Khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng

Thứ Ba, 09/12/2014, 15:19 [GMT+7]

(BNCTW) - Sáng ngày 09-12-2014, tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” và trưng bày triển lãm về các ấn phẩm, công cụ phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế.

Dự Tọa đàm có 300 đại biểu là đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương và Hà Nội; một số tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan, tổ chức quốc tế; trường Đại học, Viện nghiên cứu. Các đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam; Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu tại buổi Tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cũng như những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Các đại biểu đã nghe các tham luận về: Thực tiễn xây dựng và hiệu quả của việc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp nhằm phòng ngừa tham nhũng; Thực tiễn tốt trên thế giới về bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng; Những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong việc thực hiện đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy; Vai trò của công dân và các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng…

Tại buổi Tọa đàm, đại diện Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay có khoảng 70% doanh nghiệp có bộ quy tắc ứng xử. Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện các bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp nhằm phòng ngừa tham nhũng, vài năm nay VCCI đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng như: tổ chức các khóa đào tạo về các công cụ phòng, chống tham nhũng, phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức về phòng, chống tham nhũng và xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho các doanh nghiệp. Nếu như vào năm 2010, nhiều doanh nghiệp chưa hào hứng tham gia tập huấn thì tới năm 2012, nhiều công ty đã chủ động hơn và sẵn sàng đóng góp chi phí tập huấn. Có công ty nước ngoài đã có Bộ quy tắc ứng xử nhưng vẫn muốn được hỗ trợ để địa phương hóa, tăng cường hiệu quả phòng ngừa tham nhũng.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đại diện của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) khẳng định bất kỳ nỗ lực phòng, chống tham nhũng nào cũng sẽ không thể thành công nếu không dựa trên nguyện vọng của người dân, nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân và không có sự tham gia của người dân. Những văn bản như Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật khiếu nại, Luật tố cáo… đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng. Đại diện TT cũng đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng như: tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước (cụ thể như thông qua việc ban hành Luật tiếp cận thông tin); thực hiện các sáng kiến cho phép công dân, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự cùng tham gia vào các nỗ lực của chính phủ để tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính của các cơ quan công quyền; cải thiện các cơ chế giám sát và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân về hoạt động của các cơ quan công quyền, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ công; tăng cường hơn nữa hiệu quả của các cơ chế giải quyết khiếu nại; cụ thể hóa và tăng cường hiệu quả của các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày tài liệu, công cụ phòng, chống tham nhũng
Các đại biểu tham quan khu trưng bày tài liệu, công cụ phòng, chống tham nhũng

Phần trình bày của bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã đưa ra những thực tiễn tốt trên thế giới về bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Những nước có luật quy định cụ thể để bảo vệ người tố cáo tham nhũng là Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi, Anh, Mỹ, Ghana. Để bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng hiệu quả thì cần có khuôn khổ thể chế, kênh tố cáo hiệu quả; có hình thức khen thưởng để khuyến khích người tố cáo; xác định rõ những hành vi trả thù người tố cáo và có cơ chế bảo vệ toàn diện người tố cáo; nâng cao nhận thức về việc bảo vệ người tố cáo và tiến hành đánh giá thường xuyên…

Khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của việc đưa nộidung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo và kêu gọi sự chung tay của tuổi trẻ trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tham luận của đại diện Học viện An ninh nhân dân và phần trình bày của đại diện Đề án P36 của Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2013 (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, đồng tình của các đại biểu.

Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đây là lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ tổ chức tọa đàm về phòng, chống tham nhũng với cách tiếp cận mới, tạo điều kiện để các diễn giả nói về trải nghiệm của chính họ và tổ chức của họ trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng chí khẳng định, bầu nhiệt huyết sôi nổi của tuổi trẻ thông qua Dự án giảng đường tươi đẹp (Đề án P36); khó khăn, thách thức và tác động tích cực của việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong nhà trường; nỗ lực của khu vực tư để phòng, chống tham nhũng qua Bộ quy tắc ứng xử; những chia sẻ và khẳng định về vị trí, vai trò quan trọng của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; cái nhìn tổng quan về các cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng của nhiều quốc gia trên thế giới đã làm rõ thêm các giải pháp phòng ngừa, bổ sung các giải pháp phòng ngừa và nhấn mạnh vai trò của công chúng trong phòng, chống tham nhũng; để góp phần thiết thực hơn trong thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng thời gian tới. Điều đó cho thấy nhận thức và sự tham gia của mọi thành phần, khu vực trong xã hội vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày càng nhiều hơn, người dân đã thực sự tham gia phòng, chống tham nhũng một cách tích cực bằng những hành động thiết thực và tính lan tỏa cao.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, là cầu nối đưa các quốc gia sát lại gần nhau trong cuộc chiến chống tham nhũng. 10 năm qua, thái độ, nhận thức về phòng, chống tham nhũng đã thay đổi rất nhiều, người dân ngày càng thể hiện thái độ không dung thứ với tham nhũng, các chính phủ ngày càng quyết liệt hơn trong phòng ngừa và chống tham nhũng.

Ban Tổ chức phát hành 2.000 cuốn lịch để bàn với các thông điệp, khẩu hiệu, hình ảnh về phòng, chống tham nhũng, giới thiệu vắn tắt những quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng và sự tham gia của Việt Nam trong Công ước LHQ về chống tham nhũng
Ban Tổ chức phát hành 2.000 cuốn lịch để bàn với các thông điệp, khẩu hiệu, hình ảnh về phòng, chống tham nhũng, giới thiệu vắn tắt những quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng và sự tham gia của Việt Nam trong Công ước LHQ về chống tham nhũng

Đồng chí cũng khẳng định những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng; nhiều văn bản về phòng, chống tham nhũng đều có nội dung, điều khoản cụ thể về sự tham gia của người dân vào công tác này. Người dân đã tham gia tích cực hơn vào công tác phòng, chống tham nhũng, chủ động hơn trong việc phát hiện và tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ sai phạm đã được xử lý nghiêm nhờ sự tham gia tích cực của người dân và báo chí.

Để phát huy hơn nữa vai trò của người dân và các thành phần xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm tăng cường nhận thức về cách thức tham gia phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, gắn với cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện hiệu quả cơ chế giám sát phản biện, tham gia xây dựng cơ chế chính sách của người dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo và khen thưởng xứng đáng người tố cáo; bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng, cũng nhằm củng cố lòng tin của người dân và khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Thu Thắm

;
.