Ninh Thuận: Công tác nghiên cứu, đề xuất cấp ủy đánh giá, chỉ đạo công tác nội chính

Thứ Ba, 04/07/2017, 17:30 [GMT+7]
    Để thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính xác, hiệu quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá kết quả hoạt động, chỉ đạo, lãnh đạo các mặt công tác các cơ quan nội chính, Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Thuận đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động các cơ quan nội chính, quá trình thực hiện từ năm 2015 đến nay mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ cấp tỉnh mà các huyện, thành ủy đều áp dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan nội chính cấp mình. 
 
    Đối với ngành Công an: Xem xét đánh giá trên cơ sở chỉ tiêu đề ra kết quả đạt được, so sánh với chỉ tiêu kế hoạch hoặc cùng kỳ năm trước về các mặt: tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, tỷ lệ quyết định khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự, số quyết định không khởi tố vụ án hình sự bị hủy và tỷ lệ xử lý khác trên tổng số thụ lý. Trong công tác điều tra xử lý tội phạm bao gồm: Số vụ án, bị can đề nghị Viện kiểm sát truy tố trên tổng số vụ thụ lý giải quyết; số vụ điều tra quá hạn, số vụ án và số bị can đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra; số vụ án Viện kiểm sát nhân dân trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
 
Quang cảnh Hội nghị giao ban công tác nội chính tháng 5-2017
Quang cảnh Hội nghị giao ban công tác nội chính tháng 5-2017
    Trong công tác bắt tạm giữ, tạm giam: Tỷ lệ phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân trên tổng số vụ bắt khẩn cấp, tỷ lệ phê chuẩn lệnh bắt tạm giam, đề xuất gia hạn tạm giam; tỷ lệ bắt tạm giữ chuyển xử lý hành chính; tỷ lệ người bị tạm giữ, tạm giam quá hạn. Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền số đơn giải quyết trên tổng số thụ lý; tỷ lệ giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại, tố giác; công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, công tác quản lý trật tự hành chính (chứng minh nhân dân, hộ khẩu) ....
 
    Trong công tác tham mưu, phối hợp tham mưu về bảo đảm an ninh quốc gia, ngoài đánh giá năng lực tham mưu, còn đánh giá kết quả thực hiện chương trình, các ý kiến chỉ đạo cá biệt của cấp ủy về các vụ việc cụ thể; công tác phối hợp, nhất là phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân lựa chọn, giải quyết án điểm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
 
    Đối với ngành Kiểm sát, trong công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố: nội dung tiêu chí thể hiện tỷ lệ giải quyết thuộc thẩm quyền (hiện nay bằng hoặc lớn hơn 90%); trong số đã giải quyết, tỷ lệ quá hạn nhỏ hơn hoặc bằng 20%. Mỗi Viện kiểm sát nhân dân trong 1 năm phải tổ chức ít nhất 1 cuộc kiểm sát trực tiếp. Trong công tác kiểm sát việc bắt tạm giữ, tạm giam và kiểm sát việc chấp hành pháp luật đối với người bị tạm giữ, tạm giam gồm các nội dung: Số cuộc kiểm sát trực tiếp ít nhất 1 lần trên 1 quý, đối với cá nhân tạm giữ và trại tạm giam. Trong 1 năm mỗi Viện kiểm sát nhân dân phải kịp thời phát hiện, kiến nghị; chất lượng kiến nghị được cơ quan công an chấp nhận, tiếp thu khắc phục trên 80% tổng số nội dung kiến nghị.
 
    Trong công tác kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố: Nội dung tiêu chí thể hiện tỷ lệ bắt tạm giữ chuyển xử lý hình sự lớn hơn 95%; tỷ lệ giải quyết án của cơ quan điều tra đạt từ 80% tổng số thụ lý trở lên; không có vụ án đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội; tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung dưới 6%; tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát nhân dân từ 95% trở lên, ra quyết định truy tố 100%, số bị can truy tố đúng tội, đúng thời hạn 100%; chủ trì, xác định phối hợp giải quyết án điểm đạt 2% đến 5% tổng số vụ thụ lý giải quyết và khi giải quyết có ý nghĩa phòng ngừa vi phạm, tội phạm cao.
 
    Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự, không có án bị Tòa án tuyên không phạm tội, hoặc cấp phúc thẩm hủy án do lỗi chủ quan của Kiểm sát viên, điều tra viên; kháng nghị ngang cấp được Tòa án chấp nhận từ 85% nội dung kháng nghị.
 
    Trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, lao động..., số án bị cấp phúc thẩm hủy liên quan trách nhiệm Viện kiểm sát nhân dân, số lượng, chất lượng kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với công tác kiểm sát thi hành án dân sự; cơ cấu tiêu chí về số cuộc kiểm sát trực tiếp, việc ra quyết định thi hành án, hoãn, miễn giảm thi hành án. Trong công tác kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo có các tiêu chí về: tỷ lệ quá hạn, đơn đề nghị kháng nghị, giám đốc thẩm quá hạn không trả lời, tỷ lệ giải quyết đơn thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát; số cuộc, số kiến nghị qua kiểm sát trực tiếp; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra, Tòa án.
 
    Trong thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của các cơ quan nội chính còn lại, đồng thời thường xuyên bổ sung, điều chỉnh phù hợp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu, đề xuất định hướng công tác của các cơ quan nội chính.
Trịnh Hữu Thuyết
(Ban Nội chính tỉnh ủy Ninh Thuận)
;
.