngoại lệ" trong công tác phòng, chống tham nhũng, được nhân dân tin tưởng, phấn khởi, đồng tình cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhìn lại năm 2017, cùng với những thành tựu chung đạt được trên hầu khắp các lĩnh vực của cả nước, công tác phòng, chống tham nhũng đã được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt đẹp, được nhân dân rất hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Từ những kết quả, kinh nghiệm năm 2017, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn, để xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24-01) cho biết, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra xét xử ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà cùng Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC) và các đồng phạm về tội “Tham ô tài sản” xảy ra trong vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản tại dự án Nam Đàn Plaza. Các bị cáo, bị cáo buộc chiếm đoạt số 49 tỷ đồng tiền chênh lệch trong thương vụ này. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 06-02-2018. Trước đó, ngày 22-01, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về tội Tham ô tài sản và 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là chung thân trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC.
 
    Theo tin từ Báo Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Người lao động (25-01), Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Agribank Trà Vinh và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Aquafeed Cửu Long. Trong vụ án này, có 08 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó có 03 bị cáo nguyên là cán bộ của Ngân hàng Agribank Trà Vinh gồm: Nguyễn Văn Trực, nguyên Phó Giám đốc phụ trách; Nguyễn Quốc Hoàn, nguyên Trưởng phòng Tín dụng và Cao Văn Phong, nguyên Phó phòng Tín dụng bị xét xử về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 52,4 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, Tuổi Trẻ, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (26-01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đang điều tra giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Quá trình điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được xác định: Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Tập đoàn Vinashin gửi vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt 105,583 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất, phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi kê biên tài sản do phạm tội mà có.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Thông tấn xã Việt Nam (22-01) dẫn nguồn tin từ Yonhap, các công tố viên Hàn Quốc đã bất ngờ khám xét nơi ở và văn phòng của anh trai cựu Tổng thống nước này Lee Myung-bak, như một phần trong cuộc điều tra cáo buộc ông Lee đã nhận các khoản tiền bất hợp pháp từ Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS). Các công tố viên cũng cho biết họ đã lấy lời khai của các quan chức NIS và các trợ lý của cựu Tổng thống Lee, trong đó những người này thừa nhận rằng đã chuyển hàng trăm triệu won của NIS cho ông Lee. Ông Lee đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và trong một cuộc họp báo gần đây.
 
    Báo Thanh tra (27-01) cho biết, Cơ quan giám sát chống tham nhũng Singapore tuyên bố đang xem xét sửa đổi Luật chống tham nhũng (PCA) sau hàng loạt các sai phạm tài chính nghiêm trọng của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt từ vụ tập đoàn Keppel Corp, với 20% cổ phần thuộc về một công ty đầu tư nhà nước, bị Mỹ, Brazil điều tra và phải nộp phạt tổng cộng 422 triệu USD. Các chuyên gia luật pháp cho rằng PCA, lần đầu được ban hành vào năm 1960, hiện đã lỗi thời và không thể xử lý triệt để các hành vi vi phạm hiện nay. Chính phủ Singapore vẫn thường xuyên xem xét các điều khoản trong PCA và sửa đổi khi cần thiết.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
 
    - Kỳ họp 21 và 22 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
 
    - Khởi tố, bắt, khám xét đối với nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. 
 
    - Xét xử Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng tội Tham ô tài sản.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.