Điểm báo tuần số 180 từ ngày 26-9 đến ngày 01-10 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 04/10/2016, 15:10 [GMT+7]

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

Thông tin từ Báo Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Công Thương, Đài TNVN, TTXVN (26-9), Thủ tướng Chính phủ  ký Quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Cụ thể: Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 do Bộ Tư pháp chủ trì; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì; Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ soạn thảo 13 luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, gồm: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật An ninh mạng; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi)…

Báo Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Xây dựng, Tuổi trẻ Thủ đô, VietnamNet, Đài THVN, TTXVN (26-9) đưa tin, Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 5 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam và đồng chí Quách Thanh Côn, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc chủ trì Hội nghị. Tại hội nghị, hai bên đề ra phương hướng hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nhất là khủng bố, tội phạm mạng, mua bán người, ma túy; hoàn thiện cơ chế, phạm vi hợp tác giữa các đơn vị nghiệp vụ và Công an địa phương hai nước; công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng truy nã đạt nhiều kết quả tích cực; hợp tác đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh… Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm đề ra phương hướng hợp tác giữa hai Bộ từ nay tới năm 2018. Theo đó, hai Bên tiếp tục công tác trao đổi ý kiến về các vấn đề cùng quan tâm và trong lĩnh vực đảm bảo an ninh, thực thi pháp luật có liên quan tới hai nước; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; tăng cường bảo vệ an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức của nước này đặt tại nước kia. Kết thúc hội nghị, hai đồng chí Bộ trưởng đã ký kết “Bản ghi nhớ kết quả hội nghị” và chứng kiến các đơn vị, công an địa phương ký 5 văn bản hợp tác.

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Tiền phong, Lao động, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng (28-9) đưa tin, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh về khảo sát Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn. Kết quả khảo sát cho thấy: Tỷ lệ hài lòng đạt khoảng 94% (bao gồm hài lòng 50,92% và bình thường 43,39%), tỷ lệ không hài lòng chiếm khoảng 5,92%. Thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan gửi thư xin lỗi đối với những hồ sơ giải quyết quá hạn đến người dân, trong thư có nêu rõ nguyên nhân quá hẹn, hẹn ngày trả kết quả. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong quyết tâm cải cách hành chính của Chính phủ, sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả nhất đối với hoạt động của chính quyền. TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực và cách thức sáng tạo để thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của người dân.

Báo Đại biểu nhân dân, Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Nông nghiệp, Lao động, Công lý, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong (30-6) phản ánh nội dung Tọa đàm “Báo chí với hoạt động của Quốc hội” do Văn phòng Quốc hội tổ chức. Các ý kiến thừa nhận một thực tế không ít đại biểu, đặc biệt là những đại biểu tham gia lần đầu rất “ngại” tiếp xúc với báo chí. Ngoài lý do về kỹ năng giao tiếp thì một nguyên nhân quan trọng khác là các đại biểu sợ nhà báo nói sai ý, cắt xén, lắp ghép ý kiến của mình. Các đại biểu Quốc hội khi được phóng viên phỏng vấn phải luôn đi thẳng vào vấn đề được hỏi, không vòng vo, không né tránh những câu hỏi “hóc búa”, nhạy cảm và phải có chính kiến của mình. Về phía phóng viên tác nghiệp, cần phản ánh khách quan, trung thực những thông tin từ đại biểu; tránh đưa tin sai sót, không đúng; ngoài điều kiện chung, phóng viên theo dõi nghị trường phải là người am hiểu luật pháp, tác nghiệp đúng pháp luật; để phóng viên và đại biểu Quốc hội “làm bạn đồng hành” với nhau, trước tiên cả hai bên phải trung thực, bởi trung thực mới có thể cởi mở…

Báo Nhân dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tài nguyên, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (01-10) cho biết, các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị giao ban, đánh giá tình hình hoạt động từ tháng 7-2015 đến nay, nhiệm vụ thời gian tới. Các Ban Chỉ đạo đã tham mưu, đề xuất với Trung ương, Chính phủ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Thời gian tới, các Ban Chỉ đạo thống nhất tập trung kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và an sinh xã hội; triển khai mô hình thử nghiệm cơ chế, chính sách liên kết vùng; kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giảm nghèo hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong vùng...

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Báo Nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN (26-9) đưa tin, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X); kết quả thực hiện các kiến nghị của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; kết quả rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội của Thành phố. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, tinh thần chủ động và quyết tâm chính trị cao của TP.Hồ Chí Minh trong phòng, chống tham nhũng những năm qua. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị Thành phố quyết tâm hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, không có vùng cấm, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa để củng cố lòng tin của nhân dân. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, nhất là ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý và sử dụng đất; tập trung xử lý những vụ tham nhũng mang tính tập thể, có tổ chức; xử lý kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng...

