Kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp năm 2023

Thứ Sáu, 15/12/2023, 19:02 [GMT+7]
    Năm 2023, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã chủ động thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn đầu của tố tụng hình sự. Trong đó, đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 168.578 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đã xử lý, giải quyết 144.273 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. 
 
    Theo báo cáo, Viện kiểm sát các cấp yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 790 vụ án; yêu cầu hủy bỏ 12 quyết định khởi tố vụ án do chưa bảo đảm căn cứ pháp luật; Viện kiểm sát quyết định hủy bỏ 33 quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm không có căn cứ; trực tiếp giải quyết 03 nguồn tin về tội phạm; trực tiếp khởi tố để yêu cầu điều tra 20 vụ án hình sự. Đồng thời, ban hành 1.819 kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm pháp luật và 624 kiến nghị yêu cầu cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm; các kiến nghị đều có cơ sở xác đáng nên tỷ lệ được tiếp thu, thực hiện đạt 99,7%, vượt 19,7% so với chỉ tiêu. 
 
Một Cuộc họp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Một Cuộc họp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
    Trong năm, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong điều tra vụ án hình sự; thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu; tăng cường kiểm sát hoạt động điều tra và trong suốt quá trình giải quyết vụ án; kiểm sát chặt chẽ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, kiên quyết hủy bỏ hoặc không phê chuẩn các quyết định tố tụng thiếu căn cứ, trái pháp luật. Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 134.501 vụ/209.197 bị can, tăng 20.441 vụ, 27.899 bị can. Phát hiện kịp thời thiếu sót, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra để kiến nghị yêu cầu khắc phục; phối hợp xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, tài trợ khủng bố. 
 
    Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; tăng cường trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; quan điểm giải quyết các vụ án của Viện kiểm sát bảo đảm khách quan, toàn diện, có căn cứ, đúng pháp luật; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên. Không để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. 
 
    Đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế; xây dựng Chỉ thị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ; đẩy nhanh tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 897 nguồn tin tội phạm về tham nhũng; đã giải quyết, xử lý 740 nguồn tin. Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 1.405 vụ/3.892 bị can; Thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố 743 vụ/1.987 bị can, đã giải quyết 623 vụ/1.614 bị can (đạt tỷ lệ 83,9%); thụ lý xét xử sơ thẩm 803 vụ/2.200 bị cáo. Công tác giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng tiếp tục đạt kết quả tích cực; đã khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Một số vụ án thu hồi tài sản cao, như: Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh và các đơn vị có liên quan, các bị can tự nguyện nộp 4.004 tỷ đồng; Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các CDC, Cơ quan điều tra đã thu hồi hơn 1.670 tỷ đồng.
 
    Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp. Công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Qua công tác giải quyết đơn, đã ban hành 497 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Viện kiểm sát các cấp đã trực tiếp kiểm sát và ban hành kết luận việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại 682 cơ quan tư pháp. Ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan tự kiểm tra, kiểm tra cấp dưới, văn bản yêu cầu các cơ quan ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo, văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại cho Viện kiểm sát. Qua kiểm sát đã ban hành 331 kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và được chấp nhận, tiếp thu, đạt tỷ lệ 100%, vượt 20% so với chỉ tiêu.
Hồng Vân
(Ban Nội chính Trung ương)
.