Ngành Thanh tra phát hiện vi phạm 9.853 tỷ đồng

Thứ Tư, 16/07/2014, 16:56 [GMT+7]
Ngày 16-7, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN) 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014.
Thanh tra Chính phủ cho biết, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.399 cuộc thanh tra hành chính (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2013) và 85.036 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2013) tại 391.108 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 9.853,5 tỷ đồng, 1.082,4 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.818,2 tỷ đồng và 409,3 ha đất (đã thu hồi 3.789,9 tỷ đồng, đạt 55,6%); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.035,3 tỷ đồng, 673,1 ha đất; đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 533 tập thể, 1.133 cá nhân; ban hành 103.360 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ, 24 đối tượng. 
Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo
Về công tác PCTN, theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; cụ thể:
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo việc thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, tăng khả năng giám sát và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính qua việc công khai kết quả giải quyết. Việc cải cách chế độ công vụ, công chức đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện. Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ, định mức, tiêu chuẩn quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức  được tăng cường. Chuyển đổi vị trí công tác 3.903 cán bộ, công chức, viên chức. 
Về một số phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, sẽ ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra; tiếp tục triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Triển khai thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và PCTN.
Tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra.
Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan xây dựng Định hướng công tác thanh tra năm 2015 và hướng dẫn các cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2015, bảo đảm kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế chồng chéo. 
Về giám sát công tác tiếp dân,  Trưởng Ban tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết, đã lập nhiều đoàn thanh tra kiểm tra về trách nhiệm công tác tiếp dân của  các cơ quan có trách nhiệm, tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ hướng dẫn các địa phương thành lập các trung tâm tiếp dân, nâng cao trách nhiệm tiếp dân của  các cán bộ tiếp dân, tránh trường hợp cán bộ tiếp dân chỉ làm nhiệm vụ là một ”văn thư cao cấp” để chuyển đơn lòng vòng gây bức xúc và mất thời gian cho nhân dân, Ban tiếp công dân Trung ương được thành lập sẽ là đầu mối để tăng cao mối quan hệ trong công tác tiếp công dân giữa Trung ương và địa phương, đồng thời sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu giải quyết khiếu nại, tố cáo trên toàn quốc.
Thực hiện tốt công tác xử lý đơn thư; quan tâm giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh; các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, trong đó cần tập trung giải quyết dứt điểm 34 vụ việc phức tạp, tồn đọng còn lại theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khác theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP. 
Quan tâm công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao chất lượng các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Tiếp tục nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến PCTN; phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tổ chức thành công Hội nghị Đối thoại PCTN lần thứ 13; đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014.
Tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo tham nhũng; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin và phát hiện, xử lý tham nhũng; tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Chính phủ tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN; hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc thực hiện kết luận thanh tra; tiếp tục xây dựng các thông tư hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN
Đăng Linh
;
.