Hà Nội: Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013

Thứ Sáu, 06/12/2013, 15:32 [GMT+7]

Năm 2013, các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội đã tiếp gần 29.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và xử lý hơn 20.000 đơn các loại; thụ lý và giải quyết gần 2.000 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, kết luận gần 1.800 vụ (đạt 90%).

Qua đó đã thu hồi cho Nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng và 2.058m2 đất; kiến nghị điều chỉnh 10 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Liên quan đến giải quyết khiếu nại tố cáo, toàn thành phố đã xử lý kỷ luật 7 cán bộ (2 cán bộ ở quận Long Biên, 2 cán bộ ở quận Ba Đình, 3 cán bộ ở huyện Hưng Hòa), chuyển cơ quan điều tra 1 vụ (huyện Phúc Thọ).

Để phòng ngừa tham nhũng, thành phố đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 435 công chức, viên chức, chủ yếu là ở khối quận, huyện. Cụ thể: Chi cục Quản lý thị trường chuyển vị trí công tác 35 người; Sở Tư pháp 1 người; Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong 3 người; Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị 9 người; Trường cao đẳng Y tế Hà Nội 6 người; Trường Cao đẳng cộng đồng Hà Tây 6 người; khối quận, huyện đã chuyển đổi vị trí công tác 365 công chức, viên chức. Tiến hành điều tra xã hội học về thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức tại 5 Sở gồm: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn làm việc với Thành ủy Hà Nội
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn làm việc với Thành ủy Hà Nội

Ngành Thanh tra thành phố Hà Nội đã thực hiện 268 cuộc thanh tra, kết luận 225 cuộc. Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với nhà nước đối với các dự án giao đất, cho thuê đất; tài chính ngân sách. Qua đó phát hiện và kiến nghị thu hồi hơn 1 tỷ đồng, 967ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm 42 tập thể và 54 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm; chuyển 2 vụ sang cơ quan điều tra.

Về kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng: Công an thành phố khởi tố mới 28 vụ/75 bị can; kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 25 vụ/ 75 bị can. Tài sản thiệt hại là gần 48,5 tỷ đồng, đã thu hồi 6,3 tỷ đồng. Đang thụ lý điều tra 16 vụ/39 bị can. Viện kiểm sát nhân dân thành phố thụ lý 27 vụ án/108 bị can; truy tố 19 vụ/78 bị can; đình chỉ 1 vụ/9 bị can; đang điều tra 7 vụ/21 bị can. Tòa án nhân dân thành phố đã thụ lý 43 vụ/128 bị cáo; đã xét xử 27 vụ/ 66 bị cáo; trả hồ sơ Viện kiểm sát để điều tra bổ sung 11 vụ/46 bị cáo, còn lại 5 vụ/16 bị cáo.

Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 của thành phố Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế sau đây: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa thường xuyên, đồng đều, đôi lúc đôi chỗ còn mang tính hình thức. Số vụ tham nhũng phát hiện thông qua công tác tự kiểm tra chưa cao. Một số cơ quan, đơn vị triển khai chưa đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, hiệu quả chưa cao. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị khi xảy ra tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức, không tương xứng với một số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ tham nhũng còn kéo dài. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xác định các nhiệm vụ trọng tâm: 1) Tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch. 2) Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các chế độ chính sách, tiêu chuẩn đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. 3) Tiếp tục phân cấp gắn liền với phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân. 4) Các cấp, các ngành xác định phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá việc thực hiện. 5) Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi tham nhũng. 6) Biểu dương, khen thưởng người tố cáo tham nhũng để khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng...

P.V

;
.