Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng: Quy định về công tác nắm tình hình

Thứ Năm, 22/03/2018, 16:57 [GMT+7]
    Nhằm tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả các mặt công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Thành ủy Hải phòng đã ban hành Quyết định sô 74-QĐ/BNCTU Quy định về công tác nắm tình hình của chuyên viên Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng. 
 
    Theo đó, công tác nắm tình hình tập trung vào một số nội dung sau đây:
 
    1) Lĩnh vực quân sự, quốc phòng địa phương: Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương; tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương, thực hiện nghĩa vụ quân sự; lòng tin của cán bộ, chiến sĩ quân đội đối với Đảng, Nhà nước và các dấu hiệu hoang mang, dao động; âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quốc phòng; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng; những bất cập của pháp luật về công tác quân sự, quốc phòng; biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.
 
Đồng chí Đặng Bá Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại buổi làm việc của Ban Nội chính Trung ương với Thường trực Thành ủy Hải Phòng
Đồng chí Đặng Bá Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại buổi làm việc của Ban Nội chính Trung ương với Thường trực Thành ủy Hải Phòng
    2) Lĩnh vực an ninh, trật tự: Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác an ninh, trật tự; lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và đối với phẩm chất, năng lực, khả năng công tác chiến đấu của lực lượng công an; ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ an ninh, trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; các biểu hiện mâu thuẫn, bè phái, mất đoàn kết trong nội bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp.
 
    Âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực; dấu hiệu kẻ địch, bọn tội phạm móc nối, lôi kéo cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công tác an ninh, trật tự; biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cán bộ, đảng viên và nhân dân; các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong nội bộ các đơn vị công an đứng chân trên địa bàn; dấu hiệu tội phạm hoạt động theo kiểm xã hội đen, lộng hành, khống chế phong trào nhân dân ở cơ sở, các phương thức thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm, tệ nạn xã hội; các vấn đề, vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
 
    3) Lĩnh vực hoạt động của ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự: Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác của ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự; lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự; dấu hiệu kẻ địch, bọn tội phạm móc nối, lôi kéo cán bộ, công chức, viên chức ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự.
 
    Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công tác kiểm sát, xét xử, thi hành án dân sự; những bất cập trong các quy định pháp luật, trong hoạt động nghiệp vụ của ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự; dấu hiệu oan sai, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động truy tố, xét xư, thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại, thi hành án dân sự; các thủ đoạn tiêu cực trong các lĩnh vực này; dấu hiệu tiêu cực, mất đoàn kết, mất dân chủ trong nội bộ ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự.
 
    4) Lĩnh vực hoạt động của thanh tra: Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ công tác thanh tra; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công tác thanh tra; những bất cập trong các quy định pháp luật, trong hoạt động nghiệp vụ của ngành thanh tra; dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra; lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với ngành thanh tra; dấu hiệu tiêu cực, mất đoàn kết, mất dân chủ, thoái hóa, biến chất trong cán bộ, công chức, trong nội bộ ngành thanh tra.
 
    5) Lĩnh vực hoạt động của ngành tư pháp: Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ công tác thưu pháp; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công tác tư pháp; những bất cập trong các quy định pháp luật, trong hoạt động nghiệp vụ của ngành tư pháp; dấu hiệu tiêu cực, vi phạm pháp luật, tiêu cực, mất đoàn kết, mất dân chủ trong các hoạt động của các đơn vị và trong nội bộ của ngành tư pháp.
 
    6) Lĩnh vực hoạt động của ngành hải quan: Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công tác hải quan; những bất cập trong các quy định pháp luật có thể dẫn đến tiêu cực, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức hoặc tội phạm có thể lợi dụng hoạt động; phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực quản lý xuất nhập khẩu; dấu hiệu tiêu cực, mất đoàn kết, mất dân chủ, thoái hóa, biến chất của cán bộ, công chức và trong nội bộ ngành hải quan.
 
    7) Lĩnh vực cải cách tư pháp: : Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác cải cách tư pháp; việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 01-HD/TW của Ban Bí thư “về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”. Việc kiện toàn tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức bổ trợ tư pháp được xã hội hóa; hoạt động của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân địa phương đối với hoạt động tư pháp; hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp, những vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia cần quan tâm.
 
    8) Lĩnh vực phòng, chống tham nhũng: Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng; lòng tin, của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng; thái độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng; những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong quy định của pháp luật trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng và tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; tính xác thực trong các đơn tố giác tham nhũng.
 
    9) Các vụ việc về an ninh xã hội: Nguyên nhân phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công…; nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của những người tham gia tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công; quá trình giải quyết của cấp ủy, chính quyền đia phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và thái độ của người dân, của những người tham gia tranh chấp, khiếu kiện, lãn công, đình công sau từng bước giải quyết; những phức tạp mới phát sinh trong quá trình giả quyết vụ việc; quan điểm của cơ quan chức năng trong giải quyết vụ việc; hiện tượng lập hội, lập nhóm trái pháp luật; dấu hiệu móc nối của các đối tượng chính trị, hình sự, số đối tượng chuyên khiếu kiện thuê; phóng viên báo, đài có quan hệ với những người tham gia tranh chấp, khiếu kiện, lãn công, đình công.
 
    Các phòng nghiệp vụ của Ban Nội chính Thành ủy có trách nhiệm triển khai đồng bộ các biện pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo nắm và kiểm soát tốt tình hình giúp lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy kịp thời tham mưu cho Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy hoặc hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
Cù Tất Dũng
;
.