Điểm báo tuần số 177 Từ ngày 05-9 đến ngày 10-9 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 12/09/2016, 17:20 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (06-9) thông tin chi tiết về Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung, thống nhất, quyết liệt trong hành động, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo, phát triển, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc... Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát từ nhân dân; về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
 
    Báo Nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, TTXVN (07-9) đưa tin về phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để thẩm tra ban đầu dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Theo dự thảo luật, trình tự, thủ tục, các bước giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường cũng rút gọn hơn, giảm từ 125 ngày xuống còn hơn 50 ngày. Đồng thời, bổ sung quy định về việc hoãn, tạm đình chỉ và đình chỉ việc giải quyết bồi thường.
 
Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
    Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09-9) đăng tải kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ IV. Theo đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi đảng đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016; cảnh cáo các ông Dương Anh Điền, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng; khiển trách ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Hải Phòng. Xem xét, xử lý kỷ luật đồng chí Lê Văn Quân, đảng viên Chi bộ Văn phòng, Đảng bộ Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Phú Thọ thuộc Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng. Xem xét các báo cáo giám sát chuyên đề đối với: Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng và một số cá nhân; Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu; Đảng Đoàn và đồng chí Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Ban cán sự Đảng và đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh Việt Nam và đồng chí Bí thư Đảng đoàn; Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh…
 
    Báo Nhân dân, Đại biểu Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Đại đòn kết, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Công thương, Đài TNVN, TTXVN (09-9) đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới là dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo và dự án Luật về hội. Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; quy định về nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Với dự án Luật về hội đã được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến và sẽ được trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thảo luận, thông qua trong kỳ họp thứ 2 chuẩn bị diễn ra vào tháng 10 -2016. 
 
    Báo Nhân dân, Công lý, TTXVN (09-9) đăng toàn văn nội dung Nghị quyết số 235/NQ-UBTVQH14 của Chủ tịch Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành các hoạt động giám sát, trong đó sẽ xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; xem xét, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát của Quốc hôi trước khi các đoàn giám sát báo cáo Quốc hội tại phiên họp tháng 4-2017 đối với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”; tại phiên họp tháng 9-2017 đối với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Xem xét, thảo luận báo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 9-2016)…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật TP. HCM, Người lao động, Vnexpress, Thanh niên (05-9) đưa tin, Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ đã có kết luận vụ tiêu cực về tài chính tại Cảng vụ đường thủy nội địa: sử dụng ngân sách và lệ phí để chi cho một số hoạt động không phù hợp, vượt định mức. Việc xây dựng, sửa chữa nơi làm việc không được công khai tài chính, không hợp đồng, không có dự toán được duyệt… Ngoài ra, đơn vị còn "ém" 120 triệu đồng do đối tác hỗ trợ di dời trụ sở, không nộp ngân sách… Theo đó, Sở yêu cầu trong vòng 30 ngày, Cảng vụ đường thủy nội địa phải khắc phục nộp lại ngân sách số tiền sai phạm gần 300 triệu đồng. Sau đó, Ban Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành sẽ xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sai phạm.
 
    Báo Nhân dân, Lao động, Pháp luật TP. HCM, Dân trí, Tuổi trẻ, Thanh niên, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (05-9) thông tin từ Công an TP. Cần Thơ: Cảnh sát kinh tế (PC46) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Vũ Thị Hồng Yến, Trưởng phòng Tài vụ kiêm Kế toán trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Cần Thơ, để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”. Cơ quan công an xác định, từ năm 2010 đến nay, bà Yến đã lập chứng từ khống, khai gian danh sách lương, các khoản phụ cấp ưu đãi khác của nhà trường cho cá nhân mình và một số cán bộ khác để “rút ruột” ngân sách hơn 7,1 tỉ đồng. Đến thời điểm này, công an chỉ mới thu lại được hơn 1,2 tỉ đồng từ số tiền sai phạm. Số còn lại bà Yến cho biết không có khả năng thanh toán. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án. 
 
    Báo Nhân dân, Công luận, Thanh tra, Đại đoàn kết, Thanh niên, Hà Nội mới, Pháp luật và Xã hội, Tuổi trẻ, Vnexpress, Đài TNVN (06-9) đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2280/TB-TTCP thông báo nội dung thực hiện kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và một số đơn vị thành viên. Thông báo nêu rõ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản với tổng số tiền 2.255 tỷ 618 triệu đồng, trong đó đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định; trích Quỹ Bình ổn giá xăng sai quy định; chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu tiêu thụ trước các thời điểm điều chỉnh giá; chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về HĐQT, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và tổng giám đốc, giám đốc, kế toán trưởng các công ty liên quan. Bộ Công an tiếp nhận để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với hai vụ việc xảy ra giữa Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco và Công ty  TNHH Thiên Lộc Phú. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Tiền phong,  Dân trí, Tuổi trẻ, Thanh niên, Vnexpress, Đài TNVN, TTXVN (06-9) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa sơ thẩm (lần 2) xét xử vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong số 16 bị cáo bị đưa ra xét xử có Nguyễn Tài, nguyên Chủ tịch UBND huyện; Huỳnh Ngọc Sương, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Kích nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất. Theo cáo trạng, từ tháng 7/2013 đến tháng 4/2014, trong quá trình thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tại xã Hòa Tâm để thực hiện dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, các bị cáo đã thực hiện không đúng quy định của Nhà nước trong việc đền bù, hỗ trợ dự án giải phóng mặt bằng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,2 tỉ đồng.
 
