Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình: Tọa đàm về nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp
Thứ Ba, 24/04/2018, 14:28 [GMT+7]
Báo cáo tại buổi Tọa đàm cho thấy, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình đã thực hiện nghiêm chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ ra; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao đạt nhiều kết quả nổi bật: Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp được quan tâm; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có những chuyển biến tích cực, khắc phục được án quá hạn luật định; ngành Tòa án thực hiện thành công việc tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án nhân dân cấp huyện, khắc phục tình trạng tồn đọng án ở tòa án cấp tỉnh; đổi mới hoạt động xét xử theo hướng tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, nâng cao tỉ lệ hòa giải thành đối với các vụ, việc dân sự; tăng cường đối thoại trong các vụ án hành chính; công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước; hoạt động công chứng, giám định, luật sư, trợ giúp pháp lý đi vào nề nếp; việc xã hội hóa hoạt động công chứng đã thành công bước đầu đóng góp tích cực vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp của tỉnh; các hoạt động giám sát, chất vấn đối với hoạt động tư pháp được tăng cường; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp đem lại những hiệu quả nhất định, đáp ứng kịp thời các yêu cầu về việc chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp; sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp được thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tư pháp còn chậm do hệ thống pháp luật về quản lý nhà nước, hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, tố tụng tư pháp còn chưa thực sự đồng bộ, một số văn bản hướng dẫn chưa kịp thời. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, vẫn còn xảy ra tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; vẫn còn án bị huỷ, cải sửa; chất lượng kiểm sát xét xử ở một số vụ án của kiểm sát viên chưa cao; tỷ lệ thi hành án dân sự còn thấp so với yêu cầu...
Tại buổi Tọa đàm các đại biểu đã tập trung thảo luận thống nhất thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới:
(1) - Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính; tập trung thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục nâng cao chất lượng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
(2) - Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác Cải cách tư pháp; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, công tác bảo vệ Đảng và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
(3) - Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; đề cao trách nhiệm của cán bộ có chức danh tư pháp, trước hết là những cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp thụ lý và giải quyết vụ việc; tiếp tục xác định việc đổi mới hoạt động tranh tụng tại phiên toà là khâu đột phá; tập trung làm tốt công tác hoà giải trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự và tăng cường đối thoại trong việc giải quyết các vụ án hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Toà án để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử theo hướng đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; tập trung kiên quyết hạn chế triệt để tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm; hạn chế thấp nhất các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, bảo đảm các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao và có tính khả thi; tiếp tục tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; thực hiện tốt việc công khai bản án, quyết định của Tòa án; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; đẩy mạnh, đổi mới, định hướng tốt công tác tuyên truyền nâng nhằm cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về cải cách tư pháp; tăng cường phối hợp hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tổ chức thi hành án dân sự đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án trọng điểm, án liên quan đến an ninh quốc gia, tham nhũng, kinh tế ...
(4) - Tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực về bổ trợ tư pháp,tăng cường quản lý nhà nước thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bổ trợ tư pháp; phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác bổ trợ tư pháp theo hướng chuyên nghiệp hoá không phải chỉ là người được đào tạo cơ bản về luật pháp, về lĩnh vực công tác, tinh thông nghề nghiệp, giàu kinh nghiệm mà còn phải có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp là giúp người dân thực hiện nhu cầu về dịch vụ pháp lý một cách nhanh chóng, thuận tiện, chuyên nghiệp và an toàn.
(5) - Nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp trong việc chấp hành pháp luật; tăng cường các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn đối với các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân; phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động tư pháp.
(6) - Tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp, trước hết là cán bộ có chức danh tư pháp đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu; làm tốt công tác đánh giá cán bộ và lựa chọn cán bộ có đủ trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt, có quan điểm đổi mới và quan điểm quần chúng tốt để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo của các cơ quan tư pháp. Đồng thời, cần phải có kế hoạch chủ động tạo nguồn cán bộ và thực hiện tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tại chỗ; tích cực tham gia và cử cán bộ công chức dự các khóa đào tạo; tạo tạo chuyên sâu, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ nhằm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đơn vị; bảo đảm cán bộ khi được quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc ngạch, bậc cao hơn phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức bổ sung, đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ ở cương vị mới. Các cơ quan tư pháp chủ động kết hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp cấp trên trong việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và tích cực thực hiện xã hội hoá một số hoạt động tư pháp.
Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)
;