Quảng Bình: Khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ Sáu, 23/08/2019, 15:04 [GMT+7]
    Thực hiện Kế hoạch số 121-KH/TU ngày 08-7-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 08-KH/BNCTU ngày 11-7-2019 về khảo sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; Đoàn Khảo sát do đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành viên Ban Chỉ đạo, kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh làm Trưởng Đoàn; các thành viên của Đoàn, gồm: Đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp và cán bộ, chuyên viên Phòng Theo dõi công tác các cơ quan nội chính và cải cách tư pháp, Ban Nội chính Tỉnh ủy. 
 
Đồng chí Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc  tại Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa
Đồng chí Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc tại Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa
    Từ ngày 30-7 đến 21-8-2019, Đoàn đã tiến hành khảo sát tại Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Huyện ủy Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Thị ủy Ba Đồn và một số cơ quan tư pháp cấp huyện.
 
    Qua các buổi làm việc, Đoàn Khảo sát đánh giá các ban chỉ đạo cải cách tư pháp và các cơ quan tư pháp cấp huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư pháp ngày càng được nâng cao; công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tư pháp ở cấp huyện được chú trọng. Đặc biệt, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp tiếp tục được hoàn thiện theo hướng rút gọn, đảm bảo đúng nguyên tắc lãnh đạo, vừa phát huy vai trò, tính chủ động của các cơ quan tư pháp; chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp được nâng lên; vai trò của luật sư, trợ giúp viên pháp lý được khẳng định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.
 
    Tại các buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã trình bày một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyên truyền về các hoạt động tư pháp; về chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử giữa các cơ quan tư pháp; khó khăn về cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị...; đồng thời kiến nghị, đề xuất một số nội dung về việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và chế độ đãi ngộ cho các cán bộ làm công tác tư pháp.
 
    Phát biểu kết luận các buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy,Trưởng Đoàn khảo sát đã ghi nhận những kết quả đạt được của các địa phương, đơn vị trong thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đã chỉ ra một số hạn chế và trong thời gian tới cần triển khai các giải pháp trong công tác cải cách tư pháp, trọng tâm là: đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục các văn bản pháp luật; đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử; xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; xác định rõ vai trò của luật sư, các hoạt động trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của giám định tư pháp, xác định rõ vai trò UBND các cấp trong công tác thi hành án; giải quyết kịp thời, đúng quy định đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp; xem xét hỗ trợ kinh phí hỗ trợ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, các hoạt động tạm giam, tạm giữ, hỏi cung...
 
    Về các kiến nghị, đề xuất của các ban chỉ đạo cải cách tư pháp và các cơ quan tư pháp cấp huyện, Đoàn Khảo sát ghi nhận và sẽ tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh xem xét, giải quyết một số nội dung thuộc thẩm quyền, nhằm góp phần giúp các địa phương, đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Nguyễn Nam
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)
.