    Báo Gia đình và Pháp luật có bài điều tra “Những sai phạm ở viện Nhi Nam Định: Tố cáo đúng lại bị kỷ luật?”. Nhà báo Phạm Hùng Khánh, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng phòng Biên tập - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nam Định tố cáo ông Trịnh Xuân Lộc, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nam Định có những việc làm sai trái và vợ ông là bà Phạm Thị Huyền liên quan đến việc sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế của bệnh nhân đã tử vong để trục lợi. Trong lúc đang chờ Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nam Định và các cơ quan chức năng của tỉnh thanh tra, kiểm tra làm rõ những nội dung tố cáo thì không hiểu thông tin từ đâu và ai đã tiết lộ danh tính người tố cáo đến “tai nhà Đài”? Ngày 04/12/2015, ông Lộc lập tức ra Thông báo số 463/TB-PTTH yêu cầu Lãnh đạo Phòng Biên tập kiểm điểm ông Phạm Hùng Khánh về mức độ vi phạm các điều 16, 19 của Luật Viên chức năm 2010; Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ và đề nghị hình thức xử lý kỷ luật. Sau đó ông Lộc tiếp tục ký Quyết định thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức “cảnh cáo” ông Khánh. Dư luận đặt câu hỏi và chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định: liệu ông Bí thư, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nam Định có vi phạm nguyên tắc Đảng, lợi dụng chức quyền trả thù, trù dập người tố cáo?
 
    Báo Công an nhân dân, Thanh niên, Dân trí, Vnexpress (07-9) phản ánh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau vừa khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trần Văn Thời. Trước đó, các cơ quan chức năng có kết luận thanh tra về sai phạm tài chính tại cơ quan trên. Theo đó từ năm 2008 đến 2015, ông Nguyễn Minh Cảnh, Trưởng phòng và bà Trần Ngọc Minh, Kế toán trưởng đã ký phiếu chi tạm ứng khống cho 5 xã để chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng; quyết toán 2 lần chứng từ giải quyết chế độ chính sách cho gia đình thương binh liệt sĩ, người già neo đơn để tư túi gần 200 triệu đồng; riêng 109 phiếu thanh toán khống tiền thanh toán nuôi dưỡng cộng đồng, mai táng phí, trợ cấp ưu đãi giáo dục... để rút quỹ gần 900 triệu đồng. Tổng số tiền mà 02 đối tượng Cảnh và Minh làm thất thoát và chiếm đoạt của Nhà nước là gần 3,5 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân dân, Lao động, Tiền phong, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ (08-9) đưa tin, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể các trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, nhất là các trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự là do có hành vi tham nhũng hay do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Đề nghị Chính phủ nêu rõ căn cứ đánh giá tình hình tham nhũng năm 2016, đánh giá cụ thể hơn tình hình tham nhũng hiện nay; có phương án xử lý kiên quyết, dứt điểm những hạn chế; tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường cá thể hóa trách nhiệm công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất... 
 
    Báo Tiền phong, Người lao động, Tuổi trẻ, Đại đoàn kết, Pháp luật TP.HCM, Dân Việt, Quảng Nam (08-9) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã mở phiên xét xử 11 người sai phạm trong việc giải tỏa, đền bù dự án thủy điện Sông Bung 4, huyện Nam Giang với các tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng . Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, lập hồ sơ đền bù, giải tỏa thu hồi đất để thực hiện dự án thủy điện Sông Bung 4, các cán bộ thuộc Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 cùng Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Nam Giang đã thực hiện không đúng quy định, để cho một số cán bộ và người dân địa phương lợi dụng kê khai gian dối đất và cây để nhận tiền đền bù, gây thiệt hại hơn 16,8 tỉ đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh niên (06-9)  dẫn nguồn tin Hãng Yonhap, ông Yang Seung-tae, Chánh án toà án tối cao Hàn Quốc xin lỗi công chúng vì có thêm một thẩm phán cấp cao bị bắt vì tội nhận hối lộ trong bối cảnh tham nhũng xuất hiện ở ngành tư pháp nước này thời gian gần đây. Một toà án ở Seoul ra lệnh bắt ông Kim Soo-cheon, 56 tuổi, thẩm phán của toà án Incheon vì những nghi vấn liên quan đến việc ông này nhận 170 triệu won, tương đương 152.000 USD tiền mặt, và vật phẩm có giá trị từ một doanh nhân trong ngành mỹ phẩm.
 
    Báo Petrotimes (10-9) cho biết, khi khám xét cơ ngơi của Đại tá Dmitry Zakharchenko, quyền thủ trưởng một trong các cơ quan chống tham nhũng thuộc Bộ Nội vụ Nga , cảnh sát đã phát hiện lượng tiền mặt 8 tỷ rúp. Hiện các cơ quan chức năng Nga đang xác minh nguồn gốc của lượng tiền khủng trên. Trong thời gian tới, Tòa án Moskva sẽ xem xét yêu cầu điều tra vụ bắt giữ viên đại tá, bị nghi ngờ nhận hối lộ quy mô đặc biệt lớn. Bản thân Zakharchenko phủ nhận mọi cáo buộc.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ IV.
    - Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017.
    - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. 
    - Nhiều khuyết điểm, vi phạm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.