Báo Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra (26-9) đăng tải nội dung kết luận của Thanh tra tỉnh Lạng Sơn về những sai phạm tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong xây dựng cơ bản và công tác tổ chức cán bộ; xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ chưa theo đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn của cấp có thẩm quyền; thanh toán vượt định mức, không đúng chế độ, khối lượng và công việc phát sinh; một số khoản chi chưa đảm bảo về trình tự, thủ tục…  Đáng chú ý, trong các năm 2014, 2015 Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động 28 lượt chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương. Song, không thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền theo quy định. Dư luận đặt câu hỏi: Sai phạm như vậy, nhưng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng chỉ “kiểm điểm sâu sắc và rút kinh nghiệm” đối với những cán bộ liên quan?

Báo Pháp luật Việt Nam (26-9) có bài viết “Giám đốc bệnh viện bị tố rút tiền ngân sách”. Theo đó, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn của cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì, Hà Nội tố cáo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bệnh viện đã lợi dụng chức quyền chỉ đạo nhân viên lập khống giấy tờ, chứng từ, hóa đơn để rút tiền của bệnh viện, biển thủ công quỹ đơn vị lên đến gần tỷ đồng. Đơn tố cáo đã được gửi tới Sở Y tế Hà Nội, Công an huyện Thanh Trì và Phòng PC 46 Công an TP. Hà Nội đã gần 01 năm, nhưng không thấy các cơ quan này có phản hồi.

Báo Pháp luật Việt Nam, Gia đình Việt Nam, Doanh nghiệp (26-9) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ đưa ra xét xử vụ Trần Trung Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thể dục Thể thao TP. Cần Thơ cùng hai thuộc cấp bị truy tố “Tội tham ô” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, Dũng đã chỉ đạo Nguyễn Lang Thùy - thủ quỹ của trường làm 9 bộ hồ sơ thanh quyết toán khống mua sắm, sửa chữa tài sản cố định làm thiệt hại cho nhà nước trên 223 triệu đồng, trong đó Dũng tham ô trên 194 triệu đồng, Thùy tham ô 29 triệu đồng. Ngoài ra, Dũng còn chỉ đạo Thùy rút 95 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp, sau đó chiếm đoạt 50 triệu đồng để trả nợ cá nhân. Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, Dũng đã không giám sát, kiểm tra công tác thu chi tài chính, không theo dõi nguồn quỹ tiền mặt thu sự nghiệp, không công khai minh bạch tài chính định kỳ theo Luật kế toán dẫn đến làm thất thoát trên 1,9 tỷ đồng.

Báo Lao động (28-9) có phóng sự điều tra “Nạn tham nhũng đất rừng ở Đắk Nông”. Tác giả bài báo đã nêu hàng loạt quan chức của huyện, xã được Công ty lâm nghiệp Thuận Tân, huyện Đắk Song “giao khoán” hàng chục hécta đất rừng cho: Trưởng Công an huyện, các Phó Công an xã, em vợ Phó Công an xã... Không lâu sau, tất cả rừng giao khoán đều bị phá sạch và biến thành nhà ở, vườn tiêu, cà phê để thu lợi. Còn vợ Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắc Song không đứng ra nhận khoán, mà bao chiếm luôn đất rừng do Công ty lâm nghiệp Thuận Tân đang quản lý. UBND tỉnh Đắk Nông xác định có 45 hécta rừng tự nhiên bị chặt phá, gần 70ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm, sử dụng sai mục đích. Sai phạm của Lê Khắc Bính - Giám đốc Công ty lâm nghiệp Thuận Tân là nghiêm trọng, do vậy UBND tỉnh giao thanh tra chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Nông để điều tra, xử lý hình sự. Đồng thời giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh quyết định buộc các cá nhân nhận giao khoán phải bồi thường giá trị thiệt hại về rừng, trả lại những diện tích rừng đã chiếm dụng…

