Công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế tại tỉnh Thái Nguyên

Thứ Ba, 08/01/2019, 15:08 [GMT+7]

Sáng 07-01-2019, tại Trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên, Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng Đoàn đã công bố dự thảo Báo cáo kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên. 

Làm việc với Đoàn có đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Thực hiện Chương trình kiểm tra, trong các ngày 30-11 và ngày 03, 04-12-2018, Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan: Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được; phân tích khó khăn, vướng mắc, tìm hiểu nguyên nhân và kiến nghị những giải pháp để hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực hoạt động của các cơ quan tố tụng, truy tố, xét xử, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế.

Báo cáo về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn từ 2013-2018 cho thấy, các cơ quan chức năng của tỉnh đã quan tâm thu giữ, tạm giữ, động viên bị can và gia đình bị can giao nộp tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thi hành án; tích cực tổ chức thi hành án để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ việc có điều kiện thi hành án đạt 89,6%. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, truy tố, xét xử và các cơ quan có liên quan trong công tác thu hồi tài sản được tăng cường.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc

Cơ quan điều tra của Công an đã khởi tố điều tra, giải quyết 196 vụ/313 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, kết luận điều tra đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố 157 vụ/250 bị can. Trong đó, án tham nhũng 30 vụ/59 bị can; đã kết thúc điều tra và chuyển Viện kiểm sát nhân dân truy tố 24 vụ/44 bị can, tài sản thu hồi là 9 tỷ 558 triệu đồng/30 tỷ 165 triệu đồng. Án kinh tế, khởi tố điều tra 165 vụ/253 bị can, đã kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân truy tố 133 vụ/206 bị can, tài sản thu hồi là 2 tỷ 916 triệu/6 tỷ 878 triệu đồng.

Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý 157 vụ án/250 bị can, đã truy tố 142 vụ/235 bị can (án tham nhũng 24 vụ/44 bị can; án kinh tế 118 vụ/191 bị can).

Tòa án nhân dân hai cấp đã xét xử sơ thẩm 131 vụ/214 bị cáo phạm tội tham nhũng, kinh tế (tham nhũng 21 vụ/39 bị cáo; kinh tế 110 vụ/175 bị cáo); xét xử phúc thẩm 29 vụ/51 bị cáo (tham nhũng 11 vụ/27 bị cáo; kinh tế 18 vụ/24 bị cáo). Tổng số bản án về tham nhũng, kinh tế do Tòa án nhân dân hai cấp chuyển cơ quan Thi hành án dân sự để thu hồi tài sản là 108 bản án/43 tỷ 657 triệu đồng. Trong đó, số tiền phải truy thu, buộc bị cáo bồi thường do hành vi phạm tội là 42 tỷ 128 triệu đồng; số tiền phạt đối với các bị cáo là 848 triệu đồng; số tiền án phí dân sự và hình sự nộp vào Ngân sách Nhà nước là 680 triệu đồng.

Cơ quan Thi hành án đã thi hành xong 143 việc/10 tỷ 144 triệu đồng, trong đó: Thu hồi cho Ngân sách Nhà nước 139 việc/2 tỷ 145 triệu đồng; thu hồi cho cơ quan, tổ chức có vốn nhà nước 01 việc/115 triệu đồng; thu hồi cho công dân 09 việc/7 tỷ 914 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn bộc lộ nhiều hạn chế, thu hồi tài sản còn ít, cán bộ thực hiện công tác thu hồi tài sản ở các cơ quan tố tụng vẫn nặng về xác minh, chứng minh hành vi phạm tội, chưa chú trọng đến việc thu hồi, tạm giữ tài sản, chưa hiểu đúng quy trình của việc thu hồi, gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp với các cơ quan tố tụng; gây khó khăn trong quá trình cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản sau kê biên của người phải thi hành án; công tác điều tra, truy tố, xét xử quá dài khiến tài sản phải thu hồi bị giảm giá trị; một số quy định của pháp luật không phù hợp, phát sinh vướng mắc trong thực tiễn…

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh, đặc biệt các cơ quan tố tụng, truy tố xét xử, Thi hành án nghiêm túc đánh giá những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; đề xuất một số kiến nghị, trong đó chú trọng hơn tới việc kê biên, phong tỏa tài sản, thực hiện phong tỏa các tài sản có dấu hiệu tội phạm; bàn giao tài sản bị chiếm đoạt cho các cơ quan chức năng quản lý, xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan. Đồng chí nhấn mạnh, các cơ quan sớm ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể gắn với thi đua của đơn vị, cơ quan. 

Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác lưu ý, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tuân thủ theo các quy định pháp luật về kê biên tài sản, phong tỏa tài sản; cơ quan tố tụng, xét xử phải đặt 3 yêu cầu giải quyết án ngang nhau, làm rõ tội phạm, không có oan sai, thu hồi được tài sản, nếu có tham nhũng, khi truy tố xét xử phải tịch thu tài sản trái phép, tài sản gây thiệt hại thì phải bồi thường, cần thiết có hình phạt kinh tế bổ sung. Tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương: Địa chính, Xây dựng, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, Công chứng,… trong việc xác minh thông tin, áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tạ Anh Hưng

 

.