Hòa Bình: Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024

Thứ Sáu, 01/03/2024, 16:52 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024. 
 
    Theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện; trong đó, tập trung vào các nội dung: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
 
Ảnh minh họa: TP Hòa Bình
Ảnh minh họa: TP Hòa Bình
    Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, tài chính ngân sách, tổ chức cán bộ, xây dựng cơ bản. Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và của cán bộ, công chức. Thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các hoạt động nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ đối với việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực.
 
    Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai, công khai tại đơn vị. Làm tốt công tác phối hợp giữa cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập với các sở, ngành và các địa phương; đồng thời, triển khai đồng bộ có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi kê khai, công khai, kiểm soát về tài sản, thu nhập không đúng quy định.
 
    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. 
 
    Thanh tra các cấp tiến hành thanh tra theo đúng kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được phê duyệt; tiến hành thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; qua đó, chú trọng việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây lãng phí tài sản Nhà nước; tăng cường công tác xử lý sau thanh tra; các kết luận, kiến nghị, quyết định sau thanh tra. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý thông tin, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo quy định; tăng cường trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức nhất là những vị trí giải quyết công việc liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. 
 
    Khuyến khích doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình; thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng; phát động phong trào không đưa hối lộ, chi phí không chính thức cho cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, tổng hợp những vướng mắc trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà và khó thực hiện, kiến nghị UBND tỉnh.
 
    Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong vai trò phản biện, giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xây dựng biện pháp bảo vệ người phát hiện, tố cáo, báo cáo tham nhũng; khuyến khích và có chính sách khen thưởng phù hợp, kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong tố cáo, báo cáo hành vi tham nhũng; có biện pháp bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm mọi hành vi đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo, báo cáo tham nhũng hoặc lợi dụng tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác. 
Phương Thảo
.