Hà Nội: Đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp năm 2024

Thứ Sáu, 15/12/2023, 06:03 [GMT+7]
    Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức Cuộc họp giao ban dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy và các quận, huyện, thị ủy và đơn vị trong Thành phố kịp thời, thường xuyên, phát huy hiệu quả thiết thực. Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, bám sát chương trình công tác năm 2023. Công tác cải cách hành chính của các Cơ quan tư pháp Thành phố được đẩy mạnh. 100% văn bản của thành phố được ban hành đúng thẩm quyền, thể hiện năng lực và uy tín của Thủ đô. Công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) được thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch. Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của thành phố được triển khai sâu rộng, bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc kết án oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Tòa án nhân dân thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ; việc tổ chức thi hành án dân sự liên quan đến hình sự về kinh tế, tham nhũng, án tín dụng ngân hàng, vụ việc có giá trị thi hành lớn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt… Công an thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 27.577 đơn, tin báo, tố giác tội phạm (tăng 6.231 đơn, tin so với năm 2022); tổ chức xác minh, kết thúc 25.339 đơn, tin (đạt tỷ lệ 92%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Bộ Công an đề ra)… Viện Kiểm sát hai cấp thành phố thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 12.672 vụ/19.877 bị can, trong đó khởi tố mới 10.228 vụ/14.691 bị can (tăng 2.076 vụ, 2.469 bị can so với cùng kỳ năm 2022). Tòa án nhân dân hai cấp thành phố thụ lý 39.335 vụ việc, giải quyết 35.551 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,38%. So với cùng kỳ năm 2022, số thụ lý tăng 493 vụ việc, số giải quyết tăng 740 vụ việc, số tồn giảm 247 vụ việc…
 
    Việc tổ chức thi hành án dân sự liên quan đến hình sự về kinh tế, tham nhũng, án tín dụng ngân hàng, vụ việc có giá trị thi hành lớn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Ủy ban nhân dân các cấp Thành phố đã quan tâm bố trí, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan tư pháp…
    
    Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp ghi nhận những kết quả công tác cải cách tư pháp đạt được trong năm qua. Nhất là, sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn trong tham mưu xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố đạt chất lượng tốt hơn, thể hiện uy tín của Thủ đô; Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng; chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có chuyển biến tích cực, đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.
 
    Về nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện tốt Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương và Chương trình hành động của Thành ủy về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay; chú trọng xây dựng các cơ quan khối tư pháp theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chỉ đạo của Thành phố.
 
    Chỉ đạo tập trung giải quyết tin tố giác tội phạm đủ điều kiện truy tố xét xử theo quy định pháp luật; phối hợp tốt giải quyết đơn, thư tố giác tội phạm không để tồn đọng. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan, đơn vị; rà soát các quy trình, quy định nội bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là khi Luật Thủ đô được ban hành để Luật thẩm thấu đến từng cơ quan, công chức, từng người dân Thủ đô.
                                                                                           Mai Loan
.