Quảng Nam: Cải cách thủ tục hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng

Thứ Sáu, 23/08/2019, 07:37 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn tỉnh.
 
    Mục đích kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của từng cán bộ, công chức, viên chức và của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã trong giải quyết công việc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, từng bước đẩy lùi tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
 
Công dân giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Nam
Công dân giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Nam
    Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg gắn với việc tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện thường xuyên những nhiệm vụ như tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;
 
    Người đứng đầu các đơn vị, địa phương đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu; tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý được giao; tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc;
 
    Xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với những đơn vị, cá nhân có hành vi tham nhũng; những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng; đồng thời xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm tại đơn vị mình quản lý; xây dựng kế hoạch và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện công tác luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức đúng quy định.
 
    Thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Tiếp công dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định; tiếp tục thực hiện nghiêm việc xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị theo đúng quy định pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương để phòng ngừa tham nhũng.
 
    Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.
Thanh Hằng
.