Báo Công an nhân dân (29-9) cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Công an Gia Lai tiếp nhận hồ sơ vụ việc từ kết luận Thanh tra tỉnh Gia Lai chuyển giao về những sai phạm tại Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ và Công ty TNHH MTV Cà phê tỉnh Gia Lai để điều tra xử lý theo pháp luật. Theo kết luận thanh tra, Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ đã để UBND huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 19 hộ trên phần đất của Công ty sai quy định; bỏ ngoài sổ sách gần 18ha đất được Nhà nước giao cho doanh nghiệp. Sau khi có chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, Công ty còn tiếp tục cho sang nhượng, ký hợp đồng giao khoán mới trái quy định; miễn giảm tiền thuê đất trái quy định cho các hộ nhận khoán, làm thiệt hại nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước trên 800 triệu đồng. Công ty Cà phê Chư Pah (Gia Lai) trước khi sáp nhập về Công ty Cà phê tỉnh Gia Lai đã tự ý tổ chức bán đấu giá tài sản trên đất với diện tích 46,33 ha khi chưa được phép của UBND tỉnh Gia Lai để thu trên 4,3 tỷ đồng; không kê khai nộp thuế đất với số tiền gần 500 triệu đồng... Đây là 2 vụ việc gây bức xúc dư luận về những sai phạm trong quản lý đất đai, thu tiền trái quy định... gây thất thoát, lãng phí tiền của và đất đai của Nhà nước.

Báo Tiền phong (29-9) có bài viết “Quản lý thị trường tố nhau, lộ tiêu cực”. Vụ việc xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường Thái Bình gây xôn xao dư luận bởi cấp dưới tố cấp trên lập chứng từ khống rút tiền ngân sách Nhà nước, ăn chặn tiền cấp dưới… Cấp trên thì tố cấp dưới hành doanh nghiệp, “đơn vị nào hữu hảo thì tha bổng còn không thì phạt thật nặng”. Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Trần Xuân Nhuệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thái Bình từng bị kết luận mắc nhiều sai phạm nhưng tiếp tục bị tố thêm nhiều sai phạm. Phóng viên báo Tiền phong làm việc với ông Nhuệ về nội dung tố cáo trên. Ông Nhuệ xác nhận: Các nội dung tố cáo có cái đúng, có cái đúng một phần và có cái chưa đúng. Còn ông N.Q.T hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ nên tố cáo thiếu căn cứ. Việc ông T bị điều chuyển từ Đội Quản lý thị trường TP. Thái Bình về Đội Quản lý thị trường huyện Đông Hưng là do tính chất công việc và ông này “hành” doanh nghiệp chứ không phải trù dập liên quan việc tố cáo.

Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Dân trí, Đài TNVN, Đài TNVN, TTXVN (01-10) đưa tin về cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 01-10-2016. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ: Từ sau cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18-4-2016 đến nay, nhiều nội dung quan trọng về phòng, chống tham nhũng (PCTN) được các cơ quan chức năng tích cực, khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, như: Bổ sung một số nội dung trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để PCTN; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp tỉnh trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; nâng cao hiệu quả công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán, thanh tra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp… Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Với quyết tâm chính trị cao, các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra, giám định; chú ý phân loại để xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra…; chú trọng các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng; khẩn trương xét xử phúc thẩm các vụ án có kháng cáo, kháng nghị và điều tra, xử lý các kiến nghị của Hội đồng xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương đưa 06 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm và trong quý I-2017.

Toàn cảnh cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng
Toàn cảnh cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng

TIN QUỐC TẾ

Theo Thông tấn xã Việt Nam (28-9), Tòa án Tối cao Brazil đã nhất trí đưa Thượng nghị sỹ Gleisi Hoffmann cùng chồng là cựu Bộ trưởng Paulo Bernardo, 2 thành viên trong nội các của cựu Tổng thống Dilma Rousseff, ra xét xử với các tội danh rửa tiền và tham nhũng liên quan tới vụ bê bối tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Các công tố viên cáo buộc 2 cựu quan chức này đã nhận 309.000 USD tiền quỹ trái phép cho chiến dịch tranh cử của bà Hoffmann vào Thượng viện năm 2010. Đây là diễn biến mới nhất trong vụ bê bối Petrobras gây chấn động chính trường Brazil.

Báo Thanh tra (01-10) dẫn nguồn tin của Hãng thông tấn AFP, ông Vasile Blaga, lãnh đạo của Đảng Tự do Rumania (từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và Chủ tịch Thượng viện Rumania) đã từ chức sau khi bị các công tố viên chống tham nhũng buộc tội lạm dụng chức vụ. Các công tố viên cho rằng, ông Blaga đã nhận 700.000 Euro (khoảng 784.000 USD) trong khoảng thời gian từ năm 2009 – 2012. Đổi lại, ông sẽ nói với các Bộ trưởng bổ nhiệm các nhà tài trợ cho Đảng giữ vị trị quản lý trong các công ty Nhà nước.

Thông tin đáng chú ý trong tuần:

- Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;

- Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh;

- Nhiều sai phạm xảy ra tại  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn;

- Nạn tham nhũng đất rừng ở Đắk Nông.

BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

;
.